Thành viên OPEC cảnh báo giá năng lượng tăng cao có thể dẫn đến đói nghèo, trì trệ toàn cầu

Giá năng lượng tăng cao đã khiến lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail al Mazrouei ngày 29/3 cảnh báo chi phí năng lượng leo thang có thể làm trì trệ kinh tế toàn cầu và đẩy phần lớn thế giới vào nghèo khó.

Bộ trưởng al Mazrouei khẳng định Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) đang tích cực ổn định thị trường nhưng nỗ lực này ngày càng khó khăn, nhất là khi nguồn cung và giá cả năng lượng bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.

Cũng theo Bộ trưởng al Mazrouei, OPEC+ không chọn phe, không đánh giá các vấn đề chính trị và không thể bị ép trục xuất một số đối tác của mình vì điều này có thể khiến giá dầu leo thang trên các thị trường quốc tế.

untitled(1).png
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail al Mazrouei trong một cuộc họp báo vào tháng 1/2018. Ảnh: AFP

Ông cho biết các nhà lãnh đạo của tổ chức OPEC + gồm các nước xuất khẩu dầu đang cố gắng duy trì trật tự và đưa các nguồn tài nguyên vào thị trường với tốc độ có thể kiểm soát được nhưng cho rằng điều này ngày càng trở nên khó khăn.

“Để điều đó xảy ra, chúng ta cần các nguồn lực - nguồn lực tài chính - chúng ta cần đầu tư và chúng ta cần tách chính trị khỏi sự sẵn có của năng lượng và khả năng chi trả cho năng lượng,” ông Al Mazrouei nói.

“Tôi lo lắng rằng bởi vì chúng ta đang trộn lẫn cả hai, chúng ta có thể rơi vào tình huống mà khả năng chi trả cho năng lượng trở thành một vấn đề và điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến nghèo đói, và cuối cùng có thể dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế thế giới. Chúng tôi đang cố gắng, nhưng chúng tôi không thể bị đổ lỗi cho mọi thứ - chúng tôi đang cố gắng hết sức mình.”

Giá dầu và khí đốt đã tăng kể từ khi xung đột Nga - Ukraina, nhưng ông Al Mazrouei lưu ý rằng trọng tâm trước đây là tính bền vững và quá trình chuyển đổi năng lượng, kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu do đại dịch COVID-19, khiến giá giảm xuống mức thấp lịch sử. vào năm 2020.

OPEC + vào thời điểm đó đã phản ứng bằng việc cắt giảm sản lượng kỷ lục, nhưng Al Mazrouei cho biết vấn đề tiếp theo cần giải quyết ngoài việc đảm bảo nguồn cung sẽ là đảm bảo khả năng chi trả.

“Tôi chắc chắn điều tiếp theo sẽ là khả năng chi trả năng lượng và tài nguyên, theo nghĩa đó, bởi vì an ninh lương thực đang trở thành một vấn đề và các mặt hàng công nghiệp hoặc khoáng sản cũng đang trở thành một vấn đề,” ông nói.

Những quốc gia nhập khẩu dầu lớn ở châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, thời gian qua đối mặt sức ép gia tăng vì giá dầu leo thang. Ấn Độ thường nhập dầu thô từ Iraq, Ả Rập Saudi, UAE và Nigeria nhưng giới quan sát khẳng định với đài CNBC rằng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, lượng dầu Moscow bàn giao cho New Delhi đã gia tăng đáng kể.

Một ngày sau khi hạ nhiệt vì những tín hiệu lạc quan từ đàm phán Nga - Ukraine, giá dầu tăng trở lại vào ngày 30/3 vì những nỗi lo liên quan đến nguồn cung và viễn cảnh phương Tây áp lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Moscow.

Giá dầu thô Brent giao sau và giá dầu thô WTI giao sau có thời điểm cùng tăng hơn 2%, lên lần lượt 112,81 USD/thùng và 106,84 USD/thùng. Theo Reuters, trong phiên họp ngày 31/3, OPEC+ nhiều khả năng giữ nguyên kế hoạch khai thác thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi gia tăng nguồn cung từ các nước.

GIA HÂN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương