Sau hơn 3 tháng bị tạm giam, ngày 2/2, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh mức án 1 năm tù với tội Gây rối trật tự công cộng nhưng cho hưởng án treo, cùng thời gian thử thách là 2 năm. Tại tòa, người mẫu nói: “Kính thưa HĐXX, cũng vì suy nghĩ chủ quan và bị cáo thiếu nhận thức về luật cho nên bị cáo đã trả giá bằng những vết thương, vết sẹo cho bản thân của mình. Trên hết bị cáo đã bị tạm giam trong 3 tháng qua, và ngày hôm nay bị đưa ra xét xử. Trong sự việc này, bị cáo không cố ý, không cố tình biết luật mà phạm luật, nhưng vì những phút bộc phát nhất thời mà bị cáo đã có những hành vi sai phạm lúc nào không hay biết. Khi mà nhận ra vấn đề sai trái của mình thì đã muộn. Đây là bài học quá lớn với bị cáo, điều mà chưa bao giờ dám nghĩ tới vì bất cứ lý do gì”.
Người mẫu Ngọc Trinh nhận mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo với tội Gây rối trật tự công cộng. |
Bài học nhãn tiền cho những nghệ sĩ lệch chuẩn
Bản án của Ngọc Trinh không đơn thuần là bài học cho riêng cô. Nhìn rộng ra, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người nổi tiếng thường xuyên có những hành vi, lối sống thiếu chuẩn mực. Như chính Ngọc Trinh chia sẻ, cô ban đầu cũng không nhận thức được việc “làm trò câu view” của bản thân sẽ dẫn đến việc bị khởi tố hình sự. Khi bị triệu tập, người mẫu khai nhận tất cả chỉ vì muốn thu hút người theo dõi trên mạng xã hội.
Về vấn đề này, chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nêu ý kiến: “Tôi nghĩ, chắc không chỉ riêng tôi, đa số chúng ta đều mong đợi những điều tích cực, tốt lành đến từ các nghệ sĩ, để môi trường lành mạnh ấy tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đạo đức, nhân cách của con người. Mỗi một kinh nghiệm phải trở thành những bài học quý giá để chúng ta làm tốt hơn nhiệm vụ xây dựng con người, phát triển văn hóa. Điều đó không chỉ đúng với một trường hợp cụ thể như người mẫu Ngọc Trinh, mà còn đúng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trong xã hội, các nghệ sĩ”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
Nghệ sĩ thường là người có tài năng, nhờ đó, mới chinh phục được công chúng và được biết đến rộng rãi. Từ sự yêu thương của người hâm mộ, họ nhận được nhiều giá trị về vật chất cũng như tinh thần. Nhưng ngược lại, xã hội cũng trông đợi, bên cạnh chức năng giải trí vốn có của nghệ thuật, bằng tài năng của mình, nghệ sĩ sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về những vấn đề quan trọng của xã hội, truyền tải những thông điệp yêu thương, tốt đẹp của cuộc sống thông qua những tác phẩm nghệ thuật và qua chính tấm gương của họ.
Cũng vì thế, công chúng luôn mong muốn có thêm nhiều nghệ sĩ vừa tài năng vừa có đạo đức. Nghệ sĩ và người nổi tiếng nhất thiết phải giữ gìn hình ảnh của bản thân. Xã hội luôn trông chờ họ thành những tấm gương tốt cho xã hội, lan tỏa những thông điệp tích cực về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương. Sự hoen ố về hình ảnh có thể làm mất đi thiện cảm công chúng, sự quan tâm của các nhà tài trợ và cả sự nghiệp của chính họ.
Như trường hợp của Ngọc Trinh, dù chỉ phải nhận án treo, bản án cũng nhiều khả năng ảnh hưởng nặng nề tới sự nghiệp giải trí của cô. Luật sư Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Công ty Luật TNHH INFINITY Việt Nam - chia sẻ với chúng tôi: “Trong thời gian chấp hành án treo và trong thời gian thử thách khi sử dụng các phương tiện mạng xã hội, Ngọc Trinh phải chú ý về các phát ngôn, tuân thủ đúng quy định pháp luật về án treo và thời gian thử thách, không tái phạm các hành vi cấu thành tội gây rối trật tự công cộng hoặc các tội mới theo quy định pháp luật Hình sự. Có thể nói, các tài khoản cá nhân là nơi quảng bá cho hình ảnh của Ngọc Trinh và việc có hàng triệu lượt theo dõi cho thấy sức ảnh hưởng của Ngọc Trinh khá lớn. Do đó, khi bản án này kết thúc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và sự nghiệp của Ngọc Trinh”.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường. |
Cần xây dựng một chuẩn mực đạo đức cho lĩnh vực nghệ thuật
Ngay trước khi Ngọc Trinh bị cơ quan chức năng triệu tập, Vụ Pháp chế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang lập danh sách nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Hai bộ sẽ phối hợp để xây dựng quy trình xử lý bao gồm các quy định về việc hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng có hành vi, lối sống lệch chuẩn. Sau đó, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt - Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đã nắm được thông tin sự việc của Ngọc Trinh và sẽ xem xét về việc đưa tên cô vào “danh sách đen” những nghệ sĩ cần bị hạn chế.
Dù Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành vào năm 2021, vấn nạn người làm văn hóa - nghệ thuật phát ngôn, hành xử thiếu văn hóa vẫn diễn ra nhan nhản. Các chế tài phạt hành chính không đủ sức răn đe. Trước lúc bị công an triệu tập, Ngọc Trinh từng khiến dư luận bức xúc vì thái độ ngông cuồng trên mạng. Bị phạt hành chính vì các video lái xe thiếu an toàn khi không có bằng lái, cô vẫn cho ekip của mình chỉnh sửa và đăng tải video trên các trang mạng xã hội của mình.
Trong trường hợp của Ngọc Trinh, không có điều luật nào cấm người mẫu quay lại hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - giải trí sau khi lĩnh án. Luật sư Nguyễn Quốc Cường giải thích: “Đối với Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người phạm tội không phải chịu hình phạt bổ sung như cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Án treo cũng không quy định về việc người phạm tội bị cấm tham gia các hoạt động giải trí, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc xây dựng các chế tài cụ thể để hạn chế sự xuất hiện của những nghệ sĩ từng “nhúng chàm” là một vấn đề phức tạp và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. “Văn hóa nghĩa tình của đất nước ta luôn đề cao nguyên tắc đạo đức ‘đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại’. Khi các nghệ sĩ mong muốn đóng góp, cống hiến nhiều, chúng ta sẽ dành cho họ tình cảm và thiện tâm để thực hiện nguyện ước đó. Tất nhiên, đó là khi những sai sót của họ không phải là cố ý gây ra, không phải là những lỗi nghiêm trọng, đặc biệt là liên quan đến đạo đức làm người. Người nghệ sĩ cũng phải nhận thức sâu sắc những sai lầm của mình để từ đó có cách thức sửa chữa, hoàn thiện mình nhiều hơn”.
Điều đó đồng nghĩa với việc vai trò của công chúng trong việc sàng lọc ra những nghệ sĩ, người nổi tiếng xứng đáng được ủng hộ càng cào. Ông Bùi Hoài Sơn nói thêm: “Công chúng cũng cần có hành động ủng hộ những hành động đúng, phản đối những hành động sai trái, không chấp nhận sự dễ dãi, để tạo môi trường thuận lợi cho nghệ sĩ quay trở lại cống hiến cho nghệ thuật và đất nước. Cần có các chương trình truyền thông để thay đổi tư duy và nhận thức về vấn đề đạo đức trong cộng đồng nghệ sĩ. Khuyến khích công chúng lên tiếng, bày tỏ thái độ ủng hộ hay tẩy chay nghệ sĩ dựa trên hành vi của họ. Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là tìm kiếm sự cân bằng giữa việc bảo vệ giá trị đạo đức, chuẩn mực cộng đồng và việc tôn trọng quyền lựa chọn cá nhân cũng như sự phát triển nghề nghiệp của nghệ sĩ”.
Nữ chính phim Việt giờ vàng nhận “mưa lời khen” vì diễn quá hay, không đẹp mỹ miều vẫn "gây mê" khán giả
Khán giả hết lời khen ngợi nữ chính mới trên sóng giờ vàng VTV.