Thủ tướng Chính phủ: Kinh tế - xã hội Việt Nam đang hồi phục tích cực

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp với xu thế chung của thế giới.

Ngày 4.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2022. Ông Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư tham dự phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình quý I vừa qua đã cho thấy chúng ta đã dự báo tương đối sát tình hình, với nhận định tình hình  sẽ có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Tình hình trong các tháng 1, 2, 3 đã có những diễn biến mới nhanh, khó lường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính 
Thủ tướng Phạm Minh Chính 

Trong quý I, tình hình ở Ukraine ảnh hưởng đến nhiều mặt đến tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu. Tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra; giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

Ở trong nước, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp do các biến chủng mới như Omicron, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn.

Theo ông Chính, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta phải giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm, các vấn đề mới xuất hiện do tác động từ tình hình thế giới, các vấn đề đặt ra trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi nhanh, phát triển bền vững, các vấn đề nổi lên như tình hình mưa lũ bất thường ở miền Trung, vấn đề bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng trong năm 2022 và thời gian tới, việc mở cửa trở lại trường học và du lịch…

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.

Các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó. Việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP trong quý I đạt hơn 5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I dưới 2% mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.

Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh từ cuối tháng 3.

Tình hình kinh tế-xã hội còn có những tồn tại hạn chế cần nghiêm túc phân tích, đánh giá để có giải pháp khắc phục, như giải ngân đầu tư công còn chậm. Một số chương trình phục hồi chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra. Thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.  Vấn đề hàng hóa ở biên giới được xử lý tích cực chưa được giải quyết triệt để. Đời sống một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Việc tiêm vaccine mũi 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần cố gắng hơn.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp phân tích, đánh giá sâu sắc hơn những mặt được, chưa được, phân tích kỹ các nguyên nhân. Đặc biệt nguyên nhân chủ quan, đóng góp thêm về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm thời gian tới. Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thế nào để khắc phục được các  tồn tại, hạn chế, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới có thể phát sinh, tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài…

Thanh Mai