Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam với thế giới về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người.

Sáng 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người.

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong thệ thống giáo dục quốc dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam với thế giới, với các nước quan tâm về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người.

Về quyền con người và giáo dục quyền con người, Thủ tướng cho biết ngay từ năm 1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã có Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người.

Từ đó đến nay, Liên Hợp Quốc đã thông qua 5 giai đoạn của giáo dục quyền con người; trong đó giai đoạn thứ 5 chính thức phát động trên toàn thế giới vào ngày hôm qua (10/12/2024).

Đối với Việt Nam, vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định không có mục tiêu nào khác là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khẳng định quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Hiến pháp năm 2013 có 120 điều thì gồm 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: "không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội".

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết, kết luận về quyền con người và giáo dục quyền con người.

Việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức, với mục tiêu cuối cùng là hướng tới người dân với vai trò trung tâm, là chủ thể.

Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của cả nước, cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người phải trở thành chương trình chính thức trong hệ thống giáo dục quốc dân, không phải là hoạt động lồng ghép tạm thời. Ông nhấn mạnh: "Quyền con người bao gồm quyền được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; quyền tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; quyền được sống ấm no, hạnh phúc và quyền bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm:

Hoàn thiện khung pháp lý: Thể chế hóa đầy đủ các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người thành tiêu chí đánh giá chính sách.

Tăng cường giáo dục: Phát triển giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với từng cấp học. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy quyền con người, đưa nội dung này vào chương trình giáo dục đại học từ năm học 2025-2026.

Bảo đảm an sinh xã hội: Nâng cao chất lượng chính sách xã hội, bảo vệ các nhóm yếu thế, trợ giúp người nghèo tiếp cận dịch vụ cơ bản và cải thiện điều kiện sống.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế: Tham gia tích cực vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đối thoại với các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng chính sách phù hợp với chuẩn mực toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Tăng cường tuyên truyền về bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người tại Việt Nam, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch về quyền con người.

Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân ta, công tác bảo vệ quyền con người, giáo dục quyền con người ngày càng đạt kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

T.M

Thủ tướng đề nghị nhiều tập đoàn hàng đầu Trung Quốc tham gia các dự án hạ tầng ở Việt Nam

Thủ tướng đề nghị nhiều tập đoàn hàng đầu Trung Quốc tham gia các dự án hạ tầng ở Việt Nam

Thủ tướng đề nghị nhiều tập đoàn hàng đầu Trung Quốc tham gia các dự án lớn như cầu Tứ Liên, sân bay Long Thành, đường sắt.