Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ

Ở các nền kinh tế mới nổi đông dân như Ấn Độ, thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói vẫn còn là những điều mới lạ, các loại thuốc giảm béo mới nhất không thể tiếp cận được và các tuyên truyền về sức khỏe vẫn còn xa lạ với người dân.

Nhiều mánh khóe và cám dỗ mới dành cho trẻ em

Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đóng gói toàn cầu đang săn lùng biên giới tiếp theo của mình. Các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt và việc nhận thức về sức khỏe cộng đồng ngày càng được nâng cao đang cản trở hoạt động kinh doanh tại các thị trường cốt lõi của phương Tây, nơi các sản phẩm của Nestlé SA, Kellanova, Frosties và Pringles từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực quen thuộc của các cửa hàng tạp hóa. 

Trong thập kỷ qua, nhu cầu về khoai tây chiên và sô cô la đã chững lại ở Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu. Sự phổ biến ngày càng tăng gần đây của các loại thuốc ức chế sự thèm ăn như Ozempic đã hạn chế doanh số bán hàng của Walmart và hạ giá cổ phiếu của các công ty F&B.

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 1.

Trẻ em tìm hiểu về tầm quan trọng của chế độ ăn uống bổ dưỡng tại Trường Quốc tế Lotus Valley ở Gurugram. Ảnh: Bloomberg

Trong bối cảnh đó, các giám đốc điều hành nhìn thấy con đường mới ở các quốc gia như Ấn Độ - nền kinh tế mới nổi đông dân, nơi thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói vẫn còn tương đối mới lạ. 

Các quốc gia như Mexico, nơi béo phì ở trẻ em là mối lo ngại hàng đầu về sức khỏe, đã hạn chế các công ty quảng cáo thực phẩm không lành mạnh. Nhưng không có quy định nào như vậy tồn tại ở Ấn Độ. Ngũ cốc giàu tinh bột và đồ uống có đường được bán như những lựa chọn chất lượng trong các quảng cáo có sự góp mặt của các diễn viên Bollywood.

Ở các đô thị lớn của Ấn Độ, các siêu thị lớn vẫn chưa phổ biến, nhưng các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đang cạnh tranh với các chợ rau ngoài trời truyền thống. Doanh số bán đồ ăn nhẹ và nước giải khát gần như tăng gấp ba trong thập kỷ qua ở Ấn Độ, vượt quá 30 tỷ USD vào năm ngoái. 

Unilever kỳ vọng quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của công ty trong vòng một thập kỷ khi 60% hoạt động kinh doanh của họ đến từ các thị trường mới nổi.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với hạnh phúc của 1,4 tỷ người dân Ấn Độ là một câu hỏi hóc búa ngày càng lớn đối với Thủ tướng Narendra Modi. Chính phủ của ông đã thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng phải cân nhắc tiến bộ trên mặt trận đó với chi phí y tế của một nền kinh tế thực phẩm mới. 

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 2.

Một khu chợ rau quả ở Delhi.

'Ấn Độ đang bùng cháy tiềm năng'

 Mặc dù nạn đói cùng cực vẫn rình rập Ấn Độ nhưng vấn đề ngược lại hiện cũng đúng. Kể từ khi đất nước tự do hóa ba thập kỷ trước, dẫn đến phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đã tăng hơn gấp ba lần. Mức tăng hàng năm là cao nhất thế giới, chỉ sau Việt Nam và Namibia.

Các nhà sản xuất thực phẩm nhấn mạnh trong tuyên bố rằng nhiều sản phẩm của họ giải quyết những khoảng trống trên thị trường Ấn Độ và họ đang liên tục nỗ lực cung cấp các lựa chọn tốt cho sức khỏe. 

Trong năm qua, Kellanova cho biết công ty đã cắt giảm 1/5 lượng đường trong sô cô la. Nestlé lưu ý rằng họ tự nguyện đưa thông tin dinh dưỡng lên bao bì phía trước của các mặt hàng được bán ở Ấn Độ. Unilever cho biết công ty cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng "đạt được sự cân bằng giữa việc bổ sung chất dinh dưỡng và cảm giác ngon miệng".

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 3.

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 4.

Thay đổi về khối lượng bán lẻ kể từ năm 2012. Nguồn: Bloomberg

Một trong những cuộc tranh luận nhạy cảm nhất là làm thế nào để bán thực phẩm cho trẻ em.

Quy định đóng gói ở Ấn Độ còn lỏng lẻo so với các nơi khác trên thế giới. Không giống như hầu hết các nước Mỹ Latinh, các công ty thực phẩm và đồ uống không bắt buộc phải ghi chú trước bao bì về lượng đường, chất béo và muối như ở Châu Âu hay Hàn Quốc. 

Nhiều công ty sử dụng tiếng Anh trên bao bì thực phẩm của họ, mặc dù ngôn ngữ này chỉ được sử dụng bởi khoảng 10% dân số Ấn Độ và thậm chí còn ít hơn ở những người dưới 10 tuổi.

Một quảng cáo gần đây về trứng sô cô la Kinder Joy nhấn mạnh rằng có một món đồ chơi đi kèm với viên kẹo, điều đó khiến những đứa trẻ háo hức và thậm chí chỉ muốn mua một quả trứng Kinder Joy chỉ để vừa được ăn kẹo vừa có đồ chơi. Đoạn quảng cáo chỉ ghi chú hàm lượng Vitamin B12, nhưng không nói gì về một quả trứng chứa gần một nửa lượng đường hàng ngày được các chuyên gia y tế khuyến nghị cho trẻ em dưới 10 tuổi.

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 5.

Kem Kwality Wall của Unilever được bán ở Delhi. Ảnh: Bloomberg

Himatsingka, nhà vận động y tế công cộng, cho biết các quảng cáo hướng tới trẻ em đã tăng lên gấp bội. Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Ấn Độ là sự tràn lan của các sản phẩm đồ ăn vặt "đội lốt tốt cho sức khỏe". 

Mối quan hệ của Ấn Độ với thực phẩm rất phức tạp, tạo thêm sắc thái cho các cuộc tranh luận về sức khỏe cộng đồng. Cuối những năm 1990, mục tiêu của Ấn Độ giống như của Trung Quốc hay Brazil, là xóa bỏ nạn đói cùng cực, tập trung vào lượng calo chứ không phải dinh dưỡng. Eduardo Gómez, giáo sư chính sách y tế toàn cầu tại Đại học Lehigh ở Pennsylvania, cho biết béo phì "được coi là căn bệnh xa xỉ, chủ yếu ở tầng lớp giàu có".

Nhưng khi nền kinh tế Ấn Độ được tự do hóa và những người ngoài cuộc đổ xô vào, các công ty thức ăn nhanh như McDonald's đã đưa ra những lựa chọn mới, rẻ và đầy đủ, cộng thêm sức hấp dẫn của một thương hiệu nước ngoài. 

Và khi người Ấn Độ ngày càng giàu hơn, họ có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho thực phẩm nhập khẩu và đi ăn ngoài. Trọng lượng cao hơn từ lâu đã là một dấu hiệu đánh dấu địa vị đối với một số người.

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 6.

Vấn đề nan giải mà Ấn Độ phải đối mặt là làm thế nào để hợp tác với các công ty đa quốc gia và thực phẩm và đồ uống lớn này, đảm bảo đầu tư và việc làm, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù nạn đói nghèo vẫn là thực tế ở vùng nông thôn Ấn Độ, nhưng những thay đổi hiện tại là không thể phủ nhận. Mì Maggi của Nestlé là một món ăn nhẹ phổ biến ngay cả ở các thị trấn nhỏ, trong khi Coca-Cola đang bán những phần đồ uống nhỏ hơn và rẻ hơn cho những người dân nghèo tầng lớp dalit. 

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động y tế công cộng đã gia tăng áp lực lên chính phủ Ấn Độ để truyền đạt tốt hơn về hậu quả của việc tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt. 

Năm 2011, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm Ấn Độ được thành lập để quản lý các tiêu chuẩn ngành. Và hiện nay bắt buộc phải mã hóa màu sắc cho các sản phẩm thực phẩm để cho biết chúng có phải là đồ ăn chay hay không.

Nhưng nhiều người cảm thấy sự thay đổi diễn ra quá chậm và các tập đoàn thực phẩm có tiếng nói lớn khi nói đến việc định hình chính sách công.

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 7.

Khi nền kinh tế Ấn Độ tự do hóa, các thương hiệu thức ăn nhanh và đồ ăn nhẹ nước ngoài đổ xô vào vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000.

Không có chính sách nhãn thực phẩm

Trong suốt năm 2021, FSSAI đã tổ chức một loạt cuộc họp với các nhóm vận động và các nhà điều hành thực phẩm để đưa ra một bộ quy định mới về bao bì. Những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng lập luận rằng hệ thống mã màu của Ấn Độ cũng nên bao gồm các sản phẩm có nhiều đường, chất béo và carbohydrate - tiêu chuẩn được áp dụng ở phần lớn châu Âu.

Với người dân Ấn thế hệ trước, hầu hết các bữa ăn đều được nấu ở nhà. Giờ đây, các ứng dụng giao đồ ăn như Zomato và Swiggy giao hàng trong vòng vài phút, khiến việc quay trở lại truyền thống dường như trở nên khó khăn hơn. 

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 8.

Thói quen của người dân Ấn là vẫn đi chợ và nấu bữa ăn truyền thống hàng ngày.

Thực phẩm đóng gói - món mồi ngon và sự đe dọa cho sức khỏe Ấn Độ - Ảnh 9.

Trước khi có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, hầu hết các bữa ăn đều được nấu ở nhà: bánh mì dẹt mới làm, rau và cà ri không chứa chất phụ gia và quá nhiều muối. Ảnh: Bloomberg

Ketan Pakhale, một bác sĩ chuyên khoa béo phì, giải thích rằng nhiều bệnh nhân của ông đã vô tình đưa ra những lựa chọn thực phẩm không tốt, chẳng hạn như chọn nước ngọt có chứa chất làm ngọt và được dán nhãn là đồ uống dành cho người ăn kiêng.

Ông nói, ngay cả khi Ấn Độ thay đổi luật đóng gói thực phẩm hoặc ngăn chặn các thông điệp khác, thách thức khó khăn hơn vẫn là thu hút một xã hội có xu hướng tiêu dùng, đặc biệt là khi ngày càng nhiều người ở nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới có thu nhập khả dụng.

"Quan niệm ở đây là bạn thịnh vượng vì bạn ăn đồ ăn ngon và trông rất khỏe mạnh, nhưng điều đó có nghĩa là bạn đang tăng cân đấy", Pakhale nói từ phòng khám nhỏ của mình ở ngoại ô Mumbai. 

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC