Thực tế đã xuất hiện “lỗ hổng” liên quan phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp

Thực tế đã xuất hiện “lỗ hổng” liên quan phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, do đó cần phải siết lại để làm trong sạch thị trường. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều chính sách như thu hẹp mục đích phát hành nhằm hạn chế chuyển nhượng vốn lòng vòng, yêu cầu tỉ lệ an toàn tài chính đối với doanh nghiệp khi phát hành…

Nêu quan điểm về việc lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cần bắt đúng "bệnh" và phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. “Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên, có thể giãn dần các quy định bắt buộc”, ông Lực khuyến nghị.

Đồng thời cũng cần phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, các cơ quan chức năng cần mở rộng giáo dục đầu tư tài chính đối với nhà đầu tư cá nhân, bởi hiện này đối tượng này đang bị bỏ ngỏ.

Ngoài ra, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, TS. Cấn Văn Lực lưu ý: Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Việc xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành và kể cả doanh nghiệp.

"Chúng ta nêu vấn đề để tìm giải pháp lành mạnh hoá thị trường chứ không phải bóp nghẹt thị trường. Không phải vì một số trường hợp vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội" - tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Chỉ chưa đầy 1,5 tháng, chỉ số VN-Index đã giảm quanh 350 điểm. Tần suất giảm dày mạnh thể hiện rõ như hai phiên vừa qua. Chỉ có khác biệt về mức độ là quy mô thị trường và quy mô nhà đầu tư hiện nay đã lớn hơn các biến cố trước đây rất nhiều, và theo đó mức độ tổn thương lan rộng hơn.

Luôn vậy, bất cứ một biến động lớn nào thị trường vẫn luôn có nhu cầu tìm hiểu nguyên do.

Lần này, trước hết, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các giao dịch bất thường và làm giá, nguyên nhân đầu tiên được nhìn đến ở cấu trúc dòng tiền và cấu trúc giao dịch của TTCK đã có thay đổi lớn, hay "sự bình thường" trước đó đã bị phá vỡ.

Một miếng ghép quan trọng góp phần định hình lý giải nguyên do, cũng không kém quan trọng, nằm ở vấn đề "vết dầu loang" thanh khoản TPDN. 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy mới chỉ là điểm khởi đầu lớn. Đến thời điểm này đã ngày càng có nhiều trường hợp hơn về TPDN có dấu hiệu vỡ thanh khoản.

Báo chí đã phản ánh những trường hợp nhà đầu tư đến trực tiếp đòi tiền tại một số doanh nghiệp phát hành TPDN thời gian gần đây và gặp khó khăn. Một số nhà đầu tư cá nhân cũng tìm đến các kênh tư vấn hướng xử lý, khi trái phiếu họ đã mua giờ muốn rút trước hạn mà không thể. Ví như thông tin khi chào bán hoặc hợp đồng nêu sau 30 ngày phát hành nhà đầu tư có thể bán lại, hoặc doanh nghiệp mua lại, song thực tế chưa thể giao dịch (có trường hợp không thể liên lạc được nhà phát hành hoặc đại lý phát hành trước đây qua điện thoại)…

Yếu điểm của thị trường TPDN hiện nay là tính thanh khoản. Khi nhà đầu tư cảm thấy bất an, muốn thu tiền về, việc bán lại trái phiếu trước hạn không đơn giản. Việt Nam chưa thực sự có một thị trường TPDN niêm yết tập trung và sàn giao dịch thứ cấp mở rộng như cổ phiếu, thanh khoản trở thành vấn đề. Và khi một số nhà đầu tư gặp khó khăn thanh khoản ở đây, tâm lý bất lợi có thể loang rộng sang nhiều nhà đầu tư; nhu cầu "trả lại" trái phiếu cho doanh nghiệp để thu hồi tiền về càng gây sức ép lên thanh khoản và dòng tiền của doanh nghiệp.

Dòng tiền đó lại có thêm "cú phanh gấp" bất lợi. Tháng 4 vừa qua, "bóng khí" trong ống dẫn dòng tiền của một số doanh nghiệp bất động sản đã xuất hiện: không có TPDN lĩnh vực này phát hành mới.

Tổng Hợp