Tình trạng thiếu chip có thể kéo dài trong 2 đến 3 năm nữa

Chủ tịch Hisense, một trong những nhà sản xuất TV và hàng gia dụng lớn nhất Trung Quốc cho biết, tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể kéo dài thêm 2 đến 3 năm nữa trước khi chấm dứt, theo CNBC.

Theo đó, các ngành công nghiệp từ các công ty điện tử tiêu dùng đến các nhà sản xuất ô tô đang phải đối phó với tình trạng thiếu chất bán dẫn. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt các sản phẩm như máy chơi game và các nhà sản xuất phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.

Các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô điện, cũng đang cảm thấy khó khăn.

Tập đoàn Hisense Group Holding, một nhà sản xuất tivi và thiết bị gia dụng được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, cũng bắt đầu cảm nhận rõ rệt những tác động của cuộc khủng hoảng này. Ông Jia Shaoqian - Chủ tịch tập đoàn có trụ sở tại Thanh Đảo - cho biết chi phí sản xuất các sản phẩm của họ đã tăng nhưng hoạt động kinh doanh vẫn bình thường.

“Hisense sản xuất đồ gia dụng và hàng tiêu dùng, và điều này đòi hỏi những con chip tương đối đơn giản. Mặc dù nguồn cung bị thắt chặt và chi phí ngày càng cao, hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn bình thường”, Jia nói.

106960403-1634219351486-gettyimages-1308738557-vcg111322591726.jpeg
Gian hàng Hisense trong khuôn khổ Triển lãm Thế giới Thiết bị & Điện tử (AWE) 2021 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia (Thượng Hải) vào ngày 23/3/2021 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Theo ông Jia, hầu hết chip đều được nhập khẩu vào Trung Quốc để sản xuất các mặt hàng trước khi xuất khẩu đi. Trong khi đó những căng thẳng trong cuộc thương chiến giữa Mỹ - Trung kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Trump vẫn còn dai dẳng.

Chất bán dẫn đã trở thành một điểm gây căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này. Mỹ đã tìm cách loại nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC ra khỏi các sản phẩm công nghệ Mỹ.

Một số yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip như nhu cầu tăng lên đối với các thiết bị điện tử tiêu dùng trong bối cảnh đóng cửa trên toàn cầu sau khi đại dịch bùng phát. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến nhiều công ty Trung Quốc tăng cường tích trữ chip và các thiết bị liên quan.

Ông Jia cho rằng, nếu không có vấn đề gì lớn trong các tranh chấp thương mại toàn cầu thì tình trạng thiếu chip có thể được giải quyết trong vòng 2-3 năm. "Nhưng nếu các lệnh trừng phạt thương mại và kinh tế giữa các quốc gia tiếp tục thì rất khó để dự đoán."

Các giám đốc điều hành lớn trên toàn cầu hy vọng tình trạng thiếu chip sẽ chỉ kéo dài đến năm 2022. Tuy nhiên, một số người cho rằng, tình trạng này có thể còn kéo dài lâu hơn.

Hisense có thể không được nhiều người tiêu dùng biết đến nhưng trong vài năm qua, công ty đã tìm cách đẩy mạnh thương hiệu của mình tại một số thị trường trọng điểm.

Công ty là nhà tài trợ cho các giải bóng đá Euro 2020 và World Cup. Và có tham vọng mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc.

Cho đến nay, Hisense đã tìm cách mở rộng ra toàn cầu thông qua việc mua lại các thương hiệu nước ngoài và các hợp đồng cấp phép. Công ty cũng đã mở rộng sản xuất ra nước ngoài và mở các văn phòng nghiên cứu và phát triển trên khắp thế giới.

Hiện tại, khoảng 40% doanh thu của Hisense đến từ nước ngoài. Ông Jia cho biết ông hy vọng 50% hoạt động kinh doanh của công ty sẽ đến từ bên ngoài Trung Quốc trong 3-5 năm tới.

jia-shaoqian-ceo-of-hisense-group.jpeg
Ông Jia Shaoqian - Chủ tịch hãng Hisense.

Theo ông Jia, phần tiếp theo trong chiến dịch quốc tế của gã khổng lồ điện tử tiêu dùng sẽ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Hisense của riêng mình.

″Đó là thương hiệu mẹ ... Ở những khu vực mà các thương hiệu hiện có đang giảm dần và nó lộ ra khoảng trống, chúng tôi sẽ lấp đầy khoảng trống đó bằng thương hiệu Hisense”, ông Jia nói. “Bằng cách này, chúng tôi sẽ phát triển tốt thương hiệu của mình, theo mô hình phát triển từ phân khúc thấp, tầm trung cho đến khi sản xuất được sản phẩm cao cấp”.

Miễn là chúng tôi tạo ra giá trị với chi phí thấp, dẫn đầu về công nghệ, nâng cao chất lượng và dịch vụ của chúng tôi, người tiêu dùng vẫn sẽ thích chúng tôi - ở Trung Quốc hoặc trên toàn cầu

Ông Jia Shaoqian - Chủ tịch hãng Hisense

Đã có một số thương hiệu Trung Quốc tìm cách xâm nhập thị trường châu Âu, mặc dù ít hơn Mỹ. Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, các công ty như Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei đã làm rất tốt.

Nhưng sự thành công của các thương hiệu Trung Quốc cũng đi kèm với sự giám sát của các chính phủ. Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, một tuyên bố mà công ty đã nhiều lần phủ nhận.

Ông Jia cho biết ông tin rằng tình cảm tiêu cực đối với các thương hiệu Trung Quốc sẽ không ngăn cản được Hisense thúc đẩy phát triển toàn cầu.

“Có một số hiểu lầm từ người tiêu dùng với các thương hiệu Trung Quốc nhưng đây thường không phải là ngành liên quan mà Hisense làm việc. Chúng tôi sản xuất đồ gia dụng. Miễn là chúng tôi tạo ra giá trị với chi phí thấp, dẫn đầu về công nghệ, nâng cao chất lượng và dịch vụ của chúng tôi, người tiêu dùng vẫn sẽ thích chúng tôi - ở Trung Quốc hoặc trên toàn cầu,” Jia nói.

“Chúng tôi đã phát triển nhanh chóng ở thị trường Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây mà không bị ảnh hưởng, và điều này cho thấy người tiêu dùng sẽ lựa chọn phù hợp với túi tiền của họ”.

LAN ANH