Ngày 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chúc mừng tới các thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, các thầy cô giáo đang chờ đợi rất nhiều ở dự án luật này, do đó, phải làm sao để luật ra đời phải khiến giáo viên thấy thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để cống hiến.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của người thầy trong giáo dục, rằng "Người thầy là chủ thể chính". Tuy nhiên, dự án luật cũng phải giải quyết được mối quan hệ tương quan giữa thầy và trò trong giáo dục đào tạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo |
Theo Tổng Bí thư, phổ cập giáo dục ngày càng phải tiến bộ hơn. Trẻ em đến tuổi thì được đi học, phổ cập mầm non, phổ cập tiểu học rồi phổ cập trung học. Nếu tiến bộ thêm nữa thì tiến tới bỏ học phí, nhà nước nuôi các cháu ở độ tuổi đi học.
"Thế thì không thể nói thiếu thầy được. Có trò là phải có thầy. Qua dữ liệu dân cư thì biết ngay từng xã, phường, huyện, thành phố sẽ có bao nhiêu cháu đi học. Như vậy là có trò rồi, thì phải chủ động có thầy chứ. Thiếu thầy thì các cháu đi học thế nào? Cái gì dẫn đến thiếu thì phải giải quyết. Mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường được", Tổng Bí thư phát biểu.
Theo Tổng Bí thư, cần được quan tâm đến việc huy động được nguồn lực của người thầy khi đã đến tuổi nghỉ hưu trong chính sách xây dựng xã hội học tập suốt đời.
"Người già còn đi học. Thầy đến tuổi bảo nghỉ hưu, không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn. Phải khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích thầy giáo lớn tuổi tham gia công tác giáo dục, giảng dạy", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói, người thầy phải là nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu, nhưng không thể có thêm luật về nhà khoa học nữa, nên tất cả phải được thể hiện, khái quát trong luật này.
Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề, đất nước đang bước vào hội nhập, giáo dục đào tạo và giáo viên phải hội nhập ra sao.
"Vừa rồi chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, vậy thầy phải có trình độ tiếng Anh thế nào thì trò mới phổ cập được? Không chỉ có giáo viên ngoại ngữ có tiếng Anh mà giáo viên toán, văn cũng cần phải có. Hoặc người nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam thì có chấp hành Luật Nhà giáo của Việt Nam không?", Tổng Bí thư nêu vấn đề và yêu cầu những điều này cần được tính toán và thể hiện trong chính sách cụ thể.
Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, không chỉ thầy ngoại ngữ đòi hỏi có tiếng Anh mà giáo viên toán, văn cũng cần phải có. Những vấn đề này cần được tính toán, thể hiện vào chính sách.
Tổng Bí thư cũng lưu ý đến việc phải cụ thể hóa chính sách ở những môi trường giáo dục đặc biệt, để tạo điều kiện công tác cho giáo viên, chẳng hạn như giáo viên trong trại giam, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa...
Đối với các vùng sâu, vùng xa, Tổng Bí thư đề nghị quan tâm tới các vấn đề đời sống, xây nhà công vụ để tạo điều kiện cho giáo viên sinh hoạt, xây dựng gia đình, hạnh phúc... Ngành giáo dục phải có chính sách khuyến khích đối với những vùng khó khăn, tính toán vấn đề đào tạo tại chỗ bởi "khu vực khó khăn về kinh tế xã hội đang là "vùng trũng" của giáo dục đào tạo".
Lưu ý Luật Nhà giáo chắc chắn được các thầy cô giáo rất chờ đón, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu luật phải thực sự tôn vinh được người thầy, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy.
"Đừng để luật ban hành các thầy lại thấy khó khăn hơn", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Không phải Quang Hải, Văn Hậu, đây mới là cầu thủ xuất ngoại thành công nhất Việt Nam: Ngày trở về đi học thạc sĩ để trở thành cô giáo
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên giành bốn Quả Bóng Vàng liên tiếp đi học thạc sĩ.