TP.HCM kiến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em vào tháng 10/2021

Bộ Y tế dự kiến từ tháng 10 sẽ tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi, sau đó dần mở rộng ra các đối tượng khác ở lứa tuổi thấp hơn.

Ngày 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại đầu cầu Hà Nội, tại TPHCM có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đỉnh dịch tại TP HCM đến thời điểm này đã đi qua, nhưng những khó khăn hiện nay vẫn còn rất lớn và nhiều thách thức. TP.HCM không được chủ quan, vẫn còn nhiều ca bệnh đang điều trị. Ngành y tế TP.HCM phải tiếp tục làm nhiều việc để đảm bảo cuộc sống người dân được bình yên.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết qua báo cáo sơ bộ, có khoảng 20.000 trẻ em đã mắc COVID-19, đa số bị nhẹ nhưng vẫn có vài trường hợp bệnh diễn tiến nặng do các trẻ béo phì, có bệnh nền. 

TP.HCM lo lắng cho trẻ em trước tác động của dịch COVID-19, nhất là khi TP.HCM dự kiến mở lại các trường học vào tháng 1/2022.

2021-05-13t151346z_987648278_rc23fn9u347j_rtrmadp_3_health-coronavirus-usa-vaccines.jpg

Theo bác sĩ Hùng, ở các đợt dịch trước, trẻ em nước Mỹ ít bị tác động. Nhưng với biến chủng Delta, chỉ 2 tuần cuối tháng 9 đã có 500.000 trẻ em mắc bệnh do các trường học mở cửa. Đến nay, Mỹ có khoảng 5,9 triệu trẻ em nhiễm COVID-19, chiếm khoảng 17% số ca mắc COVID-19 của nước này.

Nước Mỹ đã chích ngừa cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Vaccine Pfizer cũng đang thử nghiệm để chích ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi. Bên cạnh đó, vaccine của Cuba có thể chích ngừa cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, và đã chích ngừa cho trẻ tại nước này. 

Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó TP.HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ từ 5-18 tuổi. 

Bác sĩ Hùng nhận định: Khi người lớn đã chích ngừa thì làn sóng nguy hiểm sẽ dồn cho trẻ em, phụ huynh rất lo lắng về vấn đề này. Dù tỷ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 thấp hơn so với người lớn, nhưng ảnh hưởng về lâu dài của dịch với thể chất và tinh thần của trẻ thì chưa có nghiên cứu nào. Vì vậy, đề nghị Chủ tịch nước, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng tiêm vaccine cho trẻ em.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ  đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến ngay tháng 10 này bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn. 

Cùng với lượng vacine Pfizer về Việt Nam trong thời gian tới, và 10 triệu liều vaccine Cu Ba đươc phê chuẩn mua, Việt Nam có đủ khả năng tiêm vaccine cho trẻ em. 

Nguồn vaccine từ nay đến cuối năm không thiếu, dự kiến về tối thiểu 120 triệu liều. Dự tính trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiêm phủ một mũi vaccine cho hơn 70% dân số trên 18 tuổi.

HẢI MY