TP.HCM xây dựng kịch bản ứng phó khi có 5.000 người mắc COVID-19

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành “Kế hoạch chủ động ứng phó tình hình dịch COVID-19 của khối điều trị trong tình huống Thành phố có 5.000 trường hợp dương tính với COVID-19.

Theo đó, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị sẵn phương án tiếp nhận, phân luồng, điều trị khi dịch COVID-19 bùng phát theo các kịch bản dưới 100, từ 100 - 1.000 và từ 1.000 - 5.000 trường hợp dương tính nhằm đảm bảo chủ động ứng phó với hiệu quả cao nhất.

Sở Y tế Thành phố yêu cầu các đơn vị trong hệ thống huy động nguồn lực sẵn có, đảm bảo phân tuyến thu dung điều trị hợp lý giữa các cơ sở khám, chữa bệnh đã được phân công chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19.

Các bệnh viện sẵn sàng nguồn lực để triển khai ngay khi có sự điều động của Sở Y tế. Nguồn nhân lực tham gia công tác khám, chữa COVID-19 phải được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu điều trị.

Cụ thể, trong trường hợp số ca nhiễm dao động dưới 100, những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và F1 có triệu chứng sẽ được cách ly điều trị ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Cần Giờ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Những trường hợp nặng sẽ chuyển về các khoa, đơn vị hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi Đồng 2.

5.jpg

Theo TTXVN, với kịch bản dịch bùng phát trong cộng đồng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, số ca bệnh từ 100 - 1.000 người, bệnh nhân không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có triệu chứng sẽ được cách ly điều trị ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Cần Giờ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Trường hợp có triệu chứng nặng được chuyển về các bệnh viện được phân công chuyên điều trị các ca nặng như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trong trường hợp dịch bùng phát trong cộng đồng, số ca bệnh dao động từ 1.000 - 5.000 người, những trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến hình thành từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế.

Những ca bệnh nặng sẽ được cách ly điều trị ở các bệnh viện dã chiến thuộc hệ thống y tế hoặc các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 bao gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Cần Giờ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với tổng cộng 970 giường, 42 giường hồi sức, 39 giường đặt trong buồng áp lực âm và 42 máy thở.

Bên cạnh các bệnh viện nêu trên, Thành phố sẽ thành lập thêm các bệnh viện dã chiến ở Nhà Thi đấu Phú Thọ, Trung tâm Triển lãm Quận 7 và Nhà văn hóa thể thao các quận. Khi đó, tổng công suất được nâng lên 5.000 giường, 1.000 giường hồi sức, 66 giường đặt trong buồng áp lực âm và 1.000 máy thở.

Để hạn chế thấp nhất các kịch bản xấu, Sở Y tế Thành phố đặc biệt nhấn mạnh việc tuân thủ các quy định phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19. Các bệnh viện, trung tâm y tế có giường lưu, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh của thành phố phải tuân thủ thực hiện Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” do Bộ Y tế ban hành và khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại của Sở Y tế.

Nếu có ca nghi mắc COVID-19 ở điểm bầu cử phải dừng bỏ phiếu

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn xử lý trường hợp phát hiện người nghi mắc hoặc tiếp xúc gần ca bệnh COVID-19 tại điểm bầu cử.

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu tổ trưởng tổ bầu cử cho dừng ngay hoạt động bỏ phiếu tại điểm bầu cử. Nhân viên phụ trách y tế tại điểm bầu cử nhanh chóng hướng dẫn người nghi nhiễm, người có tiếp xúc gần ca bệnh, người nhà của người nghi nhiễm hoặc người có tiếp xúc gần ca bệnh (nếu có đi cùng tại thời điểm phát hiện) di chuyển sang khu cách ly tạm thời của điểm bầu cử. Đồng thời, thông báo ngay cho Đội Y tế đáp ứng nhanh của trung tâm y tế địa phương để xử lý, và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương để có chỉ đạo tiếp theo về công tác phòng, chống dịch.

Đội Y tế đáp ứng nhanh của trung tâm y tế địa phương phối hợp với tổ trưởng tổ bầu cử hướng dẫn cử tri sang vị trí phù hợp, tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ khu vực điểm bầu cử. Sau khi phun khử khuẩn có thể tiếp tục việc bỏ phiếu. Đội Y tế này cũng phối hợp tổ bầu cử lập danh sách toàn bộ thành viên tổ bầu cử, cử tri... đang có mặt tại thời điểm phát hiện người có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc người có tiếp xúc gần ca bệnh.

Tổ trưởng tổ bầu cử thông báo cho tất cả cử tri đã tham gia bỏ phiếu tại điểm bầu cử tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày và khai báo cho cơ sở y tế địa phương khi có triệu chứng sốt, ho.

HẢI MY