Trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump sẽ có những hành động khó đoán?

Tổng thống Trump dường như đang cân nhắc các đề xuất phi thực tế từ nhóm cố vấn cực đoan nhất, nhằm đảo ngược kết quả bầu cử, khiến những ngày cuối tại nhiệm trở nên khó đoán.

Gần đây, những cố vấn cực đoan nhất đã tới Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hoặc thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Trump , cố tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử vào phút chót của nhiệm kỳ.

“Thật đáng sợ”, một quan chức khác nói với CNN, và cho biết ông Trump đang “bị ám ảnh” bởi các kịch bản phi thực tế, khó tin nhằm đảo ngược kết quả.

Chiến lược gia cực hữu Steve Bannon (phải) khuyên ông Trump ra lệnh tiến hành điều tra đặc biệt nhắm vào con trai của ông Joe Biden. Ảnh: Getty Images.
Chiến lược gia cực hữu Steve Bannon (phải) khuyên ông Trump ra lệnh tiến hành điều tra đặc biệt nhắm vào con trai của ông Joe Biden. Ảnh: Getty Images.

Ông Trump chỉ nghe theo cố vấn "ruột"

Các cố vấn đó bao gồm luật sư thường phát tán thuyết âm mưu Sidney Powell, cựu cố vấn an ninh quốc gia từng bị truy tố Michael Flynn, chiến lược gia cực hữu Steve Bannon, cố vấn thương mại theo đường lối cứng rắn Peter Navarro.

Ngoài ra, còn có luật sư Rudy Giuliani, người liên tục đưa ra các giả thuyết không có bằng chứng về gian lận.

Nghe theo những người này, ông Trump đa phần bỏ ngoài tai ý kiến của những người làm việc trong chính quyền, dẫn đến ngày càng nhiều lo ngại rằng ông sẽ trở nên bốc đồng, phá hoại trong bốn tuần còn lại, theo CNN.

Tổng thống Trump cũng đã từ bỏ công việc điều hành chính phủ hàng ngày. Tại họp nội các tuần trước, ông không bàn công việc mà dành phần lớn thời gian phàn nàn về gian lận bầu cử, nêu lại những thuyết âm mưu vô căn cứ, khiến người tham gia họp cảm thấy khó hiểu.

Những nguồn tin thân cận với tổng thống tỏ ra đặc biệt lo ngại về những gì mà bà Powell - ba tuần trước bị đuổi khỏi đội ngũ pháp lý của ông Trump - có thể đang khuyên ông Trump.

Tại cuộc họp ngày 18/12 ở Nhà Trắng, ông Trump nói bóng gió ý định cho bà Powell làm cố vấn pháp lý đặc biệt, nhưng văn phòng pháp lý của Nhà Trắng không mấy hào hứng với việc này.

Ông Trump gần đây đã gặp hoặc trao đổi qua điện thoại với những cố vấn cực đoan nhất. Ảnh: AP.
Ông Trump gần đây đã gặp hoặc trao đổi qua điện thoại với những cố vấn cực đoan nhất. Ảnh: AP.

Những ngày nghỉ lễ ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago nhiều khả năng càng làm ông Trump xa rời thực tế, vì xung quanh ông sẽ là những cố vấn “ruột”, những người khen ngợi ông nhiều nhất và luôn nói vừa lòng ông.

Ông Trump sẽ đi Florida trong tuần này, dù rằng sự tùy hứng của ông khiến một số cố vấn tự hỏi liệu ông có thực sự đi nghỉ ở Florida hay không. Nếu ông đi Florida, nhiều khả năng ông sẽ có các cuộc họp - trực tiếp hoặc qua điện thoại - mà các cố vấn chính thức của ông sẽ không biết được hết.

Các đề xuất khó tin, dồn dập ra lệnh vào cuối nhiệm kỳ

Các quan chức chính quyền lo ngại về nỗ lực do Hạ nghị sĩ Mo Brooks của bang Alabama dẫn đầu, nhằm thách thức việc chính thức phê chuẩn chiến thắng của ông Biden ở Quốc hội ngày 6/1. Ông Trump gặp ông Brooks khá lâu ở Nhà Trắng vào ngày 21/12.

Tổng thống tiếp tục thể hiện sự phủ nhận thực tế khi nói với một số cố vấn rằng ông sẽ từ chối rời Nhà Trắng vào ngày ông Biden nhậm chức, để rồi bị các cố vấn khuyên can.

Bà Sidney Powell, luật sư chuyên phát tán thuyết âm mưu, được cho là có cuộc gặp gay gắt ở Nhà Trắng ngày 18/12. Trong đó, bà Powell và ông Flynn bị hai quan chức chính quyền phản bác, là Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và Cố vấn Pháp lý Nhà Trắng Pat Cipollone. Ngày 20/12 và 21/12, bà Powell tiếp tục tới Nhà Trắng và có các cuộc họp.

Không rõ bà tới gặp ai, nhưng bà là người đã đề xuất việc ra sắc lệnh cho phép chính quyền liên bang tịch thu các máy kiểm phiếu để kiểm tra gian lận - đề xuất mà các quan chức chính quyền, bao gồm Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf, cảnh báo là ngoài quyền hạn của họ.

Ông Michael Flynn từng là cố vấn an ninh an ninh quốc gia đầu tiên cho Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters
Ông Michael Flynn từng là cố vấn an ninh an ninh quốc gia đầu tiên cho Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Ông Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia từng bị truy tố, thì gợi ý khi trả lời phỏng vấn tuần trước rằng ông Trump có thể dùng quân đội để tiến hành bầu cử lại ở một số bang. Ý tưởng này cũng được nêu lên tại cuộc họp ngày 18/12.

Cuộc họp ngày 18/12 là câu chuyện đã lặp lại nhiều lần. Các cố vấn “bên ngoài” của ông Trump (tức không phải cố vấn chính thức) lớn tiếng phê phán các cố vấn chính thức của Nhà Trắng, cáo buộc họ yếu ớt và không trung thành vì có các ý kiến phản biện. Trong khi đó, ông Trump cứ mặc kệ.

Chiến lược gia cực hữu Steve Bannon thì khuyên ông Trump ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt nhắm vào con trai của ông Joe Biden, Hunter Biden. Như vậy, ông Bannon đang tiếp tục cố vấn cho tổng thống dù đang bị chính quyền liên bang truy tố.

Hôm 21/12, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr bác bỏ những cáo buộc không có cơ sở của ông Trump về bầu cử, và cho biết sẽ không chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra con trai ông Joe Biden. Ông Barr cũng khẳng định không có gian lận diện rộng trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.

Ngoài ra, hôm 21/12  Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh hành pháp quy định tòa nhà liên bang trong tương lai phải "đẹp" và nên được xây theo phong cách Hy Lạp - La Mã.

Những người theo chủ nghĩa truyền thống, ủng hộ các công trình nhiều cột nằm rải rác quanh thủ đô Washington và được mô phỏng ở nhiều bang, hoan nghênh sắc lệnh mới của Trump. Tuy nhiên, Viện Kiến trúc sư Mỹ cho biết họ "hoàn toàn phản đối" sáng kiến này.

Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trước đó ông từng xem xét dự thảo sắc lệnh cấm những công trình không được xây theo phong cách tân cổ điển, có kiến trúc tương tự Nhà Trắng, Điện Capitol và Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington. Dự thảo sắc lệnh đó đã khiến một số kiến trúc sư rất phẫn nộ, theo VnExpress.

Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa hơn 60 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia nước Mỹ”.

Trong danh sách, có nhiều cái tên đáng chú ý như nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, công ty sản xuất phương tiện bay không người lái DJI, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và hơn một chục viện nghiên cứu được kết nối với Tổng công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc...

Với lệnh cấm này, các công ty Trung Quốc có trong danh sách gần như chắc chắn sẽ không được mua linh kiện và công nghệ Mỹ, bởi các công ty Mỹ được yêu cầu phải có giấy phép bán thiết bị và công nghệ cho các doanh nghiệp này.

Trước đó 1 ngày, ông Trump đã ký thông qua luật trục xuất các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ nếu cơ quan quản lý tài chính Mỹ không kiểm tra được kết quả kiểm toán. Luật trên được áp dụng với mọi công ty nước ngoài, nhưng đối tượng chính là các doanh nghiệp Trung Quốc.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương