Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giá bán ngoại tệ USD/VND từ 23.925 lên 24.480. Tỷ giá có thể "vọt" lên 26.000 VND/USD, cảnh báo "nóng" về rủi ro thanh khoản...
Có thể thấy, giai đoạn này thời gian giữa các đợt can thiệp tăng giá bán của Ngân hàng Nhà nước ngắn lại, mức điều chỉnh lớn dần, đi kèm với tăng thêm biên độ cho thấy các áp lực lên tỷ giá không những không suy giảm mà còn liên tiếp tăng trong giai đoạn này khi nguồn lực của Việt Nam là có hạn.
Ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy bán Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước đã phát đi một thông điệp rằng tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố tạo ra một không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó có các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài, nhân dân... có thể lựa chọn các cách thức để xác lập một tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường, rồi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải là người mua cuối cùng, bán cuối cùng làm sao cho tỷ giá của chúng ta đạt được ở vùng tỷ giá tối ưu".
Về việc Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá trung tâm lên thẳng 23.586 VND/USD và nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%, một số chuyên gia đánh giá, động thái của Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa với việc cho phép biên độ dao động tỷ giá sẽ tăng thêm 2%, dẫn đến giá trần USD của ngân hàng có thể giao dịch đạt gần 24.800 VND/USD.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách để bình ổn thị trường như: Bán hối phiếu Ngân hàng Nhà nước, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mua bán ngoại tệ, tăng lãi suất… Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, TS.Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền.
"Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các giải pháp. Còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc do lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Thực tế, trên thế giới xu hướng tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều NHTW khác trên thế giới vẫn đang tiếp diễn. Trong diễn biến mới nhất, biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 9 đề cập đến xác suất cao về một đợt tăng lãi suất 75 điểm trong tháng 11 và 50 điểm trong tháng 12.
Các động thái này được đưa ra khi thị trường đang ở trong trạng thái tỷ giá USD/VND cao nhất lịch sử và lãi suất ngân hàng vượt 9%. Trong khi đó, dư địa điều chỉnh lãi suất điều hành và dự trữ ngoại hối không còn dồi dào.
Cùng với bối cảnh lãi suất của Mỹ còn tiếp tục tăng, các chuyên gia dự báo, tỷ giá vọt lên tới 26.000 VND/USD là hoàn toàn có thể, hoặc là lãi suất điều hành còn tăng ít nhất 1 điểm %.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%; có hiệu lực từ ngày 17/10/2022 trong bối cảnh USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng ngoại tệ mạnh khác đặc biệt phải kể tới như EUR hay JPY.
Ngay lập tức, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại có bước tăng tương ứng. Tổng cộng, từ đầu năm tới nay giá bán USD tại các ngân hàng thương mại tăng 1.540 VND đạt 24.460 VND/USD, tương ứng VND giảm giá khoảng 6,7% so với đồng USD.
Tổng Hợp