Người may gối dựa cho vua Bảo Đại qua đời

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, thường gọi thân mật là mệ Trí Huệ, là một trong số ít cung nữ được lựa chọn để may gối cho vua Bảo Đại.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, người gìn giữ chiếc gối tựa cung đình triều Nguyễn, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 101 vào 21h35 tối 24/03/2023. Bà là chắt nội của Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (Vua Minh Mạng), cháu nội của Hoài Đức Quận vương.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ là người hiếm hoi biết may gối trái dựa, loại gối từng được sử dụng phổ biến trong cung đình Huế. Bà đã gắn bó nửa đời người với nghề làm gối trong cung đình.

Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ
Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Bà xuất thân trong gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn. Năm 17 tuổi, bà vào cung học may vá, thêu thùa, từ đó có cơ hội tiếp xúc với gối trái dựa - loại gối được các vua quan triều Nguyễn thường xuyên sử dụng, giao cho Bộ Lễ phụ trách đặt may. Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, hay mọi người thường gọi thân mật là mệ Trí Huệ, là một trong số ít cung nữ được lựa chọn để may gối cho vua Bảo Đại.

May gối cho vua Bảo Đại, bà Trí Huệ bảo phải rất chú ý đến kích thước của ghế và lượng bông nhồi gối sao cho phù hợp với thân hình của hoàng đế. Nếu may gối theo mẫu cũ dành cho các ông vua trước thì không ổn vì vua Bảo Đại cao to hơn nhiều. “Nhờ đó mà vua Bảo Đại rất vừa lòng. Vua còn sai may gối trái để có thể đặt trên ôtô mang theo mỗi khi vua lên Đà Lạt đi săn”, bà Trí Huệ từng chia sẻ.

“Việc may gối để thẳng mép, không lỗi chỉ thì phải có mẹo, người may phải nhồi bông cho thật khéo để gối luôn giữ được độ em, căng phồng đều sau nhiều lần giặt. Một người thợ lành nghề để hoàn thành một chiếc gối dựa nếu chăm chỉ cũng phải mất 5 ngày công”, bà Huệ cho biết.

Ngoài việc may gối cho vua, bà Trí Huệ còn đảm nhận việc may áo cho bà Từ Cung. “Áo luôn phải phẳng khi mặc, phải may bó sát người, vừa gọn gàng, vừa kín đáo”, bà Trí Huệ tiết lộ bí quyết may áo cho Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.

Con gái của mệ Trí Huệ- cô Bùi Thị Ngọc Điểm (sống tại thành phố Huế) từng chia sẻ bức tâm thư nói về di nguyện trao truyền nghề của bà Trí Huệ.

Trong tâm thư, cô Ngọc Điểm kể: "...Phụng trực tại Lăng vua Tự Đức một thời gian, mẹ tôi lại thuyên chuyển về làm việc tại nhà Đức Từ Cung ở đường Phan Đình Phùng. Ở đây hàng ngày mẹ may vá, phục chế lại các đồ thờ bằng vải, đồ thờ ở Đại Nội và các lăng....Sau này, đồ thờ bằng vải trong Đại Nội - trong đó có gối trái dựa đã xuống cấp hết. Vậy là mẹ tôi may phục chế lại theo gợi ý của Đức Từ Cung.

Sau năm 1992, gia đình trở lại với công việc ruộng nương nhưng cái nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng không đủ ăn. Gia đình tôi phụ thuộc vào chiếc bàn may lạch cạch để may áo dài.

Thời gian này không còn ai nhớ đến gối trái dựa nữa, mẹ tôi chỉ tận dụng những mảnh vải còn dư ra từ việc may áo dài để may gối cho đỡ nhớ nghề. Có những ngày bà muốn may một chiếc gối hoàn chỉnh có vải lụa bọc bên ngoài và thêu hoa văn lên đó. Nhưng chẳng lẽ, trong lúc gia đình đang nghèo khó lại bỏ tiền ra mua vải, bông về may gối trái dựa ra để… ngắm...."

Trước khi qua đời, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ vẫn đau đáu nỗi lo nghề làm gối dựa sẽ thất truyền. 

Cô Bùi Thị Ngọc Điểm viết: "Di nguyện của mẹ tôi và cũng là của gia đình đó là: nếu có ai muốn học, có đơn vị nào muốn tìm hiểu về gối cung đình để gìn giữ và phát huy nghề, cũng như ứng dụng gối vào nhiều mặt của cuộc sống hơn và có thể lan tỏa trên khắp cả nước, gia đình chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ!".

Thanh Mai

7 năm qua căn cước công dân đã thay đổi những gì?

7 năm qua căn cước công dân đã thay đổi những gì?

Cho đến hiện tại, tính từ thời điểm chuyển từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước, các nội dung liên quan đến giấy tờ này vãn đang thay đổi.