Vì sao việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina qua Biển Đen không 'thuận buồm xuôi gió' như mong đợi?

Vào tháng 7, Moscow và Kyiv đã đồng ý về một hành lang ngũ cốc trên Biển Đen, qua đó cho phép Ukraina nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành hành lan này xuất hiện nhiều vấn đề khiến lúa mì vẫn không đến tay được người tiêu dùng như mọi người kỳ vọng.

Điển hình như ở Lebanon, hiện đang rất thiếu bánh mì và nếu có thì nó lại có giá cao ngất ngưởng. Trong nhiều tuần, mọi người đã phải xếp hàng hàng giờ tại các tiệm bánh. Bất chấp trợ cấp của nhà nước, một gói sáu chiếc bánh mì dẹt chính thức có giá 13.000 bảng Lebanon (khoảng 8,80 USD). Trên thị trường chợ đen, nó thường có giá ít nhất gấp đôi.

Hàng hóa không phù hợp với thị trường?

Đã có một tia hy vọng khi có thông tin cho rằng Razoni, con tàu đầu tiên khởi hành từ Ukraina sau khi Moscow và Kyiv đồng ý thiết lập một hành lang ngũ cốc, đang trên đường đến Lebanon. Tuy nhiên, trước khi đến đích ở Tripoli, thành phố lớn thứ hai nước này, con tàu đã phải quay đầu và 26.000 tấn ngũ cốc đã không đến được Lebanon. Nguyên nhân được chính thức đưa ra là, người mua không còn muốn nhận hàng vì đã muộn giao hơn năm tháng.

Vì sao việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina qua Biển Đen không 'thuận buồm xuôi gió' như mong đợi?  - Ảnh 1.

Người dân đang tụ tập trước một tiệm bánh mì ở Beirut (Lebanon).

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu Lương thực Lebanon, Hani Bushali, nói với hãng tin Đức DPA rằng nước này cần lúa mì, không phải ngô. Có vẻ như ngô ban đầu được dùng để làm thức ăn gia súc.

Sau khi người mua ban đầu từ chối mua số hàng hóa trên, chiếc Razoni đã lưu lại Địa Trung Hải vài ngày trước khi nó được một khách hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mua lại.

Mặc dù đúng là ngô có thể được chế biến thành thực phẩm cho con người, nhưng ở nhiều nước, lúa mì là lương thực chính. Tuy nhiên, một số tàu vừa rời Ukraina sau chuyến đầu tiên vào đầu tháng 8 lại chở ngô hoặc bột hướng dương.

Trung tâm Điều phối Chung (JCC) do LHQ thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã không trả lời một cuộc điều tra của DW về lý do tại sao lại như vậy.

LHQ nêu rõ: "Các công ty vận tải biển quyết định việc di chuyển các tàu của họ dựa trên hoạt động thương mại và các thủ tục mà các tàu được quản lý cảng của Ukraina cho phép".

Chỉ có một số lô hàng là dành cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc nhằm giảm bớt nạn đói trên toàn thế giới, nhưng JCC không có quyền hạn về nơi mà phần còn lại của ngũ cốc sẽ được giao. Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Ireland và Hàn Quốc chỉ là một số điểm đến khả thi.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric trong một cuộc họp báo trong tuần này cho biết đây là "giao dịch thương mại" và việc các tàu "đi đến nơi mà hợp đồng quy định" là chuyện bình thường.

Quá trình kiểm tra ở Istanbul tốn nhiều thời gian

Cho đến nay, chỉ có 12 tàu rời Ukraina. Nhưng ước tính có khoảng 22 triệu tấn lúa mì đang tồn kho, chờ xuất khẩu.

Nguyên nhân cho việc chậm chạp được cho là:

Thứ nhất, các cảng của Ukraina chỉ hoạt động với một phần nhỏ so với công suất trước chiến tranh. Sau đó là quá trình kiểm tra tốn quá nhiều thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tàu đến hoặc rời Istanbul, chúng được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng không chở vũ khí nhập lậu hoặc ngũ cốc bị đánh cắp.

Vì sao việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina qua Biển Đen không 'thuận buồm xuôi gió' như mong đợi?  - Ảnh 2.

Ngũ cốc trên tàu Razoni đã bị Lebanon từ chối do trễ hạn và không đúng chủng loại.

Một vấn đề khác là không có đủ tàu, vì nhiều công ty bảo hiểm ngại đảm bảo các chuyến hàng qua khu vực xung đột. Các công ty vận tải biển từng hoạt động ở Biển Đen đang phải tìm các tuyến đường khác. Do đó, chỉ một phần nhỏ lượng ngũ cốc đang được bảo quản ở Ukraina có thể được xuất khẩu vào lúc này.

Khó xác định nguồn gốc ngũ cốc

Xuất khẩu cũng bị trì hoãn vì Ukraina cáo buộc Nga cướp ngũ cốc của mình. Theo cáo buộc của đại sứ quán Ukraina tại Beirut, tàu Laodicea mang cờ Syria, cập cảng Tripoli, đang chở 10.000 ngũ cốc Ukraina bị đánh cắp. Con tàu đã bị giam giữ cho đến khi có thể xác định được rằng ngũ cốc không bị đánh cắp.

Theo các giấy tờ chính thức, con tàu đã khởi hành từ Cảng Kavkaz ở eo biển Kerch - không xa Crimea, nơi đã bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Các chuyến tàu từ cảng này không bị trừng phạt và không thuộc thẩm quyền của JCC ở Istanbul.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, thông tin nguồn mở mà họ đã xác minh cho rằng cảng này "chỉ có thể tiếp nhận các tàu có mớn nước tối đa là 5 mét". Cơ quan này cho biết, đại sứ quán Ukraina đã chỉ ra rằng bản kê khai hàng hóa của Nga nêu rằng chiếc Laodicea có mớn nước tối đa là 8 mét. Điều đó có nghĩa là nó phải đến từ một cảng khác.

Đại sứ quán Ukraina cũng xuất trình hình ảnh vệ tinh cho chính quyền Beirut cho thấy, rằng con tàu thực sự đã đến cảng Feodosia ở Crimea và rời đi với một lượng hàng hóa nặng nề.

Có vẻ như đây không phải là một trường hợp cá biệt. Vào tháng 6, nhật báo Financial Times của Anh đã đăng một bài báo sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định ít nhất 8 tàu dường như đã chở đầy ngũ cốc, không phải ở Nga mà ở cảng Sevastopol của Crimea.

Vì sao việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina qua Biển Đen không 'thuận buồm xuôi gió' như mong đợi?  - Ảnh 3.

Tàu Laodicea gắn cờ Syria đã bị tạm giữ sau khi có nghi ngờ rằng nó đang mang theo ngũ cốc bị đánh cắp.

Bài báo cũng nói rằng, dường như đã có nhiều hoạt động hơn tại cảng Kavkaz kể từ cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.

Các nhà vận chuyển hàng hóa quốc tế có nghĩa vụ cung cấp vị trí của họ liên tục thông qua bộ theo dõi bộ phát đáp. Tuy nhiên, ở Biển Đen, có vẻ như các tàu Nga thường tắt bộ phát đáp.

Tờ Financial Times cho rằng, các con tàu có thể đã chất một lượng nhỏ ngũ cốc hợp pháp của Nga tại cảng Kavkas và sau đó kết hợp số đó với ngũ cốc bị đánh cắp tại một cảng Crimea. Nếu đúng như vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ cực kỳ khó khăn để theo dõi xem liệu ngũ cốc có xuất xứ từ các trang trại Ukraina hay không.

Thông thường, các tàu chở ngũ cốc của Nga hướng đến các cảng ở Cận Đông và Trung Đông, ví dụ như Iran, Ai Cập hoặc Libya. Nhu cầu ngũ cốc cấp thiết đến mức nhà chức trách thường không đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó.

Tuy nhiên, bên mua chính vẫn là Syria, nước đã nhận được ít nhất 90.000 tấn ngũ cốc kể từ tháng Hai. Tổng thống Syria Bashar al-Assad là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin.

N.MINH