Cùng với thế giới, từ hàng chục năm qua, Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ vào các giao dịch bất động sản (Proptech). Tuy nhiên, việc áp dụng này không được phổ biến và chỉ là một chấm nhỏ trên chiếc bản đồ Proptech khổng lồ của thế giới.
Proptech là viết tắt của cụm từ property technology – chỉ việc sử dụng công nghệ thông tin vào các giao dịch liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, Proptech sẽ giúp các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, giao dịch mua bán, thuê, cho thuê và quản lý bất động sản. Ngoài ra, Proptech còn cho phép tối giản hóa quy trình làm việc giữa người mua, người bán, người thuê, môi giới, cho vay hoặc chủ nhà.
Như vậy, qua định nghĩa của Proptech có thể thấy rằng, khả năng ứng dụng của Proptech là vô cùng rộng lớn. Vậy các nước đã phát triển Proptech như thế nào trong hàng chục năm qua?
Cho đến thời điểm này, người ta vẫn không xác định chính xác thời điểm mà công nghệ bắt đầu được áp dụng vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, giới đầu tư bắc đầu chú ý đến Proptech vào năm 2012.
Trong năm này, người ta ước tính có 72 công ty khởi nghiệp bất động sản đã huy động được 221 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm và đó cũng là năm Tập đoàn bất động sản Compass – một công ty mua bán bất động sản thương mại và nhà ở trên thị trường Mỹ - được thành lập.
Chỉ một năm sau - năm 2013, Compass đã huy động được 20 triệu USD dòng vố Series A và nâng mức định giá của công ty này lên 150 triệu USD. Như vậy, có thể xem Compass là “anh cả” trong lĩnh vực Proptech của thị trường bất động sản thế giới.
Liên tiếp những năm sau đó, ngành công nghiệp này tăng trưởng theo cấp số nhân. Đến năm 2016, có 235 công ty PropTech trên khắp thế giới đã huy động được hơn 2,6 tỷ USD từ nhà đầu tư mạo hiểm. Có ba công ty được xếp hạng “kỳ lân” (công ty huy động được vốn khởi nghiệp trên 1 tỷ USD) trong lĩnh vực Proptech vào thời điểm đó là Homelink, SMS Assist và Opendoor.
Theo dữ liệu của Fintech Global, từ quý 1 đến quý 3 năm 2021, khu vực Bắc Mỹ vẫn là “thánh địa” của Protech khi chiếm hơn 70% các khoản đầu tư vào lĩnh vực này. Tổng cộng có 181 khoản đầu tư với giá trị là 6,9 tỷ USD.
Xếp ở vị trí thứ hai là khu vực châu Âu, chiếm 19% hoạt động giao dịch và có 48 vòng gọi vốn trong năm 2021. Các hoạt động giao dịch tập trung nhiều ở khu vực phía Tây Âu, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Châu Á trong năm 2021 chỉ có 14 thương vụ và tất cả đều được hoàn thành trong nửa đầu năm. Theo đánh giá của Fintech Global, hoạt động giao dịch ở châu lục này thấp do rào cản gia nhập thị trường.
Có một thực tế phải thừa nhận rằng, khởi đầu của Proptech ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) nói chung muộn hơn một chút so với các khu vực khác, nhưng hiện tại nó đang có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt.
Singapore là quốc gia có số lượng công ty Proptech cao thứ ba tại APAC và đứng đầu ở Đông Nam Á. Các công ty điển hình tại quốc gia này là PropertyGuru và Soho.
Vào tháng 8/2021, PropertyGuru và Soho Property đã tăng vốn cổ phần của mình lần lượt là 146,9 triệu USD và 2 triệu USD và điều này cho thấy triển vọng của lĩnh vực này ở khu vực Đông Nam Á là rất tốt.
Ngoài ra, PropertyGuru cũng đã đạt được thỏa thuận hợp nhất với các công ty mua lại nhằm mục đích đặc biệt (SPAC) bao gồm Bridgetown 2 Holdings Ltd, thuộc sở hữu của tỷ phú Richard Li, Pacific Century Group và Peter Thiel và Thiel Capital LLC. Giá trị vốn chủ sở hữu của thương vụ này đạt 1,78 tỷ USD.
Trong khi đó, Soho Property, công ty sở hữu trang web Sohoapp.com, đã nhận được vòng tài trợ gần đây nhất vào tháng 3/2021 là là 3,4 triệu USD từ BridgeLane Capital và Second Century Ventures.
Về tình hình thị trường bất động sản nói chung, theo các chuyên gia, dịch COVID-19 khiến các nước áp dụng chính sách hạn chế đi lại đã làm cho xu hướng giao dịch bất động sản qua mạng tăng lên.
Ngoài ra, còn có một yếu tố quan trọng khác là sự thâm nhập của điện thoại thông minh vào đời sống của người dân ngày càng sâu rộng.
Theo báo cáo năm 2020 của Hiệp hội mạng di động toàn cầu (GSMA), 70% dân số trong khu vực này sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, việc các quốc gia thành viên tăng cường triển khai mạng 5G khiến cho việc tiếp khách hàng tiếp cận các sản phẩm bất động sản trở nên dễ dàng hơn và điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy Proptech phát triển.
Từ những lý do trên, các chuyên gia cho rằng, thị trường proptech ở Đông Nam Á đang chuẩn bị tỏa sáng trong thời gian tới.
Thực ra, dấu hiệu của Proptech đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Việt Nam cách đây hơn chục năm. Tuy nhiên, đối chiếu với một không gian rộng lớn của lĩnh vực công nghệ thì Proptech Việt Nam chỉ nắm bắt được một phần rất nhỏ, chủ yếu là các trang web đăng tin mua – bán nhà ở, đất đai, cho thuê phòng trọ,…
Điểm yếu của các trang web theo kiểu “rao vặt” này là thông tin không chính xác, gây khó khăn, tốn kém cho khách hàng, nhà đầu tư. Thực tế, thông qua các trang web này, nhiều đối tượng đã đồn thổi, đưa thông tin giả để lừa gạt...
Nói về vấn đề này, bà Lê Hoàng Uyên Vy, người đại diện của Quỹ đầu tư Ventures cho rằng, Việt Nam không có kho dữ liệu bất động sản như nhiều nước khác. Và, một trong những vấn đề lớn của thị trường bất động sản Việt Nam là thiếu minh bạch. Người mua luôn cảm thấy rối rắm với nhiều thông tin bất động sản giả do hàng trăm website cung cấp.
Chính từ thực tế đó mà những năm gần đây, nhiều công ty Proptech nước ngoài đã đầu tư, chuyên nghiệp hóa các giao dịch, đặc biệt là từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cách đây hơn 2 năm.
Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào Proptech đó là việc Việt Nam có đến 70% dân số sử dụng smartphone và hơn 64 triệu người tiếp cận được với Inetrnet và điều này được xem là một lợi thế tiềm năng của Proptech.
Như vậy, mặc dù còn “sơ khai” nhưng thị trường Proptech ở Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo số liệu từ Công ty cổ phần FinREI Investment JSC, hiện Việt Nam có 56 công ty đang hoạt động cùng nhiều startup trong lĩnh vực này dự kiến ra mắt trong thời gian tới. Trong số đó, có tới 80% các nền tảng Proptech là công ty nước ngoài hoặc được rót vốn từ nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỉ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Các thương vụ đầu tư, góp vốn vào proptech cho thấy sức nóng trong lĩnh vực ngày càng tăng.
Chẳng hạn, startup Rever cho biết đã gọi vốn thành công hơn 10 triệu USD từ Quỹ Mekong Enterprise Fund IV. Rever cũng nhận được khoản đầu tư 2,3 triệu USD từ GEC-KIP Technology and Innovation Fund. VinaCapital Ventures cũng đã công bố đầu tư 4 triệu USD vào đơn vị này. Citics gọi được 1 triệu USD vòng Series A từ Vulpes Investment Management, Nextrans, The Ventures...
“Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ở các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM và các thành phố nghỉ dưỡng khác. Chúng tôi kỳ vọng ngày càng nhiều vốn đầu tư sẽ chảy vào proptech để phục vụ thị trường đang phát triển này”, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Vietnam, nhận định.
- Nội dung: NGUYỄN MINH
- Thiết kế: THẾ PHAN