Đây là diễn đàn do Hiệp hội Báo chí và Xuất bản Thế giới (WAN-IFRA) tổ chức để các nhà lãnh đạo báo chí từ châu Á và trên toàn thế giới chia sẻ kiến thức, cơ hội cũng như kinh nghiệm giải quyết những thách thức mà các cơ quan/công ty truyền thông đang phải đối mặt. Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị, đồng thời nhận giải thưởng của WAN-IFRA cho một hạng mục mà báo Nhân Dân đoạt giải.
Ông Lê Quốc Minh đang Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thuyết trình tại Hội nghị. Ảnh: Tất Đạt/Pv TTXVN tại Singapore |
Hội nghị các nhà lãnh đạo truyền thông châu Á đề cập một số nội dung như Chuyển đổi số; Thích ứng và khuếch đại thương hiệu truyền thông; Thu hút và tăng lượng khán giả; Bền vững tài chính; Đổi mới và mô hình kinh doanh; Thách thức về đạo đức trong báo chí; Tối ưu hóa nguồn lực của tòa soạn; Thực hành tốt nhất để tăng lượng khán giả và tạo doanh thu,...
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo truyền thông từ khu vực và trên toàn thế giới đã thảo luận ở cấp độ chiến lược về các vấn đề cấp bách mà ngành truyền thông đang phải đối mặt và hướng đi của ngành trong tương lai, nêu ý tưởng, mô hình và giải pháp để xây dựng các tổ chức báo chí bền vững.
Những người tham dự được nghe và tham gia thảo luận xoay quanh các chủ đề, như Mô hình kinh doanh cho một công ty truyền thông hiện đại; Cách xác định sự cân bằng phù hợp giữa doanh thu đăng ký và quảng cáo và doanh thu thương mại; Các chiến lược thiết yếu để xây dựng một doanh nghiệp truyền thông có lợi nhuận; chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) cho ngành tin tức; Cách sản xuất báo chí đảm bảo gia tăng lượng độc giả; Thách thức trong việc sản xuất báo chí chất lượng trong bối cảnh áp lực về chi phí;
Cách tận dụng tốt nhất AI tạo ra doanh thu và trong báo chí; Cách tạo ra văn hóa đổi mới; Cách chuyển đổi số và AI đang tác động đến công nghệ mà ngành báo chí sử dụng; Cách các ý tưởng và xu hướng mới trong quảng cáo kỹ thuật số có thể khắc phục tình trạng suy giảm doanh thu chung; Cách thức chiến lược nội dung “Nhu cầu của người dùng” đã chuyển đổi các tổ chức báo chí. Bài phát biểu của ông Lê Quốc Minh về xây dựng một tòa soạn luôn đổi mới đã thu hút sự chú ý đặc biệt của những người tham dự.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về cách thức để báo chí trong nước bắt kịp xu hướng truyền thông mới trong tương lai, ông Lê Quốc Minh cho biết: “Có một thực tế là độc giả, khán thính giả hiện nay có nhiều kênh thông tin để có thể tiếp cận và báo chí không còn là kênh duy nhất như trước đây nữa, cho nên nội dung báo chí nhằm mục đích tuyên truyền lại càng phải hấp dẫn và thú vị. Báo chí Việt Nam cần phải thoát khỏi cách làm truyền thống như trước mà phải có những suy nghĩ, cách làm mới để làm sao kéo người dùng khỏi hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn các kênh trên Internet, trên mạng xã hội đến với mình.
Đương nhiên chúng ta không chạy theo những xu thế nhất thời trên mạng xã hội mà phải phát huy được thế mạnh, đổi mới cách làm và cách thể hiện, sử dụng những công nghệ làm báo hiện đại để những người dùng thấy trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn, có ích hơn, đóng góp nhiều cho xã hội, tìm kiếm cách thức làm bạn với truyền thông hiện đại nhất. Sẽ còn có rất nhiều thay đổi mà truyền thông, báo chí phải nhanh chóng nắm bắt những kinh nghiệm như vậy để dẫn dắt độc giả, trúng đối tượng độc giả và tuyên truyền hiệu quả các chính sách”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, WAN-IFRA đã trao Giải thưởng Truyền thông châu Á (AMA) với nhiều hạng mục. Có 251 bài dự thi từ 42 tổ chức truyền thông đã tham gia cuộc cạnh tranh gay gắt này. Các giải thưởng tôn vinh những thành tựu đặc biệt của các cơ quan báo chí trong thiết kế trang nhất, nhiếp ảnh và đồ họa thông tin. Lần đầu tiên tham gia, Chiến dịch tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của báo Nhân Dân được WAN-IFRA trao giải Vàng, hạng mục Chiến dịch Truyền thông Báo in xuất sắc (Best in Newspaper Marketing). Chiến dịch này được thực hiện trong 6 tháng với 3 sản phẩm chủ lực: Chuyên trang Điện Biên Phủ (dienbienphu.nhandan.vn), phụ san tương tác panorama báo ngày số 7/5/2024 và 2 triển lãm tương tác Chiến dịch Điện Biên Phủ (tại Hà Nội và Điện Biên Phủ).
Chia sẻ niềm vui khi nhận giải thưởng, ông Lê Quốc Minh cho biết: “Có thể nói việc đoạt được một giải thưởng lớn của báo chí của báo Nhân Dân là vô cùng quan trọng. Nó là sự ghi nhận đối với những sản phẩm của báo Nhân Dân đã tạo được dấu ấn không chỉ đối với đọc giả trong nước mà còn thuyết phục được cả những độc giả nước ngoài. Chính vì vậy, đây thực sự là một niềm vui lớn đối với những người xây dựng dự án này, đã có thể đưa những sản phẩm của báo Đảng của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và thuyết phục được các chuyên gia báo chí rất khó tính rằng đây là một tác phẩm đầy sáng tạo và có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng, khán giả, thính giả, độc giả”.
Báo Nhân Dân nhận giải thưởng của WAN-IFRA tại Hội nghị các nhà lãnh đạo truyền thông châu Á 2024. Ảnh: Tất Đạt/Pv TTXVN tại Singapore |
Được thành lập từ năm 1948, đến nay WAN-IFRA gồm 3.000 cơ quan xuất bản tin tức và công nghệ, cùng 60 hiệp hội báo chí thành viên ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiệm vụ chủ đạo của WAN-IFRA là bảo vệ và nâng cao tự do báo chí, phát triển các sản phẩm báo chí chất lượng cao, hỗ trợ báo chí đổi mới và phát triển trong thế giới kỹ thuật số và thực hiện tốt vai trò quan trọng của báo chí trong xã hội.
Trần Hồng Nhung (Zó): Một thập kỷ gìn giữ và phát triển ngành giấy thủ công truyền thống Việt Nam
Gần như mỗi tờ giấy là độc bản bởi nó hoàn toàn làm bằng thủ công, và là những phiên bản không giống nhau.