“Đưa giấy dó từ truyền thống đến đương đại” chỉ vỏn vẹn mấy chữ ấy thôi mà hành trình chị Trần Hồng Nhung – Nhà sáng lập Zó Project đi đến nay đã tới một thập kỷ.
Lên tận non cao, thoắt xuống đồng bằng, đi mây về gió, ăn ngủ với dó… Hành trình 10 năm bền bỉ của chị và Zó Project đã từng chút, từng chút tô điểm cho giấy dó những sắc màu mới, làm cho giấy dó có một đời sống mới, mở ra những hướng phát triển mới cho các làng nghề giấy truyền thống Việt Nam.
Trong những ngày cuối cùng của năm, tại không gian triển lãm và sáng tạo của Zó, Phụ nữ Mới đã có dịp được trò chuyện cùng chị để hiểu thêm về hành trình giữ gìn và phát triển một chất liệu truyền thống - hồn cốt của những bức tranh dân gian, tranh Tết mang đậm tính dân tộc.
- Xin chào chị Trần Hồng Nhung, dõi theo những câu chuyện nhỏ mà chị chia sẻ mỗi ngày lại biết thêm một điều mới lạ về giấy dó – loại giấy truyền thống 800 năm tuổi của Việt Nam. Được biết, hành trình “ăn ngủ cùng Zó” của chị tới nay đã tròn 10 năm, chị có thể chia sẻ về cơ duyên đưa chị đến với giấy dó và quyết định sáng lập Zó Project?
Nếu nói về cơ duyên với giấy dó thì phải quay ngược trở lại hơn 10 năm trước, từ dự án với một người bạn Việt kiều. Khi đó, anh ấy ngỏ lời muốn mình cùng chung tay tham gia dự án “đưa thư pháp Việt ra thế giới”. Mình thấy nó rất ý nghĩa vì hình ảnh thầy đồ viết chữ, cho chữ là một truyền thống rất đẹp đã bị mai một, và mình chỉ đơn thuần là muốn giúp bạn một tay. Đó chính là lúc mình tìm hiểu về giấy dó.
Chị Trần Hồng Nhung bên những tờ giấy dó nhuộm chàm. |
Chính mình cũng ngạc nhiên về lịch sử lâu đời và về tất cả những giá trị văn hóa tinh thần mà một tờ giấy mỏng manh như vậy lưu giữ. Càng tìm hiểu về giấy dó mình càng ngỡ ngàng và không khỏi tự hào xen lẫn chút nuối tiếc vì những giá trị tinh thần của giấy dó bị mất đi theo thời gian.
Và đơn giản là mình muốn làm điều gì đó để gìn giữ loại giấy này, nghề làm giấy cổ truyền này nên quyết định lập Zó Project, dù lúc đó mình chưa có một hình dung cụ thể là sẽ làm như nào và bắt đầu từ đâu…
- Những “giá trị văn hóa tinh thần” nào của giấy dó khiến chị yêu đậm sâu đến như vậy?
Mình xin mượn những áng văn của cụ Nguyễn Tuân trong “Xác Ngọc Lam” để miêu tả về vẻ đẹp ở giấy dó khiến mình say đắm: “Mặt giấy xốp, nghiêng giấy ra ánh sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, sờ vào giấy thấy mát cả lòng bàn tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó âm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi, tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, thật là một vật quý trên thế gian”.
Giấy dó |
Những sợi tơ lông óng ánh trên bề mặt và màu vàng nhẹ êm êm dịu mắt. Khi nhỏ một giọt mực, nó loang thấm vào từng thớ giấy, cảm giác rất mê hoặc. Nói chung dó chạm mình từ mọi giác quan: thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác!
Giấy dó nổi tiếng với độ dai, ngoài ra còn có tính năng chống ẩm, chống mối mọt và có tuổi thọ dài lên đến hàng trăm năm bởi được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng hóa chất và không pha trộn tạp chất nào trong suốt quá trình từ khâu xử lý nguyên liệu tới khâu cuối cùng phơi khô.
Gần như mỗi tờ giấy là độc bản bởi nó hoàn toàn làm bằng thủ công. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm, nghệ nhân làm tới mức hoàn hảo gần như máy. Nhưng chắc chắn sẽ là những phiên bản không giống nhau.
Mỗi mẻ giấy sẽ có những dị biệt từ độ dày, mỏng, hay bề mặt. Không chỉ vậy, sự khác biệt còn đến từ ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt trong khâu phơi giấy. Khi trời nồm ẩm hoặc mưa, giấy sẽ được phơi bằng lò sấy.
Chính vì những sự khó tin này nên mình mới bị mê hoặc bởi giấy dó!
Sợi dó |
- Từ “Vũ điệu của giấy” cho tới thời điểm hiện tại, chị và Zó Project đã thực hiện bao nhiêu triển lãm hay có những sáng tạo độc đáo nào để đưa chất liệu giấy dó quay trở lại đời sống đương đại?
Sau “Vũ điệu của giấy” năm 2014 thì Zó đã tổ chức triển lãm “Hồn dó” vào 2015 với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc. Sau đó thì Zó chính thức thành lập công ty và đẩy mạnh hoạt động sáng tạo với các sản phẩm ứng dụng ra thị trường nhằm lấy ngắn nuôi dài.
Zó xác định những sản phẩm ban đầu mang tính ứng dụng là quà tặng văn hóa để khách du lịch có thể mang về nước làm quà cho gia đình và bè bạn. Cũng như doanh nghiệp Việt Nam có thể dùng làm quà tặng cho bạn bè, đối tác là người nước ngoài. Sau đó thì kế hoạch dài hơi mới là những ứng dụng đưa vào đời sống của người dân Việt Nam như nội thất, phụ kiện…
- Tại sao Zó không phải là “doanh nghiệp” mà là “doanh nghiệp xã hội”? Chị đã làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu xã hội?
Khi bắt đầu Zó thì mình thậm chí vẫn đương nhiệm làm quản lý dự án cho 1 tổ chức quốc tế với rất nhiều dự án to tát về phát triển cộng đồng, bình đẳng xã hội.
Từ lúc đi du học ở Pháp thì thế giới quan của mình thay đổi khá nhiều. Lần đầu tới Pháp mình đã tự hỏi: “Việt Nam là nước mạnh về sản xuất. Khá nhiều hàng hóa mình thấy ở Pháp như may mặc hay giày dép là sản xuất tại Việt Nam, nhưng sao của cải lại không nằm ở nước mình?”. Lúc đó mình rất muốn quay trở về Việt Nam làm về thương mại công bằng để hiểu thêm về sự bất bình đẳng trong việc phân chia của cải của thế giới.
Một số dụng cụ làm giấy dó. |
Với một đầu óc luôn chất chứa những suy nghĩ ngây thơ và một cái tâm muốn cống hiến, mình không ngại lên núi để làm việc và mất một thời gian dài đi tìm câu trả lời cho chính mình. Nhưng mình đã không tìm được câu trả lời khi làm việc với các tổ chức phi chính phủ, bởi vì những áp lực giải ngân, vì những chủ đề rất to nhưng lại phải làm trong một khoảng thời gian rất ngắn, đôi lúc mình cảm thấy điều đó không thực sự hiệu quả.
Sau đó, mình nghe tới khái niệm “doanh nghiệp xã hội”. Lúc đó, mình cảm thấy đó chính là mô hình mình tìm kiếm bấy lâu nay. Mô hình này giải đáp cho mình thắc mắc về sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, về một loại hình kinh doanh tử tế. Với bài toán về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống như giấy dó thì mình thấy chỉ có mô hình này mới giải quyết được.
Thời điểm ấy, CSIP là tổ chức đầu tiên đưa ra khái niệm này và lobby vào trong Luật Doanh nghiệp năm 2015. Mình đã được CSIP chọn để trao giải và mình rất biết ơn CSIP về điều này. CSIP đã cho mình được sống trong một cộng đồng những người làm những điều phi lý - khác thường - không theo lối mòn.
không gian sáng tạo của Zó tại Ecopark |
Và đúng vậy, để cân bằng được mục tiêu kinh tế và xã hội luôn là bài toán được đặt ra đối với một doanh nghiệp xã hội. Nếu chỉ là mục tiêu kinh tế thì quả thực cũng đã là khó khăn lắm rồi vì lúc đấy mình nhớ có anh bảo mình là sao lại kinh doanh một thứ mà đang bị mai một đi, kiểu cảm giác mình đang lấy trứng chọi đá ấy. Xong anh ấy còn bảo nhìn anh đây đã bị mất nhà, mất xe và nhiều thứ để theo đuổi doanh nghiệp xã hội nên anh khuyên mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ.
Sau khi tiếp xúc với “những người phi lý CSIP” thì mình thấy rằng rõ ràng việc họ theo đuổi đó như là một duyên trời định hay một sứ mệnh và họ cứ thế là đi, đâu có đặt ra quá nhiều câu hỏi làm gì. Và vừa đi thì vừa dò tìm cách làm nào để cho việc cân bằng đó được diễn ra một cách tự nhiên, đôi khi cũng phải đánh đổi nhiều thứ.
- Không chỉ thổi một luồng sinh khí mới, mở ra một hướng đi mới cho giấy dó truyền thống tại thị trường Việt Nam, nay chị và Zó Project còn xuất khẩu giấy và bột giấy tới các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Làm thế nào để đảm bảo rằng giấy dó truyền thống của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng của thị trường quốc tế?
Để đưa được sản phẩm giấy dó và thậm chí là nguyên liệu cây dó xuất khẩu không dễ bởi các nước quen với loại cây dướng nhiều hơn. Thực tế Zó đã phải rất nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, để mọi người biết tới cây dó, giấy dó. Bởi nó là một vật liệu mới với thị trường quốc tế. Mình đã viết bài về giấy dó xuất hiện trên ấn phẩm về giấy và nhuộm màu tự nhiên tại Mỹ “Paper Color” - đây là ấn phẩm rất quan trọng khiến nhiều người trong giới làm giấy thủ công biết tới giấy dó của Việt Nam.
Những sản phẩm sáng tạo từ giấy dó |
Ngoài ra mình làm việc chặt chẽ với nhiều nghệ sĩ quốc tế để phổ biến giấy dó tới bạn bè năm châu. Mình cũng làm việc cùng James O - một người đã tới Zó để nhờ sự giúp đỡ hoàn thành luận án tiến sĩ của cậu ấy về các loại cây làm giấy trên thế giới và chúng mình đã cùng nhau mong muốn dịch và xuất bản chương về giấy dó sang tiếng Việt.
Việc xuất khẩu nguyên liệu mình cũng rất cân nhắc vì thực tế mình muốn xuất khẩu sản phẩm hơn vì như vậy Việt Nam sẽ tạo được nhiều giá trị thặng dư hơn. Và mình rất ghét khi Việt Nam phải xuất khẩu nguyên liệu thô đi cho các nước tư bản phát triển. Nhưng sau đó mình nghĩ nếu mình vẫn kiểm soát tốt vùng nguyên liệu thì đây là cơ hội để mình hoàn thiện bản thân.
Một số ứng dụng của giấy dó. |
Khi xuất khẩu được nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như Nhật, thì chắc chắn mình sẽ nâng cấp được chất lượng của chính sản phẩm giấy dó sau này. Và mình cũng mở ra cơ hội hợp tác để phát triển sản phẩm chất lượng cao trong tương lai với chính nước họ.
- Trong một phỏng vấn trước đó, chị có chia sẻ ước mơ muốn phát triển một ngành giấy thủ công truyền thống của Việt Nam với đầy đủ chuỗi cung ứng chứ không chỉ là một nghề thủ công. Chị có thể mô tả chi tiết hơn về những bước cụ thể mà Zó Project đã thực hiện để đạt được mục tiêu này?
Chính câu trả lời ở trên cũng bắt đầu trả lời cho câu hỏi này. Tác nhân đầu tiên trong chuỗi ngành hàng này chính là nông dân - là người trồng cây dó.
Trước đây ngay cả người làm giấy dó ở Bắc Ninh đã nhiều thế hệ không biết cây dó ở đâu. Họ mua lại của thương lái và đối với mình đó là điều nguy hiểm vì mình không thể phát triển được một ngành hàng nếu không biết được nguồn nguyên liệu được trồng ở đâu. Mình không thể có được sản phẩm chất lượng cao nếu không kiểm soát và quản lý được vùng nguyên liệu. Điều này thì mình học được thông qua kiến thức về kinh doanh của mình. Cách tiếp cận theo chuỗi giá trị mới làm cho ngành hàng phát triển.
Những sản phẩm sáng tạo từ giấy dó |
Rất nhiều người đặt câu hỏi với Zó là sao không sợ bị copy mô hình kinh doanh thì mình luôn nói với họ rằng mình mong có nhiều người copy để cùng sáng tạo ra nhiều sản phẩm như của Zó hoặc thậm chí hơn Zó. Đó mới là điều thành công của Zó.
Cũng nhiều người đặt câu hỏi sao Zó không giấu diếm các thông tin về vùng nguyên liệu cây dó. Bọn mình hoàn toàn hoạt động vì mục tiêu xã hội là bảo tồn được nghề làm giấy dó, bởi vậy bọn mình sẽ vui khi vùng nguyên liệu được phát triển.
Nhiệm vụ của Zó chỉ là mong muốn đảm bảo được sự phát triển bền vững, không có sự tận diệt và ngăn chặn sự phát triển bằng mọi giá mà mất đi sự cân bằng sinh thái của các vùng mà Zó có sự tác động. Bọn mình sẽ cùng đồng hành với bà con và chính quyền địa phương trong việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Mình sẽ không giấu diếm một thông tin nào cả mà sẵn lòng trong việc hợp tác với bất cứ những đối tác nào có cùng mục tiêu chung: gìn giữ và phát triển giấy dó đi xa hơn, bền vững hơn.
- Được biết, chị đang thực hiện một đề tài khoa học về giấy dó và dự định đăng ký sở hữu trí tuệ, chị có thể chia sẻ nhiều hơn về kế hoạch này không ạ?
Mình đang muốn đăng ký đề tài với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình vì mình muốn các thông tin khoa học này cần được xã hội hóa để cho con cháu mình sau này không phải mày mò từ đầu với các kinh nghiệm dân gian được truyền miệng nữa. Một nghề truyền thống đã tồn tại hơn 800 năm mà chưa có một tài liệu nào thực sự tin cậy thì thật hơi tiếc.
Mình cũng hơi buồn khi một người bạn Mỹ đã làm điều này một cách rất nghiêm túc chứ không phải là một người Việt. Nhưng không sao, tri thức là tài sản chung của cả nhân loại và mình rất biết ơn bạn ấy vì điều này. Chính bạn ấy đã cho mình động lực để thực hiện đề tài này. Hy vọng 1-2 năm nữa thì mình có thể xã hội hóa được các kiến thức này tới nhiều người hơn.
Chị Trần Hồng Nhung đang giới thiệu về các loại giấy dó, giấy dướng cho đại diện doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc |
- Theo chị đâu là những thách thức lớn nhất mà Zó Project phải đối mặt trên hành trình bảo tồn và phát triển chất liệu giấy cổ truyền của dân tộc?
Thách thức lớn nhất có lẽ là hiện tại nước mình vẫn chưa thực sự chú trọng tới việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Thực sự thì Zó chưa có nhiều sự trợ giúp từ Chính phủ hay từ các doanh nghiệp trong nước. Không biết có phải bởi giấy dó chưa phải là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam? Hay có lẽ là Zó chưa đủ duyên để chạm tới những dự án của Nhà nước?
- Nếu có một thông điệp chị muốn chia sẻ với các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp liên quan đến bảo tồn văn hóa và truyền thống, thì đó là gì?
Mình nghĩ là các bạn trẻ hiện đang có rất nhiều lợi thế về công nghệ và các bạn ấy có thể tiến xa rất nhanh. Nhưng theo mình thì với bảo tồn văn hóa truyền thống, điều quan trọng là cần sự kiên trì và bền bỉ, đi theo đường dài. Đừng nhìn những lợi ích trước mắt và đánh đổi những giá trị sâu sắc mà cha ông đã để lại. Hãy chân thành và trung thực với những giá trị mà các bạn theo đuổi. Hãy tạo dựng những giá trị thực sự, giá trị cốt lõi chứ không chạy theo những giá trị bên ngoài.
Mong manh giấy dó Quảng Uyên
Giữa buổi chợ phiên tấp nập người qua lại, bà Hoàng Thị Lý (Quảng Uyên, Cao Bằng) ngồi đó với cái lồ đựng đầy giấy bản, mặt buồn rượi.