Nghệ thuật đóng sách thủ công, với truyền thống hàng nghìn năm tuổi, đã đóng góp những tác phẩm xuất sắc và có giá trị to lớn cho nhân loại. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, những cuốn sách thủ công cũng dần thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Cùng tìm hiểu vê Nghệ thuật đóng sách thủ công qua phần trò chuyện với anh Trần Trung Hiếu, là thợ đóng sách thủ công với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Cùng với Sao Bắc Bookbinding anh đã thực hiện rất nhiều ấn bản sách thủ công nghệ thuật cao cấp và nhận được sự đón nhận tích cực của độc giả.
Câu hỏi: Động lực nào giúp anh theo đuổi một ngành nghề ít người trẻ theo đuổi như nghề đóng sách thủ công (Bookbinding)? Những khó khăn mà anh gặp phải khi theo nghề là gì?
Về các khó khăn trước. Đây không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở Việt Nam, mà được bắt nguồn từ các nước Châu Âu và Trung Đông. Nghề đóng sách du nhập vào nước ta bởi người Pháp (Pháp là một trong những đất nước có tiếng tăm nhất về đóng sách), trải qua chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan khác, nghề này ở Việt Nam cũng mai một dần.
Theo như tìm hiểu của mình, cho đến hiện tại trong nước vẫn rất hiếm thậm chí là không có người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống (tại các nước châu Âu và Trung Đông). Ngoài ra, nguồn tài liệu và đồ đạc dụng cụ về ngành nghề này cũng rất hạn chế. Các bạn trẻ, hoặc như mình lúc mới vào nghề còn là sinh viên thì sẽ càng khó khăn hơn bởi các dụng cụ chuyên dụng rất đắt tiền. May mắn là vốn liếng ngoại ngữ - tiếng Anh của mình khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài. Thiệt thòi nhất là bạn không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để dạy lại cho bạn về nghề.
Ngược lại thì chính những khó khăn đó lại làm mình cảm thấy hứng thú hơn với nghề. Bản thân mình là một người rất tò mò, và cực kỳ thích được tìm hiểu đến tận gốc rễ về một vấn đề mình quan tâm. Ngành đóng sách có vốn kiến thức cực rộng và như một thiên đường cho mình để đắm mình trong các tài liệu. Tiếp theo đó sau khi mình đã phát triển lòng yêu mến với nghề thì mình lại muốn đưa nghề này về với Việt Nam, mình muốn các thế hệ sau mình được tiếp cận với đóng sách thủ công, cũng như được giữ gìn các cuốn sách cổ mà ông cha ta để lại.
|
Câu hỏi: Một ngày làm việc của một bookbinder (thợ đóng sách) như thế nào và anh có thể chia sẻ các công đoạn cơ bản khi đóng một cuốn sách không?
Để nói về một ngày thì rất khó trả lời bởi có những ngày mình chỉ làm được có một/hai công đoạn của việc đóng sách. Mình thường ghi các công đoạn hiện tại của mình ở tấm bảng làm việc và kiểm tra/cập nhật cho nó khi đến xưởng.
Về các công đoạn cơ bản thì bạn có các việc sau : Đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), Dỡ sách, Tạo dựng cấu trúc, Bọc bìa, Trang trí.
|
Câu hỏi: Anh thường mất bao nhiêu thời gian để hoàn thiện một cuốn sách? Trong số đó, sản phẩm nào là sản phẩm mà anh tâm đắc nhất và sản phẩm nào là sản phẩm ý nghĩa nhất đối với anh?
Trung bình thì mình thường mất khoảng 1 tuần làm việc để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Còn với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì phải vài tuần, có khi vài tháng mới thực hiện được.
Một điều rất dễ lý giải là các cuốn sách mình đóng thì đều để lại cho mình cảm xúc nhất định. Không có cuốn nào mình làm sẽ giống nhau, và qua mỗi lần làm thì mình đều học, rút ra được những bài học mới mẻ. Tuy nhiên bản thân mình sẽ rất tâm đắc với các cuốn sách mà mình tự thiết kế, mang bản sắc của mình
|
Câu hỏi: Anh muốn chia sẻ đôi điều với các bạn trẻ đang có hứng thú với nghề bookbinding nhưng vẫn đang do dự về tương lai của nghề?
Gần đây mình cũng đã dịch bài viết của một chuyên gia người Nhật về vấn đề này. Theo mình các bạn muốn theo đuổi nghề thủ công mang tính "hàn lâm" như đóng sách này thì các bạn bắt buộc phải có lòng kiên trì, sẵn sàng hy sinh. Thêm nữa là phải có đầu óc nhạy bén và khả năng học hỏi không ngừng. Nghe thì có thể hơi nghịch lý nhưng phần thưởng của nghề này, theo mình thấy chính là những khó khăn khi làm việc. Dù có làm bạn khó chịu căng thẳng như thế nào đi chăng nữa nhưng nó khiến bạn buộc phải trở nên tốt hơn. Các bạn cũng sẽ phải tự lập rất nhiều, trong việc tìm kiếm nguồn kiến thức, khám phá, thử nghiệm cũng như tự xây dựng các dụng cụ của mình.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Fobres
Với việc quay trở lại của Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang, tính tới ngày 3/1, Việt Nam có 6 tỷ phú USD theo danh sách của Forbes. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng tăng mạnh lên trên 9 tỷ USD.