Đây là năm thứ 2, Việt Nam tụt bậc về môi trường kinh doanh sau khi năm 2019 môi trường kinh doanh tụt từ vị trí 68 (năm 2018) xuống vị trí thứ 69 và năm 2020 là vị trí thứ 70.
Nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 70 trên 190 nền kinh tế các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Điểm số của Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, cao hơn năm ngoái (68,36), nhưng lại tụt một bậc xuống thứ 70.
Trong khảo sát năm nay, WB chấm điểm và xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán. 2 tiêu chí khác là Thuê nhân công và Hợp đồng với Chính phủ cũng được nghiên cứu nhưng không dùng để chấm điểm.
Với Việt Nam, những lĩnh vực được WB đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Vay vốn và Nộp thuế. Hầu hết lĩnh vực tăng điểm so với năm ngoái. Có thứ hạng cao nhất là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 25), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (122).
Công nhân trong một nhà máy may ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Reuters |
Báo cáo của WB nghiên cứu đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP.HCM. Theo đó, tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện khi thành lập doanh nghiệp là 8. Con số này cao hơn trung bình khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (6,5).
Trong khối nước ASEAN, Singapore vẫn là nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất khi đứng thứ 2 thế giới, xếp sau là Malaysia với vị trí 12, Thái Lan 21 và Brunei là 66. Việt Nam chỉ hơn các nước Indonesia (73), Philippines (95), Campuchia (144), Lào (154) và Myanmar (165).
Đứng đầu trong 190 nền kinh tế thế giới về môi trường kinh doanh hiện nay là New Zealand, thứ 2 là Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đan Mạch và Hàn Quốc.
Mỹ đứng vị trí thứ 6, Hàn Quốc thứ 5 và Nhật Bản đứng thứ 29. Trong khi đó Trung Quốc đang đứng ở vị trí thứ 31 thế giới, xếp trên các nền kinh tế Pháp (32), Ấn độ (63)…
Báo cáo Doing Business 2020 của WB. |
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của 141 nền kinh tế năm 2019, trong đó Việt Nam tăng 10 bậc từ vị trí 77 năm 2018 lên 67, đây là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Trong thang điểm 100, Việt Nam được đánh giá đạt 61,5 điểm, tăng mạnh so với mức 58,1 điểm năm ngoái. Trong 12 trụ cột đánh giá các chỉ số mà WEF đưa ra, Việt Nam được đánh giá cao nhất ở sức khỏe nền kinh tế với 81 điểm. Trong khi đó, chỉ số năng lực sáng tạo lại bị đánh giá thấp nhất khi chỉ được 37 điểm.
Báo cáo của WB đánh giá 115 trên 190 nền kinh tế trên thế giới đã thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Theo thống kê, 190 quốc gia đã thực hiện kỷ lục 294 cải tổ giai đoạn tháng 5/2018 – 5/2019.
Rita Ramalho – một trong các tác giả của báo cáo nhận định gỡ bỏ rào cản kinh doanh là biện pháp tích cực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này và kết quả cho thấy có mối liên hệ giữa đơn giản hóa, cải thiện quy định kinh doanh và tốc độ tăng trưởng cao. Dù vậy, đây chỉ là một trong các biện pháp và không thể giải quyết mọi vấn đề", bà nói.
Báo cáo cũng cho rằng điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn có thể đẩy cao mức độ khởi nghiệp, từ đó làm tăng cơ hội nghề nghiệp, nguồn thu thuế của chính phủ và thu nhập của người dân. Việc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, vốn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 3% năm nay – thấp nhất hơn 10 năm.