Vietnam Airlines vay chủ yếu để trả nợ?

Từ cuối năm 2020, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ tài chính cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines thông qua hai chính sách là cấp tín dụng ưu đãi và Phát hành cổ phiếu. Nhưng tài chính thật sự của Vietnam Airlines dùng để tái cơ cấp hay trả nợ cho các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng đã cấp tín dụng ưu đãi lãi suất 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó Vietnam Airlines được phép chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động 8.000 tỷ đồng mặc dù kết quả kinh doanh năm liền trước là thua lỗ, tức là Vietnam Airlines không cần đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định trong Điều 15 Luật Chứng khoán 2019. Vừa qua, tổng công ty đã ký hợp đồng cấp tín dụng với ba ngân hàng là MSB, SHB và SeABank để chuẩn bị nhận khoản vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng.  Ba ngân hàng nói trên khi tái cấp vốn tại NHNN sẽ không cần tài sản bảo đảm và được hưởng lãi suất tái cấp vốn 0%, nhưng Vietnam Airlines vẫn sẽ cần tài sản bảo đảm khi vay và phải trả lãi suất, tuy rằng thấp hơn mặt bằng lãi suất thị trường. Dự kiến tiền vay sẽ về trong tháng 7 này.

Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines tổ chức ngày 14/7 vừa qua đã phê duyệt kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Theo Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền, việc chào bán hy vọng sẽ hoàn tất trong quý III.

Vietnam Airlines sẽ nhận về đủ 12.000 tỷ đồng trong kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước. Khi được hỏi tổng công ty sẽ làm gì với số tiền nhận được, ông Trần Thanh Hiền cho biết số 4.000 tỷ đồng vay từ các ngân hàng sẽ được dùng để trả một phần các khoản nợ quá hạn với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ. Ông Hiền nhấn mạnh là Vietnam Airlines chỉ trả một phần chứ không trả được toàn bộ. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2021, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn tới 6.200 tỷ đồng.

"Để sử dụng 4.000 tỷ đồng này có hiệu quả, Vietnam Airlines sẽ gắn việc thanh toán nợ với quá trình đàm phán với các chủ nợ để có được lịch thanh toán hợp lý nhất, tối đa hóa các lợi ích mà tổng công ty có thể đạt được như giảm, giãn, hoãn nợ từ các nhà cung cấp, tổ chức tín dụng", ông Hiền nói thêm. "Chúng tôi đã lập kế hoạch rất chi tiết, đảm bảo đánh giá đúng mức độ, tính công bằng của các chủ nợ, tối ưu lợi ích của công ty", Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết.

Với số tiền 8.000 tỷ đồng sắp thu được từ phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%, Vietnam Airlines sẽ có đủ nguồn vốn để trả nợ và còn dư cho hoạt động kinh doanh. "Chúng ta sẽ có nguồn vốn hỗ trợ hoạt động trong bối cảnh rất khó khăn. Số tiền 8.000 tỷ đồng từ cổ đông cũng có thể giúp Vietnam Airlines tránh được nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, đồng thời làm lành mạnh hơn các chỉ số trên bảng cân đối kế toán", ông Trần Thanh Hiền phát biểu. Cổ đông Nhà nước hiện nay đang nắm giữ 86,2% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, tương đương hơn 1,22 tỷ cổ phiếu HVN, và do vậy sẽ được quyền mua gần 690 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán sắp tới.

Vietnam Airlines cho biết tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hãng. Trong 6 tháng đầu năm, lỗ công ty mẹ dự kiến khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ, chỉ số tài chính thay đổi theo hướng tiêu cực và rủi ro. Trong quý I, Vietnam Airlines đã ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 4.975 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 1.030 tỷ. Như vậy, trong quý II, tổng công ty ước tính lỗ thêm khoảng 5.800 tỷ và âm vốn chủ.

Cả năm 2021, Vietnam Airlines lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm ngoái, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng 30% so với số lỗ kỷ lục 11.178 tỷ của năm 2020. Giả sử Vietnam Airlines hoàn thành kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng trong năm nay thì với số lỗ khổng lồ như trên, vốn chủ sở hữu cuối năm vẫn sẽ âm.

Nhật Hạ