Vừa lên sàn HOSE, Ngân hàng ACB công bố lãi hơn 8.700 tỷ đồng trong 11 tháng

ACB công bố lãi 11 tháng đạt hơn 8.700 tỷ đồng trong khi cổ phiếu của mình vừa có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE với nhiều kỳ vọng tốt.

Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB ) vừa công bố tình hình kinh doanh sơ bộ 11 tháng đầu năm 2020. Tính đến ngày 30/11, tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế 11 tháng của nhà băng này đạt 8.723 tỷ đồng. Như vậy, mức lợi nhuận trên đã vượt 14% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2020.

Đến cuối tháng 11, ACB có tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%. Huy động tăng trưởng 11,5% đạt 343.000 tỷ đồng. Tín dụng của ngân hàng này ở mức 305.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Ban Lãnh đạo ACB cũng rất tự tin khi nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.

Trước đó, ở báo cáo tài chính quý III/2020, lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần, chủ yếu từ hoạt động huy động và cho vay của ACB tăng gần 16% so với cùng kỳ, lên 10.166 tỷ đồng. Thêm một điểm đáng chú ý nữa là, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi 3 tỷ, năm nay ACB thu về hơn 700 tỷ đồng. Tổng lại, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 15%, lên hơn 6.410 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 4 lần, lên mức 700 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng của ACB tăng gần 11%, trong khi huy động từ khách hàng tăng gần 9%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng từ mức 0,54% từ hồi đầu năm lên 0,84% vào cuối tháng 9/2020, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng gấp 3,5 lần, nợ nhóm 4 tăng 75%.

Trong sáng nay, ACB đã niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu mã ACB lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ( HOSE ) với giá tham chiếu 26.400 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động 20%. Ngay phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu ACB có lúc lên 28.950 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng khoảng 9,7%. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dần hạ nhiệt ngay sau đó. Chốt phiên sáng nay, thị giá mã ACB dừng ở mức 28.500 đồng/cổ phiếu. Mức này vẫn tăng gần 8% so với giá tham chiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 21 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khoảng 600 tỷ đồng.

Uớc tính với mức giá này, vốn hóa của ngân hàng đạt khoảng 61.500 tỷ đồng. Mức này không kém cạnh vốn hóa của nhiều mã trong rổ cổ phiếu VN30 như VJC của Vietjet Air, VRE của Vincom Retail hay NVL của Novaland,…

Giới phân tích cũng nhận định, mã ACB có nhiều cơ hội như giao dịch ký quỹ sau 6 tháng giao dịch trên HOSE, lọt vào rổ cổ phiếu VN30 vào tháng 8/2021, rổ cổ phiếu VNDiamond và VNFIN Lead vào tháng 11/2021.

Phân phối bảo hiểm độc quyền Sunlife Việt Nam giúp ACB có thêm nhiều kỳ vọng. Ảnh: ACB
Phân phối bảo hiểm độc quyền Sunlife Việt Nam giúp ACB có thêm nhiều kỳ vọng. Ảnh: ACB

Trước khi lên sàn HOSE, ACB liên tiếp đón loạt tin vui. Một trong những tin vui nhất là ngân hàng này có được hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance) ký kết với Sunlife Việt Nam. Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn lời ban lãnh đạo ACB cho biết khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng) cho tệp 3,6 triệu khách hàng của ngân hàng.

BVSC cho rằng ACB có thể thận trọng phân chia các khoản phí này để giúp dòng thu nhập ổn định hơn, đồng thời nhận định khoản phí trả trước theo hợp đồng này sẽ đóng vai trò là tấm đệm cho kết quả kinh doanh mạnh mẽ của nhà băng trong tương lai.

Năm 2020, BVSC dự báo ACB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 8.953 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn 2021 - 2022, công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 20,8%/năm với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước lớn từ thương vụ bancassurance độc quyền.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương