Xử lý vi phạm về đê điều ở Nam Định: Đất lấn đê, luật “chồng” luật

Trên là hành lang bảo vệ đê điều, dưới thì hành lang thoát lũ, người dân bên đê ở Vụ Bản đã bao lâu nay vẫn loay hoay với chuyện cửa nhà.

Cuối năm 2019, hộ ông Bùi Huy Lễ (xóm Trại Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định) bị Hạt quản lý đê cấp huyện lập biên bản xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão, do tiến hành xây dựng một công trình nằm trong hành lang bảo vệ đê hữu sông Đào. Đáng nói, ông Lễ là Bí thư Đảng uỷ xã, và từ vi phạm của gia đình ông, phát sinh thêm ba vi phạm khác ở cùng khu vực chỉ hơn một tháng sau đó.

Gương xấu từ người đứng đầu

Theo báo cáo của UBND huyện Vụ Bản ngày 11-3-2020: Ngày 30-12-2019, tại đoạn đê hữu sông Đào thuộc xóm Trại Nội, xã Thành Lợi, hộ ông Bùi Huy Lễ đã tiến hành phá dỡ một công trình với diện tích 18 m², xây lại công trình mới trên nền móng cũ nằm trong mái đê phía sông. Sau khi Hạt quản lý đê Vụ Bản lập biên bản và báo cáo vi phạm với Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nam Định, vào các ngày 14 và 15-1-2020, hộ ông Lễ đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

Ông Đặng Ngọc Thắng - Quyền Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Nam Định cho biết, để tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 14 (năm 2014) và Chỉ thị số 10 (năm 2017). Các chỉ thị này quy định công trình trên mặt đê, mái đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê thuộc diện phải giải tỏa; công trình nằm ngoài phạm vi 5 m từ chân đê chỉ được sửa chữa, cải tạo trong trường hợp xuống cấp, nhưng không được cơi nới hoặc xây mới.

Chiếu theo các văn bản này, công trình của hộ ông Bùi Huy Lễ không những không được phép cải tạo, cơi nới, xây mới, mà còn phải giải toả khỏi phần mái đê hữu sông Đào. Với cương vị Bí thư Đảng uỷ xã Thành Lợi, ông Lễ đã nêu gương xấu dẫn đến phát sinh ba vi phạm khác không lâu sau đó. Cụ thể, các hộ ông Bùi Huy Thịnh, Đặng Văn Sơn, Nguyễn Lang Thanh liên tiếp tiến hành sửa chữa, xây mới công trình nhà ở, tường bao trái phép ngay dưới chân đê, vi phạm hành lang an toàn đê.

Ông Bùi Huy Lễ giải thích, công trình vi phạm của gia đình ông vốn là một gian bếp xây từ gạch bi cách đây hàng chục năm. Qua thời gian, công trình xuống cấp, xập xệ nên ông muốn phá đi, xây mới. Trước khi làm việc này, ông Lễ đã xin phép Hạt quản lý đê Vụ Bản và được chấp thuận bằng… miệng. Sau thời điểm bị lập biên bản xử lý và được UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động, gia đình ông ý thức được vi phạm và tự giác phá dỡ công trình.

Công trình vi phạm của hộ ông Bùi Huy Lễ sau khi đã phá dỡ.
Công trình vi phạm của hộ ông Bùi Huy Lễ sau khi đã phá dỡ.

Tuy nhiên, hệ luỵ để lại là chính quyền và cơ quan chức năng địa phương chưa thể xử lý triệt để những hộ vi phạm khác. Một số công trình vi phạm vẫn tồn tại, thậm chí tiếp tục được xây dựng.

Khó khăn vì luật “chồng” luật

Chủ tịch UBND xã Thành Lợi Lê Văn Tuyền trăn trở: Xã đông dân, với hơn 16 nghìn người, chia 23 xóm, hiện còn tới hơn 40 hộ dân sinh sống trong hành lang bảo vệ đê. Việc giải toả rất khó khăn bởi người dân đã sống ở đây qua nhiều thế hệ, mảnh đất từ thời ông cha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - hay cách gọi quen thuộc là sổ đỏ - từ trước khi Luật Đê điều được ban hành.

Nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà cửa của người dân trên đất ở đã được công nhận, là chính đáng theo Luật Đất đai. Nhưng xét theo Luật Đê điều, họ lại đang vi phạm. Sự “vênh” nhau giữa các luật định và thực tế gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý của chính quyền. Đứng trên đê xóm Trại Nội, ông Tuyền chỉ tay về những mái ngói đã xô lệch, những mảng tường nứt vỡ, chông chênh bên đê.

Một công trình vi phạm đang xây nền móng trên địa bàn xóm Trại Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định)
Một công trình vi phạm đang xây nền móng trên địa bàn xóm Trại Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định)

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Vụ Bản Phạm Ngọc Chi, vướng mắc này là câu chuyện lịch sử để lại. Toàn huyện hiện còn tới 98 hộ dân sinh sống trong hành lang bảo vệ đê hữu sông Đào, thuộc địa bàn ba xã Tân Thành, Thành Lợi và Đại Thắng. Các hộ dân đã ở đây từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Đê khi ấy chỉ được đắp thủ công bằng đất, xa nhà dân. Sau này, đê được đắp to dần ra, rồi được kiên cố hoá bằng bê-tông, rộng rãi như bây giờ. Thôn xóm ngoài đê cũng theo thời gian mà đông đúc dần lên. Đất ở cứ thế lấn vào đê sông.

Trên là hành lang bảo vệ đê điều, dưới thì hành lang thoát lũ, người dân bên đê ở Vụ Bản đã bao lâu nay vẫn loay hoay với chuyện cửa nhà. Có người than thở: Động xây sửa là vi phạm, làm lụng tích cóp mãi, khi có tiền rồi mà ngói bong, tường nứt, nhà sắp sập vẫn phải chịu ở vậy… Giải pháp di dời là điều họ mong ngóng, nhưng rất xa vời, vì từ cấp tỉnh đến cấp huyện, không đâu bố trí được kinh phí cho dự án để người dân tái định cư nơi khác.

Lịch sử để lại những hộ dân mưu sinh bên đê hữu sông Đào. Nhiều năm nay, con đê được kiên cố hoá đã bình yên trước mưa to gió lớn. Nhưng bên bờ sông, nguy cơ sạt lở vẫn là ẩn hoạ khôn lường. Chuyện không riêng ở ba xã Tân Thành, Thành Lợi, Đại Thắng của huyện Vụ Bản, mà là nỗi lo chung ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Nam Định. Nếu các cơ quan chức năng của tỉnh không sớm vào cuộc, sự việc tương tự căn bếp của ông bí thư xã sẽ còn tái diễn.

Theo UBND huyện Vụ Bản, từ năm 2007 đến nay, huyện đã giải toả 9 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê hữu sông Đào. Hiện địa bàn huyện còn 98 hộ dân nằm trong hành lang bảo vệ đê, trong đó 28 hộ có công trình cách chân đê dưới 5 m. Ngày 24-2-2020, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản nêu rõ: “Các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê nằm trong diện tích đất ông cha, đất có sổ đỏ. UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có kế hoạch, cơ chế hỗ trợ để UBND huyện tiếp tục giải toả triệt để các trường hợp này”

Minh Văn

Người dân Lai Xá viết tâm thư đề nghị đánh giá chính xác thiệt hại di chỉ Vườn Chuối

Người dân Lai Xá viết tâm thư đề nghị đánh giá chính xác thiệt hại di chỉ Vườn Chuối

Trong thư, người dân Lai Xá đề cập đến việc các di sản văn hóa tại cụm di chỉ Vườn Chuối bị tổn hại nghiêm trọng.