Xử lý video nhảm nhí trên mạng xã hội: Cứ quét sạch lại có rác mới

Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý video nhảm nhí trên mạng xã hội.

Mới đây, một người làm YouTube tại Bắc Giang có tên Nguyễn Văn Hưng, đã bị xử phạt hai lần trong chưa đầy một tháng, vì đăng các video có nội dung xấu lên YouTube.

Những video này được đánh giá là "không phù hợp với thuần phong mỹ tục", có thể tạo hình ảnh xấu về địa phương, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cố súy hành vi ăn cắp.

Hưng bị phạt tổng số tiền 17,5 triệu đồng và phải xóa video, theo VnExpress.

Hưng Vlog sản xuất nhiều nội dung gây tranh cãi, đặc biệt là video dạy cách trộm tiền trong heo đất. Ảnh cắt từ clip.
Hưng Vlog sản xuất nhiều nội dung gây tranh cãi, đặc biệt là video dạy cách trộm tiền trong heo đất. Ảnh cắt từ clip.

Đổ trứng lên đầu mẹ, đốt xe, giả nhiễm virus corona... để câu kéo lượt xem

Tuy nhiên, không chỉ tài khoản của Hưng, trên các nền tảng YouTube, Facebook..., đang tràn lan video có nội dung tương tự, được cho là nhảm nhí, giật gân, gây nhiều tác hại cho xã hội. Văn phòng Chính phủ mới đây đã gửi văn bản tới các đơn vị liên quan yêu cầu xử lý hiện trạng trên.

Khi COVID-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều người làm YouTube đã quay video "giả nhiễm corona" để câu view. Các video này sau đó biến mất khỏi nền tảng, vì bị đánh giá là "tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và gây khó khăn cho việc chống dịch".

Trước đó, nhiều kênh YouTube cũng bị lên án vì các hành vi như đổ trứng vào người khác, phá hàng nghìn ống hút, cốc nhựa, đập phá, đốt xe hoặc đánh người... để câu kéo lượt xem.

Một trong những trường hợp được nhắc đến nhiều thời gian qua là Hưng Vlog. Đây là YouTuber thường xuyên đăng tải những video nhảm nhí, câu view, như nấu cháo gà nguyên lông hay video ăn trộm tiền của em gái, theo Zing.

Với hàng triệu lượt xem cho mỗi video, phần lớn là nội dung nhảm, các kênh của gia đình bà Tân Vlog như: Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, Hưng Troll... có thể thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

Chỉ sau hơn một năm xuất hiện, kênh Bà Tân Vlog vướng phải nhiều tranh cãi khi sa vào việc sản xuất video có nội dung nhảm nhí. Thành viên trong gia đình này cũng không ngừng tạo ra các nội dung câu view. Các con trai bà Tân là Hưng, Hậu, con gái nuôi Thanh Lương đều sở hữu kênh YouTube riêng. Thậm chí, bạn gái cũ của Hưng cũng được biết tới là một YouTuber.

Ngoài các nội dung troll (chơi khăm) bị đánh giá là nhảm nhí, vô bổ, thành viên gia đình này còn thường xuyên thực hiện những video nấu ăn không đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, các công đoạn không đảm bảo vệ sinh.

Trong một thời gian dài, cả nhà bà Tân liên tục “nhuộm” thực phẩm bằng các chất lỏng tạo màu không rõ nguồn gốc, hay đồ uống có ga. Các hành động của gia đình này bị phản đối vì gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe cho người xem nếu họ làm theo.

Thanh Lương Vlog, con gái nuôi của bà Tân, bị phản ứng bởi vấn đề kém vệ sinh khi nấu nướng. Trong video làm món mì cay của người này, người xem chứng kiến ruồi, nhặng liên tục đậu vào đĩa đồ ăn.

Sự nhảm nhí, câu view bất chấp trong các video của "gia đình Youtube" này đã tồn tại trong thời gian dài. Tuy nhiên, phải đến gần đây, YouTuber này mới bị cơ quan chức năng xử phạt, vì lan truyền nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

Ăn mừng kênh Youtube 20k subcribers,
photo-2-15606012872351800484169
Ăn mừng kênh Youtube 20k subcribers, "con trai cưng" đổ thau trứng lên đầu mẹ rồi quay clip khoe như chiến tích. Ảnh chụp màn hình.

Cứ quét sạch lại có rác mới

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết thời quan qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn video xấu. Số lượng nội dung không lành mạnh đã giảm nhiều so với những năm trước đây, nhưng "cứ quét sạch lại có rác mới".

Việc xử lý các nội dung như vậy là một bài toán khó trong điều kiện tự do thông tin xuyên biên giới.

"Cơ quan quản lý đã yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, đồng thời thiết lập kênh hợp tác có hiệu quả. Nhưng có nhiều vấn đề các bên còn có cách nhìn khác nhau, chẳng hạn thế nào là văn hoá nhảm, thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, các cơ quan quản lý sẽ phải tăng cường giám sát, nhưng do đây là các nền tảng quốc tế nên ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, cần sự phối hợp của người dùng cũng như bộ phận quản lý của các nền tảng này.

Thực tế, các nền tảng mạng xã hội chưa có quy ước về "video nhảm".

Nguyễn Phi Thắng, một chuyên gia về YouTube đang làm việc cho một mạng lưới đa kênh (Multi-channel Network - MCN) lớn tại TP.HCM, cho biết anh rất kỳ vọng mạng xã hội có thể giảm video nhảm nhí, phảm cảm. Tuy nhiên, anh cho rằng rất khó xác định tiêu chí thế nào là video là nhảm nhí.

YouTube có các nguyên tắc cộng đồng áp dụng cho toàn bộ video được đăng tải, như cấm các nội dung khỏa thân hoặc khiêu dâm, gây hại hoặc nguy hiểm, bạo lực, kích động thù địch, quấy rối, spam, lừa đảo hoặc đe dọa, vi phạm bản quyền... Nhưng với các nội dụng "nhảm nhí, giật gân nhằm câu view", thường phải đánh giá thủ công và dựa vào kinh nghiệm.

Ngoài ra, có trường hợp, nội dung nhảm nhí với người này nhưng lại là bình thường với người khác.

Video “Thả 100 con dao từ trên cao xuống” của NTN Vlog bị phản ứng dữ dội ngay khi ra mắt. Ảnh chụp màn hình.
Video “Thả 100 con dao từ trên cao xuống” của NTN Vlog bị phản ứng dữ dội ngay khi ra mắt. Ảnh chụp màn hình.

Ông Lưu Đình Phúc cũng cho biết Bộ TT&TT đã xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu truyền thông số quốc gia, để tìm hiểu thông tin tiêu cực trên không gian mạng và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Bộ cũng hợp tác với các công ty công nghệ quốc tế để yêu cầu xử lý kịp thời các thông tin ảnh hưởng tới cộng đồng.

Một số kênh, như của Khá "Bảnh", Hưng Vlog..., vi phạm đều bị xử lý nhờ sự phối hợp của cơ quan chức năng và các nền tảng.

Người dùng phải tự tạo "lá chắn" cho mình

Theo các chuyên gia, trước khi có các chính sách ngăn chặn video nội dung xấu, người dùng có thể tự tạo "lá chắn" cho mình, bằng cách report video đó để YouTube xử lý, hoặc báo cáo cho cơ quan chức năng tại địa phương. Ngoài ra, mạng xã hội video này gợi ý nội dung theo sở thích và thói quen. Người dùng duy trì thói quen xem video từ những kênh lành mạnh thì các video phản cảm sẽ dần không có người xem, và biến mất.

Hiện nay, các mạng xã hội chia sẻ video đang phát triển mạnh tại Việt Nam cả ở nhu cầu xem và sáng tạo nội dung. Thống kê của YouTube cho thấy, Việt Nam có 350 kênh video với trên 1 triệu lượt đăng ký.

Ngoài ra còn một số mạng xã hội chia sẻ video, như TikTok, Facebook Watch, Instagram IGTV. YouTube là một trong những nền tảng chia sẻ video lớn tại Việt Nam, với lượng truy cập lớn, nhưng đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều trào lưu xấu.

Gia đình Bà Tân Vlog được cộng đồng mạng gọi là
Gia đình Bà Tân Vlog được cộng đồng mạng gọi là "gia đình YouTube", khi bà và các con của mình đều sở hữu kênh YouTube riêng với lượt xem khá cao. Ảnh cắt từ clip.

Từng chia sẻ với Zing, thạc sĩ Đinh Hồng Anh - giảng viên Báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho rằng ngoài hướng xử lý về pháp luật, cần có những làn sóng phản ứng hay phản đối rõ ràng tới từ cư dân mạng.

“Họ cần tỉnh táo, theo dõi một cách có chọn lọc những nội dung trên mạng xã hội, để không bị cuốn theo hay vô tình tiếp tay cho điều xấu bằng lượt xem của mình”, bà nhận định.

Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cũng đồng tình với ý kiến trên: “Quan điểm của tôi là cái gì không thích thì không xem, không share, cảm thấy rất trái với quan điểm của mình thì report. Rõ ràng, mỗi người phải có hành động thật kiên quyết. Chúng ta không cần phải làm gì đó đao to búa lớn, mà chỉ cần đừng xem vì các kênh YouTube ‘sống’ được là nhờ có lượt theo dõi”.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương