Thơ vui về phái yếu
Nói đến Xuân Quỳnh, chắc hẳn người đọc sẽ nghĩ ngay đến những bài thơ tình say đắm và lãng mạn như: Gió Lào cát trắng, Sóng, Thuyền và biển, Hoa cỏ may…Tuy nhiên, bài thơ Thơ vui về phái yếu lại mang những nét rất riêng: hài hước, hóm hỉnh và có cả những suy tư triết lí về cuộc sống.
"Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa
Có tình yêu và có lời ru...”
Trong bài, Xuân Quỳnh tạo ra sự đối trọng giữa vai trò của đàn ông với phụ nữ. Nếu đàn ông làm những công việc nặng nhọc như lái tàu ngầm, tên lửa, chinh phục đại dương, phụ nữ cũng không kém cạnh khi đảm nhận việc giữ gìn tổ ấm. Người vợ sắp xếp nhà cửa, chăm sóc con cái, chợ búa, cơm nước, ứng xử với họ hàng bên nội, bên ngoại, hàng xóm láng giềng... để người chồng yên tâm công tác.
Nhà thơ Xuân Quỳnh |
Từ đó, Xuân Quỳnh khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ. Họ chính là người mang lại niềm vui, hạnh phúc, an ủi người đàn ông sau thất bại nhọc nhằn. Hơn nữa họ còn sinh ra những đứa con để “tiếp tục giống nòi” và dạy chúng “biết yêu, biết hát”:
“Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát.”
Những câu thơ vừa hóm hỉnh, vừa dịu dàng vừa nữ tính của Xuân Quỳnh cũng là lời khẳng định tầm quan trọng của người phụ nữ. Họ chính là hậu phương để những người đàn ông có thể tạo ra những điều kì vĩ lớn lao.
Mặc dù vậy, Xuân Quỳnh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp đầy nữ tính trong thơ, vẫn khéo léo "nâng cao" vị thế của những người đàn ông. Bằng lời nói mộc mạc, chân thành ở cuối bài. “Thú thực là chúng tôi cũng không sống được/ Không có các anh thế giới chỉ đàn bà”.
Những vần thơ độc đáo cho thấy trong tình yêu hay công việc gia đình, Xuân Quỳnh luôn tận tâm và hết mình. Nữ thi sĩ nhìn cuộc sống với tất cả tấm lòng yêu thương và nhân hậu.
Mẹ của anh
Bài thơ nói về mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu. Bài thơ nhỏ nhắn nhưng dịu dàng, ân cần đầy tình cảm, đã làm rơi nước mắt bao người phụ nữ:
"Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đây thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Ðể cho mái tóc trên đầu anh đen
Ðâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao..."
Chỉ bằng vài câu thơ nhỏ, Xuân Quỳnh đã khắc họa lại những nỗi vất vả chuân chuyên trong cuộc đời của mẹ bằng một sự cảm thông rất sâu sắc. Đó là sự thấu hiểu giữa những người phụ nữ dù là cách nhau 1 thế hệ, sự đồng cảm và yêu thương, trân trọng.
Xuân Quỳnh và chồng - nhà thơ Lưu Quang Vũ cùng con trai |
Và cuối cùng, chỉ bằng một câu thơ bình dị, Xuân Quỳnh đã xóa tan đi tất cả những "vướng mắc" trong mối quan hệ "mẹ chồng - nàng dâu", chị đã làm được những điề mà không phải người phụ nữ nào cũng làm được: “Chắt chiu từ những ngày xưa - Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.
Thuyền và biển
Sau những vần thơ về con người, về cuộc sống, thì những vần thơ tình, dưới góc nhìn và tâm tư của những người phụ nữ của nữ sĩ Xuân Quỳnh mới thực sự khiến người ta xao xuyến và nhớ nhung.
Đây có thể xem như khúc tình ca hay nhất trong gia tài thơ của nữ sĩ. Bài thơ in trong tập Chồi biếc năm 1963.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc cho bài thơ vào đầu những năm 1980. Ông chỉ lấy mười hai câu đoạn cuối. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Đó là đỉnh điểm cao trào của bài thơ. Hơn nữa, như thế vừa gọn, vừa nói lên được đầy đủ ý nghĩa chính của tác giả, và cũng vừa đủ cho một ca khúc trữ tình”.
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố”
Có thể nói, Thuyền và biển là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Cả cuộc đời bà luôn trăn trở tìm một tình yêu lí tưởng. Vì vậy mỗi lời thơ của chị, đều là những khắc khoải, những khát khao tình yêu đôi lứa mãnh liệt.
Sóng
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, nhân chuyến đi thực tế tại Diêm Điền (Thái Bình). Sau đó, Sóng được in trong tập Hoa dọc chiến hào.
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ..."
Qua hình tượng sóng, nhà thơ diễn tả tiếng nói của thiếu nữ đang yêu, khát khao hạnh phúc và vượt lên sự hữu hạn đời người. "Sóng" và "em" sóng đôi, soi chiếu lẫn nhau. Cảm xúc thơ vừa sôi nổi, vừa có chiều sâu của triết lý.
Đây cũng là hình ảnh chủ đạo của Google Doodle kỷ niệm ngày sinh nữ sĩ 6/10.
Thơ tình cuối mùa thu
Thơ tình cuối mùa thu của nhà thơ xuân Quỳnh với những vần thơ trong trẻo, mộc mạc, đó là giai điệu của một bức tình thư vô cùng sâu lắng. Bài thơ in trong tập Tự hát, xuất bản năm 1984.
"...Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sôngĐã yên ngày thác lũ
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãiChỉ còn anh và em..."
Bài thơ được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc với tiết tấu chậm và nhẹ đầy suy tư, khắc khoải, như bức thư tình của một người phụ nữ viết trong buổi chiều, trước thềm nhà đang tràn ngập gió heo may, bầu trời cuồn cuộn mây trắng. Người phụ nữ cảm nhận được thời gian cuộc đời đang trôi đi, đang chậm dần...
Xuân Quỳnh và con trai |
Tự hát
Tự hát dường như là một bài thơ "điển hình" cho chất phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập thơ cùng tên, xuất bản năm 1984. Phụ nữ trong Tự hát rất trân trọng và khao khát tình yêu giữa kiếp người bé nhỏ. Bởi vậy, bài thơ đầy ắp lo âu, e ngại.
"Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu..."
Tự hát là hát về mình nhưng thực chất là hát về tình yêu của muôn người trong cuộc đời, ấy là lời của trái tim, lời của nồng say. Ðó là một Xuân Quỳnh suốt đời tìm kiếm và hướng về một tình yêu thuần khiết. Bài thơ sử dụng rất nhiều động từ chỉ sự nhận thức, cấu tứ vận động theo bước chân kiếm tìm chân lý của người thơ, đi từ mênh mông cuộc đời, từ giá trị của vũ trụ, đến cái tôi- giá trị của chính mình.
Bài thơ triết lý mà không khô khan, mạnh mẽ mà không khô cứng bởi vì trong đó còn chứa rất nhiều tình, rất nhiều chất nữ tính. Bằng nét riêng của mình, Xuân Quỳnh đã lặng lẽ làm một cuộc biến đổi cuộc sống, biến đổi nhận thức trong tình yêu. Thơ ấy làm cho người ta tin hơn cuộc sống.
Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Yêu, tin, và tồn tại...
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, họ đã ở đó, như minh chứng cho những yêu thương với sức mạnh nhiệm màu, của những yêu, tin, và tồn tại...