Giá cà phê giảm mạnh trên các sàn giao dịch quốc tế
Giá cà phê trong nước hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk là 45.000 đồng/kg, tại tỉnh Lâm Đồng là 44.400 đồng/kg, tại Gia Lai: 44.800 đồng/kg, Đắk Nông: 44.800 đồng/kg, Kon Tum: 44.800 đồng/kg, giá giao tại cảng ở TP.HCM là 48.800 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 11/2022 giảm 38 USD (-1.81%), giá đóng cửa ở mức 2,061 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm xuống còn 2.051 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 12/2022 (KCEZ22) giảm 5.45 UScents/lbs (-2.70%), giá đóng ở mức 196.70 cents/lbs. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm còn 193 cent/lb, các mức giảm rất mạnh.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 giảm 17,8% so với tháng trước đó xuống 92.550 tấn. Tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,34 triệu tấn cà phê, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho hay, thời gian qua, các nước tiêu thụ chính trong đó có Mỹ, châu Âu, đồng loạt tăng mạnh lãi suất. Điều này khiến chi phí kinh doanh của những công ty nhập khẩu tăng lên và hoạt động mua hàng cũng trầm lắng. Đây cũng là lý do vì sao hiện lượng tồn kho trong nước vẫn đang thấp nhưng diễn biến lại trái ngược so với giai đoạn tháng 7,8.
Đồng USD tiếp tục tăng khá mạnh so với rổ tiền tệ và hàng hóa trong phiên giao dịch cuối tuần qua trong bối cảnh thị trường vẫn chìm trong nổi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trước thềm làn sóng tăng lãi suất kỳ tiếp theo vào tháng sau.
Thị trường hàng hóa phiên giao dịch đang bị chi phối mạnh bởi sự tăng giá của đồng USD khi ngày càng có nhiều dữ liệu kinh tế được công bố chứng minh trong viễn cảnh ngắn hạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW lớn sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát và hệ lụy làm thị trường lo ngại là sự suy thoái kinh tế trên diện rộng. Các tài sản rủi ro đều bị tháo chạy, cà phê cũng cùng chung số phận.
Trong báo cáo mới nhất, IndustryARC - một trong những công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường hàng đầu trên thế giới, dự đoán, quy mô của thị trường cà phê hữu cơ quy mô sẽ đạt 13,4 tỷ USD vào năm 2027 và tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,3% trong giai đoạn 2022 - 2027.
Một trong những lý do chính thúc đẩy việc mở rộng thị trường là người tiêu dùng trên toàn thế giới ngày càng nhận thức được những lợi ích của thực phẩm và đồ uống hữu cơ. Cà phê hữu cơ đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư, giảm mức cholesterol, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ giảm cân, bảo vệ chống lại các bệnh liên quan đến hệ thần kinh, và ngăn chặn sự chết tế bào quy mô lớn bằng cách ổn định các gốc tự do gây hại trong cơ thể.
Thị trường tiêu trong nước đang diễn biến tiêu cực
Giá tiêu hôm nay ở thị trường trong nước cao nhất là 62.000 đồng/kg, được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, và thấp nhất là 59.500 đồng/kg, được ghi nhận tại Gia Lai.
Tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo), dao động trong mức 60.500 đồng/kg, Bình Phước: 61.500 đồng/kg, Đồng Nai: 60.0000đồng/kg.
Khác với mong chờ hồi đầu năm, thị trường hồ tiêu trong nước diễn biến ngày càng tiêu cực. So với đỉnh mốc, giá tiêu xuống hơn 20.000 đồng/kg, nhiều người ôm hàng đầu vụ "méo mặt". Sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Nhưng cũng qua giai đoạn biến động vừa qua, ngành hàng hồ tiêu trong nước một lần nữa "nhìn lại mình", đánh giá lại để có những bước phát triển mang tính bền vững hơn. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường.
Việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là rất quan trọng. Ngay cả Trung Quốc, thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam cũng đã có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm.
Ông Nguyễn Tấn Hiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu từng đưa ra nhận định hồi giữa năm, khó khăn nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay là vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu ngày càng nhiều. Nhiều loại hoạt chất lạ được phát hiện trên hồ tiêu trong thời gian gần đây. Nguyên nhân có thể do người dân đã bón phân kích thích năng suất nên bị vượt dư lượng. Thuốc cấm vẫn được bán tràn lan trên thị trường với nhiều tên thương phẩm khác nhau.
Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm nhóm hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, một trong vấn đề nổi cộm liên quan đến chất lượng chung của sản phẩm hồ tiêu Việt Nam khi xuất khẩu đó là các hoạt chất tồn dư trên sản phẩm. Nếu chưa đạt ngưỡng theo yêu cầu thì sẽ rất khó vào các thị trường khó tính, như thị trường Mỹ.
Thị trường cao su khởi sắc
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2022 ghi nhận mức 222,9 JPY/kg, tăng 1,9 JPY/kg. Các kỳ hạn giao tháng 11, tháng 12/2022, kỳ hạn 1/2023, 2/2023 tăng gần 1%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 10/2022 đứng ở mức 11.800 CNY/tấn, tăng 40 CNY/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở các kỳ hạn tháng 11, tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023 ở mức tăng gần 1%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu, trong tháng 9, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.445 USD/ tấn, giảm 4,7% so với tháng 8 và giảm 12,7% so với tháng 9/2021. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong kỳ, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 149,43 nghìn tấn, trị giá gần 208 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 8; so với tháng 9/2021 tăng 21,5% về lượng và tăng 4,4% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.392 USD/tấn, giảm 5,6% so với tháng 8 và giảm 14,1% so với tháng 9/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 989,6 nghìn tấn cao su, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Malaysia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 9/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.