4 'ông lớn' ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay từ 1,5 - 2 %/năm

4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) vừa giảm lãi vay từ 1,5 - 2 %/năm trong gói tín dụng ưu đãi hàng chục ngàn tỷ đồng.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chấp nhận giảm lợi nhuận 2.240 tỉ đồng để chia sẻ với các doanh nghiệp. Vietcombank giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến 30/9.

Theo đó, số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5 - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên gần 113.000 tỉ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất  1 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Theo đó, thực hiện chính sách này, lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm khoảng 300 tỉ đồng.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, đối với các lĩnh vực thiết yếu, VietinBank giảm ngay lãi suất 2 - 2,5 %/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 - 1,5 %/năm.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất vay. 
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất vay. 

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cơ cấu giảm nợ cho khoảng hơn 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ 0,5 - 1,2 %/năm. Đặc biệt, BIDV vừa công bố gói tín dụng cá nhân lên đến 50.000 tỷ đồng. Đây là gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh được triển khai từ ngày 6/5/2020 đến 30/9/2020 thay thế cho gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai trước đó.

Với gói vay mới này, khách hàng được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn với các kỳ hạn linh hoạt, phù hợp với từng nhu cầu vay sản xuất kinh doanh. Cụ thể, khách hàng được áp dụng lãi suất chỉ từ 6 %/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và chỉ từ 6,5 %/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay nền kinh tế đạt 481.000 tỷ đồng, bình quân cho vay mới 120.000 tỷ đồng/tháng. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank ưu tiên tập trung thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện miễn giảm lãi cho 500 khách hàng, dư nợ 5.165 tỷ đồng; hạ lãi suất 27.000 khách hàng, dư nợ 40.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mới đây công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 14.000 trường hợp và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm 0,5%-3% mỗi trường hợp.

Tính đến ngày 4/5, ngân hàng đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tương đương 18.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với phân khúc khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương, thời gian vừa qua VPBank cũng song song giải quyết các nhu cầu được giảm, giãn nợ với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỉ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh.

Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) giảm thêm 2-2,5 %/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch...

Nhiều ngân hàng đã dành một lượng tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, đã giảm 2 %/năm lãi suất cho vay VND so với khoản vay thông thường. Ngân hàng Xây dựng (CB) cho hay, sẽ giảm lãi suất cho vay; tùy theo khoản vay, khách hàng có thể được giảm lãi suất tối đa tới 2%/năm so với mức lãi suất cạnh tranh trước đó.

Đồng thời, CB tài trợ phí thẩm định tài sản, hoàn toàn miễn phí trả trước hạn khi khoản vay tròn ba năm. Kể từ tháng 5/2020, CB thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hàng loạt các sản phẩm cho vay như sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, mua ô tô, mua nhà dự án... Các mức lãi suất ưu đãi được quy định/áp dụng đối với từng sản phẩm cho vay và từng thời hạn vay cụ thể.

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, mức giảm lãi suất phổ biến 2 - 2,5 %/năm. Tổng gói tín dụng ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân hơn 300.000 tỷ đồng.

Trong đó, các tổ chức tín dụng bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng, miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000  tỷ đồng và cho vay mới 65.208 tỷ đồng với 354.286 khách hàng.

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương