"Đường hoa": tác phẩm truyện tranh về ước mơ tuổi trẻ

"Đường Hoa" là một tác phẩm truyện tranh với những khung tranh đầy rung cảm, mang đậm sắc màu quê hương, cùng câu chuyện về khát vọng và ước mơ tuổi trẻ.

Khoảng 5 năm gần đây, nền truyện tranh của Việt Nam có sự chuyển sắc rõ rệt. Nhiều đầu sách được xuất bản cũng như đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi có uy tín của thế giới: "Địa Ngục Môn" của Can Tiểu Hy, "Long Thần Tướng" của Thành Phong,…

Mới đây nhất, có thêm một tác phẩm truyện tranh mới ra mắt của tác giả trẻ Lâm Hoàng Trúc có tựa đề "Đường Hoa" đang gây được sự chú ý của độc giả.

Tác phẩm truyện tranh
Tác phẩm truyện tranh "Đường hoa" của Lâm Hoàng Trúc

 "Đường Hoa" là một tác phẩm truyện tranh Việt với những khung tranh đầy rung cảm, mang đậm sắc màu quê hương, cùng câu chuyện về khát vọng và ước mơ tuổi trẻ.

Đó là câu chuyện về Trung, một sinh viên Mỹ thuật sau khi tốt nghiệp đã có một sự nghiệp ổn định tại Thành phố. Thế nhưng đột nhiên, một ngày nọ, anh vứt bỏ hết tất cả, quyết định về quê, bỏ lại sau lưng hoài bão một thời. Cả tập đầu tiên được dành để kể giới thiệu gia cảnh và niềm đam mê của Trung đối với hội họa. Anh sinh ra trong một gia đình gốc Miền Tây có truyền thống trồng hoa,  gia đình không quá giàu cũng chẳng quá nghèo, họ chân chất, thực thà, không cầu kỳ, hoa mỹ. Điều này được thể hiện rõ qua thái độ của người mẹ khi bà nghe đứa con trai duy nhất cứ nằng nặc đòi làm họa sỹ.

Những nét vẽ trong
Những nét vẽ trong "Đường hoa"

Dù tỏ thái độ vậy, bà cũng không cấm đoán hay ngăn cản con trai theo đuổi ước mơ. Khi giấy báo đậu đại học được gửi về nhà, bà cũng mừng như bông trúng mùa, cũng chạy đi khoe khắp xóm: "Trời ơi, cuối cùng nhà mình cũng có người học đại học rồi!!” Mừng vui là vậy, chỉ ngay sau đó, bà nhanh chóng nhận ra có sự đổi khác của con trai. Trung không hề vui, trái lại còn rất buồn. Điều này thật kỳ lạ.

Truyện lại bắt đầu xoay sang góc nhìn của Trung, từ bé, anh đã thực sự đam mê hội họa. Anh vẽ ở mọi nơi, mọi lúc, vẽ cả ngày mà không hề biết chán. Anh sẵn sàn nhịn ăn để mua được hộp màu nước cao cấp, bất chấp mọi thứ để được vẽ. May mắn đến với anh, một người thầy giáo đã nhận anh vào học vẽ miễn phí. Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu của vấn đề. 

“Đường Hoa” không trải một cái thảm đầy sắc hoa tươi thắm hay gieo vào đầu những người trẻ những mộng tưởng về việc theo đuổi ước mơ. Truyện cũng không “đánh đập, vùi dập” nhân vật chính bằng bức tranh hiện thực, mà bằng ngòi bút của mình, tác giả đã vẽ nên khung cảnh Miền tây thơ mộng, sự cô đơn và lạc lõng  của người nghệ sỹ thông qua xúc giác lẫn thị giác. Tầm nhìn của Trung lúc nào cũng hướng về phía trước, lúc nào cũng rộng mở như mây trời, anh không muốn bị bó buộc ở làng quê. Cũng nhờ có suy nghĩ đó, anh lao vào luyện thi, để được lên Sài Gòn, trở thành họa sỹ như mình mong muốn.

Trong quá trình luyện thi ấy, Trung đã nhận ra những thứ không giống với mình suy nghĩ. Anh không phải học viên giỏi nhất, bị chê trách rất nhiều, mọi ảo tưởng về bản thân của Trung bỗng tan vỡ. Không ai công nhận anh nên anh buộc phải cố gắng hết mình, phải thắng trong cuộc đua “Đại học”, kể từ đó, ngòi bút của Trung không còn trong sáng nữa.

Nhân vật Trung được xây dựng khá khác so với kiểu nhân vật điển hình trong những bộ phim/ bộ truyện về hoài bão, ước mơ. Anh không có kỳ phùng địch thủ và những khó khăn anh gặp cũng tương đối nhẹ nhàng. Trái lại, có thể nói rằng: thành công đến với Trung quá dễ; anh đi làm từ năm hai, tranh anh bán rất chạy, anh là sinh viên giỏi, anh còn có cả bạn gái Thành phố, yêu tranh anh vẽ, yêu cả sự ngây thơ ngờ ngệch trong anh. Nhưng Trung vẫn chán nản.

Có lẽ, đây là một vấn đề lớn với một người nghệ sỹ thực sự. Tình yêu hội họa của Trung ban đầu rất thuần khiết và tinh khôi, nhưng càng về sau, nó đã chuyển mình thành sự ganh đua mang màu sắc kim tiền. Khi mà nghệ thuật đã ngả mình thành một thứ gì để mưu sinh, để kiếm sống, sự trong sạch của nó đã không còn. Trung không được vẽ những cảnh đồng quê bát ngát, những cánh đồng cúc bất tận, nơi dung dưỡng tâm hồn anh nữa. Kể từ lúc đặt chân lên Sài Gòn, mọi thứ anh vẽ phải chạy theo quy luật cung cầu, theo thị hiếu của người tiêu dùng. Dần dần, Trung quên mất bản thân lẫn lý tưởng nghệ thuật, trôi theo dòng chảy xô bồ phố thị. Vì vậy anh đã “chạy trốn”. Trốn bỏ phố thị phồn hoa, trở về với làng quê. Anh cứ đắm chìm và rũ bỏ hết tất cả như vậy.

Tác giả Lâm Hoàng Trúc trong buổi ra mắt sách
Tác giả Lâm Hoàng Trúc trong buổi ra mắt sách

Rồi Mai xuất hiện, cô bạn gái người Sài Gòn bị anh “bỏ rơi” đã tìm xuống tận quê để tìm anh. Cô trú lại nhà Trung, phụ gia đình anh bán bông trong hội hoa xuân, cô năng động, hoạt bát nhưng cũng đủ tinh tế để nhận ra vấn đề của bạn trai. Việc để cô xuất hiện nhưng cánh tay chìa xuống, mở đường dẫn lối lại cho Trung. Mai truyền năng lượng tích cực của mình cho người bạn trai đang bế tắc của vũng lầy hư vô, để anh có đủ dũng khí quay trở lại với niềm đam mê mình từng quyết sống chết vì nó.

Trung và Mai cùng rời cánh đồng hoa, cả hai cùng bước tiếp giấc mơ dang dở. Không ai biết khả năng của mình sẽ đi được tới đâu, xa hay gần. Tuy vậy đã có thứ sáng tỏ:

“ Điều anh thật sự muốn đã có sẵn trong tim rồi, chỉ cần anh nhận ra thôi!”

“Đường Hoa” đưa người đọc về với miền Tây sông nước Nam Kỳ, nơi có “ Có mái tóc xuề xòa, có khóe mắt thiệt thà/ Đôi môi xinh hàm rang xít xa/ Người áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà/ Người yên lành như một giấc mơ...”(Qua miền nam –Trường ca: Con đường cái quan – Phạm Duy), rồi qua đó, kể một câu chuyện về tâm hồn nghệ thuật của người nghệ sỹ.

Toàn bộ cả hai tập truyện nhẹ nhàng đưa ta vào thế giới quan của nhân vật, khắc họa nội tâm thông qua những khung hình mang đậm tính điện ảnh. Đôi lúc, tưởng như đang được xem một cuốn phim chứ không phải một cuốn truyện tranh. 

Lâm Trấn Quốc

Vũ Cẩm Nhung ra mắt tự truyện hướng đến phụ nữ

Vũ Cẩm Nhung ra mắt tự truyện hướng đến phụ nữ

"Bao giờ là đúng lúc" của Vũ Cẩm Nhung và Phan Ý Yên chuyển tải thông điệp sống tích cực tới những người phụ nữ khi đối diện với khó khăn