Nguyễn Giang - vì yêu, khiến “Chân cứng đá mềm”

Triển lãm “Chân cứng đá mềm” của họa sĩ trẻ Nguyễn Giang tại Art Space (Hà Nội) chuyển tải đề tài công nghiệp với cách biểu đạt chân thực.

Triển lãm đầu tay của Nguyễn Giang mang tên “Chân cứng đá mềm” là kết quả sau 3 tháng sinh hoạt và làm việc của họa sĩ tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội). Trong 12 tác phẩm trưng bày, với sự nhất quán phương cách biểu đạt chân thực, đều toát lên tâm niệm của họa sĩ: Đề cao hình tượng con người và các thiết bị cơ khí, trong không gian mang đậm tính di sản của nhà máy này. Đó cũng là đề tài bấy lâu nay ít xuất hiện trong xu hướng sáng tác của giới mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Giang và tác phẩm.
Họa sĩ Nguyễn Giang và tác phẩm.

Nhà máy Hỏa xa Gia Lâm (nay là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) được người Pháp thành lập năm 1905, nằm tại giao điểm của 4 tuyến đường sắt ở phía Bắc nước ta, từng là một trong những biểu tượng của ngành Đường sắt Việt Nam nói chung và ngành Công nghiệp Hà Nội nói riêng. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, lá cờ đỏ Búa Liềm đã xuất hiện tại nhà máy này.

Tiếp đó, từ năm 1945 đến 1954, các xưởng sản xuất của nhà máy được chuyển lên chiến khu Việt Bắc, Bắc Ninh để sản xuất vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc sản xuất của nhà máy song hành công tác vừa phục vụ cho xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Trong thời gian này, những chiếc đầu máy xe lửa hơi nước mang tên Tự Lực đã ra đời.

Chùm hình, ảnh về quá trình sinh hoạt và sáng tác tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm của họa sĩ Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V 
Chùm hình, ảnh về quá trình sinh hoạt và sáng tác tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm của họa sĩ Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V 
  Tác phẩm “Nhất thân vinh” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V

Tác phẩm “Nhất thân vinh” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V

Thông qua khoảng thời gian thực hành nghệ thuật nghiêm túc với cường độ cao, họa sĩ Nguyễn Giang đã chia sẻ các góc nhìn gần gũi về đời sống, tâm tư tình cảm hiện diện trong các công nhân, viên chức đã dành gần nửa đời người gắn bó với nhà máy. Chính bởi sự đồng cảm và tình yêu những thành viên của cơ sở công nghiệp đó đã khiến Nguyễn Giang tác thành bộ triển lãm “Chân cứng đá mềm” mà đa phần là tranh khổ lớn, trong đó có bức “Chân cứng đá mềm” có kích thước 240 cm x 800 cm.

Họa sĩ Nguyễn Giang chia sẻ về triển lãm “Chân cứng đá mềm”:

“Thời gian nghiên cứu tư liệu và sáng tác trong không gian nhà máy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Mặc dù là một môi trường công nghiệp nặng và có nhiều phần cứng nhắc và thô ráp, nhưng dấu ấn tình cảm trong công việc của các công nhân, viên chức làm việc tại đây đã khiến cho mọi thứ trở nên dịu dàng hơn nhiều.

Tác phẩm “Lò phản xạ” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V 
Tác phẩm “Lò phản xạ” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V 
Tác phẩm “Xuất xưởng” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V    
Tác phẩm “Xuất xưởng” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V    

Việc dùng tên “Chân cứng đá mềm” cho triển lãm lần này chính là để tôn vinh hình tượng, ý chí của con người, để nói về những tâm tư tình cảm, những câu chuyện, niềm tự hào mà tôi được cảm nhận khi đã có dịp sinh hoạt và làm việc cùng với mọi người ở đây. “Chân cứng đá mềm” là cụm từ thể hiện cho tinh thần bền bỉ, vượt mọi gian khó để không ngừng tiến về phía trước, đồng thời chia sẻ niềm tự hào về ngành công nghiệp cơ khí đường sắt Việt Nam.

“Chân cứng đá mềm” cũng là một lời cầu nguyện mà tôi dành cho bản thân, cũng như những người bạn, đồng nghiệp và những người mình yêu thương. Trong cuộc sống, luôn ẩn chứa những khó khăn và đau khổ. Tôi chưa bao giờ thấy việc gì dễ dàng trong suốt 7 năm hoạt động mỹ thuật, nên luôn cố gắng theo đuổi con đường hội họa đã say mê và tạo dựng sự nghiệp cá nhân. Nhưng chính sự gian nan vất vả đó đã giúp tôi trở thành một người như ngày hôm nay, và tôi rất biết ơn bản thân đã đủ vững tin để vượt qua nó.

Tác phẩm “Chân cứng đá mềm” của Nguyễn Giang.
Tác phẩm “Chân cứng đá mềm” của Nguyễn Giang.
Tác phẩm “Chú Liên” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V 
Tác phẩm “Chú Liên” của Nguyễn Giang. Ảnh: L.Q.V 

Tôi hy vọng có thể truyền tinh thần này đến với mọi người, đem lại cho tất cả thêm một chút động lực để tiếp tục sống là mình, tiếp tục cố gắng, hướng về phía trước, vì nếu chúng ta muốn điều gì đủ nhiều, chắc chắn chúng ta có thể biến nó thành hiện thực.

Trong các khu công xưởng đã từng nhộn nhịp nhất của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, những ký ức về thời gian vẫn còn được lưu giữ qua những bễ rèn, đe búa, những cây quạt công nghiệp… Khi tôi vẽ, lại được nghe mọi người kể kỹ càng về các thiết bị máy móc, tôi thấy thực hào hứng, bởi đã có dịp khám phá thêm nhiều điều. Ở đây, mỗi thiết bị đều có tên riêng, với những ký hiệu như Q10, T70, D03,.. và phải là những người thợ lành nghề lâu năm (như chú Liên - một công nhân U70) mới có thể vận hành được, dù cho có nhiều phần đã được tự động hóa tân tiến hơn. Chính thực tế trải nghiệm đó là nguồn chất liệu tạo cảm hứng để tôi sáng tác bộ tác phẩm cho triển lãm lần này.

Đây cũng là lần đầu tôi duy trì lịch làm việc đủ 8 giờ/ngày, với 90 phút nghỉ trưa và ra về lúc 5 giờ chiều. Cái sự đều đặn đó cùng với việc được chia sẻ những điều mình làm với các cô, chú cán bộ, công nhân viên nhà máy đã giúp tôi có một nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Triển lãm cá nhân đầu tay của tôi là dịp để mình có thể miêu tả cho mọi người những cảm nhận của bản thân qua các bức tranh, đồng thời cũng là dịp bày tỏ lòng tri ân tới nhà máy, tới những gì mình đã được nhận trong suốt quá trình hòa nhập vào đời sống ở không gian di sản công nghiệp này - vừa tĩnh lặng êm đềm, lại vừa huyên náo dữ dội.

Họa sĩ Nguyễn Giang sinh năm 1996 tại Hà Nội. Năm 2021, tốt nghiệp chuyên ngành hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh cũng là người sở hữu cơ sở nghệ thuật “Tình Đầu Studio” và từng có thời gian sống ở Đà Lạt. Với khởi nguồn là sự thực hành trực họa với thiên hướng của ấn tượng và tranh hiện thực, Nguyễn Giang đang gắng vượt thoát khuôn khổ của kỹ thuật và trường phái để tìm đến những giá trị hiện hữu ở đời sống. Chất liệu chính mà anh theo đuổi trong sáng tác là sơn dầu, bởi sự linh động và toàn vẹn của nó sẽ có thể truyền tải được tâm tư, tình cảm của họa sĩ một cách hiệu quả nhất. Nhưng gần đây, Nguyễn Giang đã nghiên cứu thêm một số chất liệu sáng tác khác như acrylic… - đều đã được sử dụng trong bộ tác phẩm của triển lãm “Chân cứng đá mềm”.

Triển lãm “Chân cứng đá mềm” đã được khai mạc ở tối 23.4 và sẽ kéo dài tới ngày 29.4.2024 tại nhà triển lãm Art Space (42 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội).

LÊ QUANG VINH

Hoa hậu Ngọc Hân đồng hành với các họa sĩ trẻ thông qua dự án xưởng sáng tác

Hoa hậu Ngọc Hân đồng hành với các họa sĩ trẻ thông qua dự án xưởng sáng tác

Vài năm trở lại đây, Hoa hậu Ngọc Hân đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hội hoạ.