Họa sĩ Đặng Phương Việt: Tôi muốn nâng niu một hạt bụi tên Sen…

Có bức tôi vẽ từng chút từng chút một như sự thử thách của kiên trì và sen cũng như một hành trình tu tập với nhiều nhân duyên trong cuộc đời

Tôi không rõ mỗi lần đặt bút trên toan để vẽ sen, Đặng Phương Việt nghĩ thế nào, nhưng tôi đã có thể cảm nhận rất rõ được sen Việt vẽ, lâu rồi, đã không còn phải là những đóa sen thông thường nữa, mà sen cũng giống như Trịnh Công Sơn đã viết, là những đóa hoa vô thường của một đời sống nhiều chiêm nghiệm. Trong những bông sen ấy đều có “pháp” ở trong!

GẮN BÓ VỚI TÊN VIỆT SEN

Là một trong những họa sĩ trưởng thành tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Việt tìm một con đường riêng cho mình, anh đã trải qua và thực hành, sáng tạo nhiều tác phẩm, nhiều thể loại.

Trải qua 25 năm miệt mài với sen, giờ đây chỉ cần nhìn bức tranh ở đâu đó, người ta có thể nhận ra đó là sen Việt vẽ, kia là sen nhái Việt, và kìa là sen của các họa sĩ khác… Các tác phẩm về sen do Việt vẽ, công chúng có thể nhận ra ngay lập tức đây là sen do Việt vẽ. Việt Sen đã trở thành một biệt danh đặc biệt của Đặng Phương Việt từ lúc nào không hay.

Họa sĩ Đặng Phương Việt.
Họa sĩ Đặng Phương Việt.

Đời người viết, đôi khi chỉ một đôi câu thơ, một câu chuyện, một chi tiết đắt giá, một cái tên gợi, làm cho công chúng nhớ đến cho dù người ta chẳng biết tác giả đã viết bao nhiêu tác phẩm, vẽ bao nhiêu bức tranh, nhưng để nhắc tới tên mà đi kèm hoặc gợi ngay ra được tác phẩm đặc trưng, thì đó đã là một thành tựu trong đời sáng tạo.

Tôi biết, với Việt, những sắc màu, dáng vẻ, bố cục, hay chất liệu trong tranh của anh không phải là vấn đề quá phức tạp, nhưng cái làm cho tranh sen của Việt trở nên có những tín hiệu riêng, có lẽ bởi anh đã tìm được một con đường riêng cho hoa sen trong tranh của mình. Trong đạo Phật, hoa sen không chỉ đơn giản là một loài hoa đẹp của thiên nhiên, trong kinh pháp, hoa sen luôn có một vị trí vị thế được nhắc tới khá nhiều lần.

Thiên Thai trí giả (Luận đề vi Thiên Thai Trí giả, đóa sen, và kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Paul L.Swanson) đã dùng hoa sen để chú giải diệu pháp: “Nếu không là hoa sen, thì vật gì khác có thể biểu hiện được [thực tánh của] các pháp (sarvadharma)?”.

Họa sĩ Việt Sen tại xưởng vẽ
Họa sĩ Việt Sen tại xưởng vẽ

Ông nhấn mạnh 3 biểu tượng của hoa sen. Biểu tượng thứ nhất: có công dụng đưa ra nhiều nghĩa lý và minh bạch khiến hoa sen có thể diễn đạt pháp vi diệu vô tận. Biểu tượng thứ hai với pháp trừu tượng, như một phương tiện giúp người có thể hiểu và tiếp nhận chân lý một cách trực tiếp, biểu tượng thứ ba là tính đồng nhất của biểu tượng và cái được biểu tượng khiến hoa và pháp đi vào nhau như một thực tại hội nhập.

Hoa sen với họa sĩ Việt Nam có rất nhiều người vẽ, còn với Việt, đó là sự thâm nhập, giống như thâm nhập kinh tạng để thấy “trí tuệ như hải” (trí tuệ như biển), càng miên man với hoa sen, càng gần với chú giải diệu pháp, một bước đường khá vi diệu đối với một người vẽ sen và tu tập Phật pháp theo lối miên mật lâu như Việt Sen. Mọi thứ thấm. Ngấm dần và lúc nào đó, trải từng bước trên toan, từng bông hoa sen như trong kinh Diệu Pháp Liên hoa.

TRONG SEN, CÓ PHÁP

Đã thấy sen của anh trong hiện hữu và trong pháp tướng sinh lão bệnh tử qua đóa sen vi tiếu hàm tiếu, và sen tàn, anh có thể chia sẻ đôi chút về điều này?

Sen Việt vẽ có sen nở trong sương sớm, sen nở trong bình minh, sen nở trong chiều muộn, sen mãn khai, và bây giờ là cả sen tàn. Sen tàn có một vẻ đẹp của sự tàn lụi sau khi cống hiến những tinh khôi, rực rỡ, đóa hoa sen từ từ để lại những khoảnh khắc tàn phai, cái tàn trong sự chuyển hóa. Sự tàn ấy chẳng phải biến mất hoàn toàn, mà là sự chuyển hóa từ vật thể này sang vật thể khác.

Tác phẩm
Tác phẩm "Hương gió sớm", chất liệu tổng hợp.

Tôi muốn nhìn sâu vào sự tàn phai ấy bởi chúng cũng như biểu tượng của đời người và tưởng như sự tàn lụi là hết nhưng không phải. Đó là sen trong sự chuyển kiếp, sinh hồi vãng lai ở một kiếp khác. Đâu đây trong hạt bụi biết đâu có một hạt bụi tên Sen… Tôi muốn xòe tay, nâng niu một hạt bụi tên Sen ấy…

Càng có pháp, những bức tranh sen của anh càng trở nên có hồn, có chiều sâu hơn, và mỗi tác phẩm là một câu chuyện của sự chiêm nghiệm, anh có thể chia sẻ sâu hơn cho độc giả biết?

Vâng. Có những bức sen, tôi vẽ 10 năm mà chưa thể hoàn thiện được. Có nhiều quãng dừng bởi tôi không thể lúc nào cũng vội vã quay cuồng, tôi muốn mình thật chín, thật chỉn chu, bình tĩnh và cẩn trọng khi vẽ sen.

Cũng có bức tôi vẽ rất nhanh, cũng có bức như của quý, cứ từng chút từng chút một như một sự thử thách của kiên trì, nhẫn nại và sen cũng như một hành trình tu tập với nhiều nhân duyên đi cùng tôi trong suốt cuộc đời.

Tác phẩm
Tác phẩm "Diệu liên hoa" 

Tôi muốn ôm tất cả cuộc sống vào trong hoa sen. Tại sao không là màu của cánh đồng lúa vàng, màu ráng đỏ trên mặt hồ, màu nâu điểm chút đỏ gạch của nông thôn Bắc Bộ hay sắc chàm lam của núi non vùng cao vào sen? Tại sao không là màu sắc nhiệm màu trong tâm tưởng mà tôi đã nghiệm được?

Từ sen của sự vô tri cho tới sen của một Việt khác, đó là do nhân duyên tôi gặp thầy của mình ở Tùng Lâm Hương Tích, thầy chỉ cho tôi hoa sen trong đạo Phật có ý nghĩa thế nào, và kinh Diệu Pháp Liên Hoa giúp tôi ngộ ra nhiều điều.

Càng đi, càng vẽ, tôi càng thấy mình như đang bơi trong biển lớn của hoa sen mà có lẽ cả đời cả kiếp tôi cũng chưa thể lột tả hết được hạnh ngộ nhân duyên này.

Tác phẩm
Tác phẩm "Tịnh sen"

Bạn biết không, có một loài sen không như bạn đã được nhìn thấy, mà trong kinh tạng, loài sen ấy có nghìn cánh, gọi là thiên diệp liên hoa, lớn như bánh xe, mỗi đóa sen là một vị Phật. Và đức Phật luôn ngồi trên hoa sen trăm cánh, nghìn cánh, vạn cánh để giảng pháp. Đặc tính của hoa sen được ví với bốn đức thường lạc, ngã, tịnh của cõi Niết bàn.

Anh vẽ hoa sen cũng như một bài pháp trên những bức tranh khổ lớn, nhưng tôi thấy không chỉ là sen thiên nhiên, mà còn trong sự chiêm nghiệm thật đặc biệt trong Phật giáo Việt Nam cũng như Tây Tạng đã thấm nhuần trong tâm hồn và bút pháp của Việt Sen rồi?

Vâng, phải cho đến khi gặp thầy tôi, tôi mới hiểu hoa sen trong nghệ thuật Phật giáo Mật tông có gì đặc biệt. Từng hình dáng bông hoa lúc mới nụ, lúc chúm chím, lúc xòe nở, với các cấp độ màu sắc khác nhau chính là sự biểu thị mức độ, trạng thái của mật tập.

Tác phẩm
Tác phẩm "Vũ khúc liên hoa"

Tâm hoa lúc đó ở trong tâm mình, trong Phật pháp và lúc đó chỉ cần nhìn vào màu sắc, trạng thái của hoa, có thể biết được hoa sen của Green Tara, White Tara hay là Mandala 21 Tara, của Quan Âm hay của Đức Liên Hoa Sinh hay Văn Thù Bồ Tát… Lúc đó biểu tượng hoa sen trong Mật pháp lại nghiêm ngặt và cần tuân theo đúng màu sắc của nghệ thuật Mật tông.

Tôi thực sự học và hành trì được rất nhiều trong các tác phẩm mang đặc trưng của Mật tông. Những điều này bạn hãy cảm nhận qua các tác phẩm, tôi chắc sẽ không thể nói được nhiều, bởi việc chứng ấy, bạn nên tự mình cảm nhận. Những tác phẩm này tôi cũng đang “để dành” cho triển lãm sắp tới.

Quan Âm Bát Tý, chất liệu sơn mài
Quan Âm Bát Tý, chất liệu sơn mài

Thực sự khi vẽ sen trong các tác phẩm mang tính chất Phật giáo Mật tông, lúc đó tôi không thể nào phiêu quá được, mà ngược lại, rất an trú, gửi gắm nhiều nội lực trong bông sen. Hoa sen trong tác phẩm Mật tông, không giống hoa sen Việt. Màu sắc trong hoa sen Mật tông cũng mang những biểu tượng mà người họa sĩ phải nắm được.

Ví dụ sự thanh tịnh của hoa sen có bốn màu sắc biểu đạt. Hoa sen xanh biểu trưng cho sự thanh tịnh của trí tuệ, được tôn xưng hoa đại trí của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đức Đại Thế chí Bồ Tát. Hoa sen hồng khi sen nở sắp tàn, màu sậm lại, biểu trưng cho tình thương, hoa sen đại bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Hoa sen hiện hữu trong câu chân ngôn Om mani padme hum (Om, ngọc quý trong hoa sen). Hoa sen trắng biểu trưng cho sự thuần khiết tối thượng chân thực của Phật tính, tượng trưng cho lòng bi mẫn, cũng là biểu tượng của White Tara (Bạch Đa La), một hóa thân sinh ra từ giọt nước mắt thương xót cho chúng sinh của Bồ Tát Quan Âm. Hoa sen vàng là hiện thân của Đức Phật.

Tác phẩm
Tác phẩm "Thiên diệp liên hoa"

Đi rất nhiều, mỗi chuyến đi như thế thường mang lại cho anh những cảm xúc gì?

Tôi đã đi khá nhiều nước, triển lãm nhiều nơi, Mỹ, Singapore là những nơi tôi đã quen chân. Nhưng thú thực, tôi thích nhất và luôn thường trực trong tâm khảm, đó là những chuyến đi tới những đất nước có nền nghệ thuật Phật giáo phát triển rực rỡ từ cổ đại như Tây Tạng, Bhutan, Ấn, Trung Quốc…

Mỗi lần đi là một lần thêm nhiều kiến thức, sững sờ với sự vi diệu của đạo Phật phát triển bất chấp sự hủy diệt của thường hằng. Và tôi lại như được tiếp thêm năng lượng mới để ấp ủ những sáng tác mới. Tất nhiên, tôi vẫn luôn vẽ sen, bởi vẽ sen cũng là một sự tu tập, mà tu tập, thì biết bao giờ là xong…!

Xin chân thành cảm ơn anh.

Codet Hanoi

Khu vườn tinh khôi của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

Khu vườn tinh khôi của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

Tranh của Nhi đẫm những suy tư triết học về bản thể của mình với những mối quan hệ xã hội và sâu sắc hơn, là sự đối diện với chính mình.