Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” của tác giả Trịnh Lữ (do Omega Plus và NXB Mỹ thuật ấn hành) vừa ra mắt bạn đọc là một tập hợp những tư liệu quý về một gương mặt tài năng. Nó không chỉ đơn thuần thể hiện về sự nghiệp lao động nghệ thuật của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 - 1997), mà còn phản ánh nhiều góc cạnh của xã hội Việt Nam ở đầu thế kỷ 20, trong đó có lĩnh vực mỹ thuật.
Trịnh Lữ từng là tác giả cuốn sách viết về người cha của mình. Đó là “Trịnh Hữu Ngọc - Từ những tác phẩm còn lại”, xuất bản năm 2017. Nhưng sau đó, qua một quá trình miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm các tư liệu, hình ảnh, cùng sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp, bạn bè Việt Nam và quốc tế ở trong và ngoài nước, ông thấy cần phải bổ sung các thông tin mới, khái niệm mới về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng mỹ thuật, để hoàn thiện một ấn phẩm mới đầy đặn hơn về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một người Việt Nam được đào tạo từ cái nôi Trường Mỹ thuật Đông Dương ở đầu thế kỷ 20, đã có nhiều dấu ấn trong hội họa, thiết kế nội thất của Việt Nam, nhưng cũng đầy thăng trầm trong cuộc sống.
Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” của tác giả Trịnh Lữ là một tập hợp những tư liệu quý về một gương mặt tài năng. |
Với gần 400 trang khổ lớn, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, cùng phần viết song ngữ Việt - Anh, cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc qua hành trình lặng lẽ sống và đi, chiêm nghiệm và vẽ không ngừng nghỉ, để đạt đến đỉnh cao là Thiền họa.
Nội dung chính của cuốn sách gồm các phần: Cuộc đời và sự nghiệp (Tuổi thơ, Lập thân, Học nghề, Cách mạng và Chiến tranh, Cuộc đời mới…); Di sản đặc biệt (Tác phẩm từ thời sinh viên, Đồ gỗ Mémo, Tác phẩm minh họa, Tranh sơn ta, Từ Ấn tượng đến Thiền họa…); Bình luận, tưởng niệm (Cảm tưởng, Một số trích đoạn báo chí, Thư gửi thầy giáo…).
Đi từ dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, tác giả đã khắc họa được không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều đổi thay, mà còn nêu bật những đóng góp của cụ cho quê hương trong thời kỳ chiến tranh và giai đoạn xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.
Tác giả cuốn sách, nghệ sĩ thiền họa Trịnh Hữu Ngọc. |
Được đào tạo về hội họa ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, và gặt hái được những thành công cùng sự công nhận với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa sách Hoa Xuân, báo Tri Tân... Qua đó, có thể thấy sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt.
Tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là cách thực hành Thiền họa “mắt nhìn tay vẽ”, thể hiện rất rõ qua kho tư liệu các tác phẩm trong cuốn sách này. Cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn hiện thực thiên về Ấn tượng Tình cảm, đã tạo cơ hội đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những giảng viên mà cụ Ngọc kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé, và từ đó, có thể hiểu được vì sao họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc xứng đáng là Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Giang. Bố làm nghề thợ hàn sống xa nhà, mẹ mất sớm. Lúc 9 tuổi, Trịnh Hữu Ngọc lên tàu vào Nam tìm gặp cha tại xưởng Ba Son, rồi vừa làm vừa tự học trong môi trường này; sau đó làm nghề thầy ký trong Sở Bưu điện Sài Gòn.
Tới năm 19 tuổi, Trịnh Hữu Ngọc thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa 9 (1933 - 1938), Trịnh Hữu Ngọc vừa học vừa phụ giúp ông Nam Sơn (người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Pháp V.Tardieu). Vào năm 1938, ông đã thực hiện một chuyến đi vẽ bằng xe đạp từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Năm 1940, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc dựng xưởng mộc với nhiều máy móc nhập từ Pháp cùng gần 20 người thợ tinh tuyển và đặt tên xưởng là MÉMO Ébénisterie - Nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. MÉMO viết tắt cho chữ “mémoire” - với ý rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi.
Vào mùa thu năm 1945, có một sự kiện lịch sử diễn ra ở Hà Nội: Đó là Lễ Tuyên bố Việt Nam độc lập tổ chức ngày 2.9 tại quảng trường Ba Đình. Chính lễ đài trong buổi lễ long trọng này được lắp dựng bởi sự đóng góp gỗ và những người thợ của xưởng MÉMO, theo đề nghị của các ông Nguyễn Hữu Đang và Ngô Huy Quỳnh.
Còn trước đó, trong căn nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi viết bản Tuyên ngôn Độc lập trên chiếc bàn tròn mang thương hiệu MÉMO và hiện nay, toàn bộ đồ gỗ nội thất MÉMO trong tư gia Trịnh Văn Bô - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự đã sử dụng trong thời gian những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã thành một phần di vật lịch sử quốc gia của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sau năm 1954, ông biến xưởng mộc của mình thành trường dạy vẽ. Xưởng thiết kế nội thất và dạy vẽ của ông rất nổi tiếng thời đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét, Trịnh Hữu Ngọc là “Claude Monet Việt Nam” (Claude Monet là họa sĩ nổi tiếng người Pháp - một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng). Nhiều bức tranh của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã được chính phủ chọn làm quà tặng các chính khách, bạn bè quốc tế khi họ đến thăm Việt Nam.
Dù vậy, cuộc sống của gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cũng thật gian nan, phải nhiều lần thay đổi chỗ ở. Dạo sau năm 1954, như mọi doanh nghiệp tư nhân khác, xưởng MÉMO đã phải đóng cửa, đồng thời đứng trước nguy cơ phải bị đi cải tạo tư bản tư doanh.
Rất may, nhờ sự can thiệp của nhiều người bạn, khi đó đã giữ trọng trách trong chính quyền mới, xưởng MÉMO đã được chuyển giao êm thấm và buộc phải nhường khu nhà xưởng MÉMO ở 78 Hàng Bông Nhuộm cho Sở Công nghiệp Hà Nội, chọn đổi lấy nhà số 108 Quán Thánh để sinh sống. Nhưng, tới năm 1967, trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, ngôi nhà này lại bị bom Mỹ rơi trúng.
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, tại lều vịt Hồ Tây của ông năm 1972 (Ảnh tư liệu của gia đình). |
Được thành phố cấp 250m2 đất ruộng đầu làng Phủ Tây Hồ - gọi là đền bù phần nào cho hơn hai chục ngàn mét đất của gia đình đã bị trưng dụng làm khu biệt thự ở gần đó - cụ Ngọc bèn nhặt nhạnh chỗ gỗ lạt còn dùng được, buộc thành bè, chèo sang bán đảo Phủ Tây Hồ, dựng một căn nhà gỗ nhỏ đơn sơ - tự gọi là “Lều vịt Hồ Tây” - như một người khai khẩn, một mình sống và vẽ, viết, đọc và dịch, thực hành yoga, tiếp đãi bạn bè, cưu mang con cháu…
Xem tranh của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, thấy cụ thường thể hiện những đề tài rất gần gũi, mộc mạc của cuộc sống làng quê Hà Nội lúc bấy giờ, với bồng bềnh mờ ảo, thanh và tịnh, với bát ngát cây cỏ, làng mạc, rặng tre cùng các thửa ruộng còn thơm mùi ngai ngái của những búi rạ sau mùa gặt…
Những bức tranh đó, cùng một số bức mà cụ Trịnh Hữu Ngọc vẽ ở Paris trong năm 1991 - khi trước đó được Tổ chức Trao đổi văn hóa Pháp - Việt mời sang triển lãm gần 300 tranh phong cảnh và tĩnh vật, tất cả đều chung một âm hưởng hòa sắc dịu ngọt, bảng lảng, trữ tình - một kết tinh từ những thu lượm trong quá trình tu nghiệp tại Trường Mỹ thuật Đông Dương…
Bởi có lẽ, với Trịnh Hữu Ngọc, họa sĩ quan niệm rằng, tranh không cần lạ, mà chỉ cần đẹp. Có một điểm đặc biệt ở họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong cả cuộc đời: Chỉ có một triển lãm cá nhân duy nhất ở Việt Nam vào tháng 4.1988 tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội), do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khuynh hướng nghệ thuật, quan niệm sống và phong cách sống của thế hệ con cháu, trong đó nhiều người đều là họa sĩ. Con trai ông, họa sĩ - tác giả - dịch giả Trịnh Lữ, đã trở nên quen thuộc với các độc giả Việt Nam qua phần chuyển ngữ các tác phẩm như “Cuộc đời của Pi”, “Utopia”, “Người trong bóng tối”, “Đại gia Gatsby”, “Rừng Na Uy”… Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội) đã được thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và bà Nguyễn Thị Khang.
Vẽ, với Trịnh Lữ, như hơi thở trong cuộc sống của chính gia đình ông. Tâm sự về ấn phẩm “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”, tác giả Trịnh Lữ cho biết: “Đây không chỉ là cuốn sách dành tặng cho gia đình, bạn bè, mà tôi mong những câu chuyện trong đó sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến với độc giả và giúp cho các nhà nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này. Từ đó, phát triển sáng tạo ngành mỹ thuật Việt Nam hơn nữa”.
Bức tranh sơn khắc "Tiếp quản Thủ đô" của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc có phong cách và kỹ thuật độc đáo. |
Ở một góc nhìn tương đồng, bà Trần Hoài Phương (đại diện Omega Plus) chia sẻ: “Trong cuộc đời làm xuất bản không có nhiều những giây phút như vậy: Lúc mà chúng tôi cảm thấy mình đã may mắn tìm được một viên ngọc quý; là cảm giác được tham gia vào tiến trình đưa di sản tinh thần quý giá đến với các thế hệ tiếp sau, góp chút sức nhỏ bé của mình để giữ gìn một mạch nguồn tinh khiết và tốt đẹp.
Ấn bản 2023 do Omega Plus ấn hành, ngoài các nội dung bổ sung, chỉnh sửa, còn mang những ý nghĩa mới: Cuốn sách xuất bản trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) và đặc biệt hơn là nhân kỷ niệm 26 năm ngày giỗ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - như một nghĩa cử tri ân, đồng thời góp một góc nhìn cụ thể về trường thông qua cuộc đời, sự nghiệp và di sản của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương.
100 năm là cột mốc quan trọng và có lẽ, không gì mang lại vẻ vang cho ngôi trường và những người thầy nhiều hơn những người học trò của mình với các giá trị và đóng góp họ để lại cho hậu thế. Từ góc độ này, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là một di sản đặc biệt của giai đoạn quan trọng trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam: Mỹ thuật Đông Dương.
Di sản của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc không chỉ là các tác phẩm trong hội họa, thiết kế nội thất, mà còn là di sản về tinh thần ông trao truyền lại cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như với các học trò của ông. Điều này nằm trong chính quan niệm rộng mở của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc về nghệ thuật trong lòng cuộc sống, rằng: “Thành người Tự do rồi mới thành Nghệ sĩ”, rằng “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”, “Mắt nhìn tay vẽ” là để thực hiện “hòa bình nội tâm”; và rằng “Thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống”…
Bố Mai của tôi: Ông đã để lại cho thế giới của tôi và mọi người xung quanh những di sản đẹp đẽ
"Một ngày nọ, tôi mới nhận ra, không chỉ là một người bố khác biệt, ông còn là một người bạn tuyệt vời..."