“Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ: Gom góp từng chút dễ thương của cuộc đời

Cuốn sách là câu chuyện đẹp đẽ về những đứa trẻ ở thung lũng Đồng Vang với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Kinh, người Tày.

“Thung lũng Đồng Vang” được tạo thành từ 31 mảnh ghép, là những chuyện kể xoay quanh cuộc sống của đám trẻ vùng cao với thầy cô, bạn bè và người thân. Đó là những câu chuyện về những cô cậu học trò miền núi: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… vừa tinh quái, vừa lém lỉnh, với nhiều “phi vụ” lớn nhỏ, đầy hài hước.

Là chuyện nảy mầm của cây muồng hoàng yến, cái hạt bé xíu được ông thằng Thụy vừa đem về trong lần ghé thăm chiến trường xưa; là chuyện chiếc xe “Bố đã đến” làm ồn cả trường học khi thằng Trương thiếu thông minh thừa tốt bụng phụ bố chở thịt heo tới bếp ăn của trường; hay chuyện đám trò vùng cao chia tay cô thầy về Hà Nội nghỉ hè đầy bịn rịn.

Chuyện những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như thầy Thức, cô Vi vốn là dân Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học. Đám học trò tuổi mới lớn và thầy cô giáo trẻ đã khiến cho lớp học ở ngôi trường phố núi đầy tiếng cười và sự thú vị.

“Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ: Gom góp từng chút dễ thương của cuộc đời

Không những vậy, ở “Thung lũng Đồng Vang” còn có những tình bạn đẹp đẽ, những giá trị văn hóa độc đáo. Nơi đây có người Tày và người Kinh sống chung, vùng yên bình này có ngôi trường cạnh bên dòng sông, có ruộng bậc thang, có núi đồi, thôn bản và thời tiết thay đổi theo từng mùa.

Và “Thung lũng Đồng Vang” còn có những câu chuyện chưa được kể hoặc kể dở dang như bức thư mà ông Kiền – người ông từng tham gia chiến trường K – viết cho Thụy và Thảo. Như chuyện những chuyến xe đường dài của bố mẹ Thụy – Thảo đi dọc dài đất nước.

Rồi người đọc sẽ đầy bất ngờ với nhiều chuyện kỳ thú khác, như chuyện xóm rèn gõ búa ra mưa, chuyện đốt lửa dưới gốc trám để quả trám chín tự rụng xuống, những sinh hoạt thường ngày đầy khí chất miền cao, những buổi dã ngoại của lớp học… Thầy trò Đồng Vang đã biến kiến thức thành những bài học thực tế thú vị, vui nhộn được viết với ngôn ngữ đặc tả hình ảnh vô cùng đặc trưng, chi tiết.

Lạ thay, toàn chuyện giản đơn, ai cũng từng trải qua thời đi học nhưng chẳng hiểu sao chạm vào từng câu chữ của tác giả, mọi thứ lại trở nên trong trẻo và nên thơ đến lạ kỳ. Một cuốn sách nhỏ (chưa tới 240 trang) lại đủ mảng ký ức thật đẹp để đưa người đọc trở về bên mái trường xưa, bên những trò tinh nghịch tuổi mộng mơ. Truyện có cả thơ, nhạc, họa, gom góp từng chút dễ thương của đời.

Tác giả Trung Sỹ chia sẻ rằng những chi tiết như xóm núi, và các địa danh khác là do ông tự nghĩ ra nhưng câu chuyện trong cuốn sách được lấy cảm hứng từ những câu chuyện ông từng được các em học trò kể cho ông nghe trong những lần đi công tác vùng cao. Câu chuyện đẹp đẽ về những đứa trẻ ở thung lũng Đồng Vang với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Kinh, người Tày.

“Thung lũng Đồng Vang” của Trung Sỹ: Gom góp từng chút dễ thương của cuộc đời

Hình ảnh người thầy, người ông, người cha được nhắc đến chính là những người dẫn dắt, che chở và khai mở cho tâm hồn của con trẻ. Bên cạnh đó câu chuyện về tình bạn, văn hóa của người Tày và người Kinh cũng được tác giả phác họa lại một cách chân thực nhất.

Tất cả được “nhào nặn” bởi ngòi bút của tác giả Trung Sỹ cùng với sự minh họa đặc sắc của họa sĩ Hồ Quốc Cường, tác phẩm đã mang đến một nét mới mẻ đặc biệt và đầy tươi vui cho văn học thiếu nhi.

Những câu chuyện quen thuộc của đời sống nhưng đầy thú vị được miêu tả chi tiết và vô cùng đặc trưng, giữ nguyên sự chân thực về nét văn hóa vùng cao. Chính nhờ đó giúp trẻ có thể kết nối vào vùng đất mình đang sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ biết rung động trước những giá trị cao đẹp, biết mơ ước và ấp ủ những giấc mơ cho riêng mình bằng nhiều câu chuyện đẹp đậm chất học trò.

Người đọc đã quen với tác giả Trung Sỹ ở những chuyện kể về đời lính, vậy nên khi đón nhận “Thung lũng Đồng Vang”, ai cũng bất ngờ, thích thú. Nhiều người thắc mắc, “màu” của Trung Sỹ sẽ được thể hiện như thế nào khi kể về tình thầy trò, về chuyện trẻ thơ. Rồi có người hỏi, Đồng Vang ở đâu mà thơ mộng và nhiều thứ hay ho đến thế.

Trong lời mở đầu sách, tác giả Trung Sỹ viết thế này: “Thung lũng Đồng Vang, xóm núi và các địa danh khác là do tôi tự nghĩ ra. Nó có thể trùng hoặc không trùng với tên địa danh có thật. Những câu chuyện xảy ra dưới đây cũng vậy, đều là những chuyện mà tôi được các em học trò kể cho nghe trong những lần đi công tác vùng cao. Để rồi tôi kể lại cho các bạn nghe”.

Dung Trần

'One Piece: Stampede': siêu phẩm manga của thanh xuân quay trở lại sau 20 năm

"One Piece: Stampede": siêu phẩm manga của thanh xuân quay trở lại sau 20 năm

Ra mắt vào năm 1977, One Piece là thương hiệu manga đình đám gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu độc giả trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam