Gắn mác “giải cứu” để bán ngao giá cao, người tiêu dùng cẩn trọng

Sau chiến dịch “giải cứu nông sản”, nhiều mặt hàng lợi dụng thời cơ đã treo bảng “giải cứu” để bán chạy hàng và nâng giá cao.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến nhiều nguồn nông thủy sản của Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, không xuất khẩu được và cũng không bán được. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng,...đã lập nên chiến dịch “ giải cứu ” các loại thanh long, dưa hấu, tôm hùm,.. và đạt hiệu quả ngay sau đó. Tuy nhiên, một số người kinh doanh những mặt hàng khác đã lạm dụng việc “giải cứu” để bán các mặt hàng kém chất lượng, nâng giá bán lừa người tiêu dùng.

Tại các trang mạng xã hội, không ít người muốn bán được hàng đã gắn thêm mác "giải cứu" hoặc bán giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo, không mang tính chất giải cứu.

Theo đó, nhiều người bán hàng online đang rao bán ngao hai cùi với giá rẻ khoảng 50.000-70.000 đồng/kg. Đặc biệt, nếu mua số lượng từ 3kg giá chỉ 35.000 đồng/kg.

Nguồn tin từ VnExpress, nhờ liên tục kêu gọi giải cứu ngao hai cồi với giá 80.000 đồng một kg, chị Hoa bán đắt khách hơn hẳn hai ngày gần đây. Sở dĩ chị rao như vậy vì gần đây ngao hai cùi Quảng Ninh khó xuất khẩu sang Trung Quốc cho nên hàng tồn nhiều, giá giảm một nửa. 

"Với sự ủng hộ nhiệt tình của người mua, có thể hết tuần chúng tôi bán được nửa tấn ngao 2 cùi. Loại này thông thường giá lên tới 150.000-160.000 đồng một kg", chị Hoa chia sẻ.

Ngao hai cùi được kêu gọi
Ngao hai cùi được kêu gọi "giải cứu" trên chợ mạng. Ảnh: Hồng Châu.

Theo Vietnamnet, loại ngao 50.000 đồng/kg là loại nhỏ (khoảng 40-45 con một kg), còn loại ngao to (28-32 con) giá bán vẫn 85.000-90.000 đồng/kg. Tại các chợ, không bán “giải cứu” thì giá ngao bình thường vẫn 80.000-100.000 đồng/kg tùy loại to hay nhỏ.

Theo chị Hảo (Phạm Văn Đồng), chị thường mua loại ngao hai cùi về hấp sả hoặc nướng mỡ hành cho cả gia đình ăn. Thấy đợt này mọi người kêu gọi giải cứu ngao hai cùi nhưng chị cho biết, thực ra là tiền nào của nấy thôi chứ không phải giải cứu nên mới có giá rẻ.

“Tôi mua tại chợ, giá ngao hai cùi bình thường vẫn tầm trên dưới 100 nghìn với loại chỉ khoảng 20-25 con một kg. Còn trên chợ mạng đúng là có rẻ hơn nhưng chỉ là loại ngao bé, không có loại ngao to như thế. Hơn nữa, trên chợ mạng, họ bán giá rẻ hơn một chút nhưng đi kèm với điều kiện phải mua số lượng từ 2-3kg, rồi phải đặt hàng trước đến ngày hôm sau mới giao hàng. Đó là còn chưa tính tiền ship. Do đó, nếu tính ra thì chẳng rẻ hơn được tí nào”, chị Hảo chia sẻ trên Vietnamnet.

Cũng nhờ chiến dịch kêu gọi “giải cứu” bán hàu đại dương “siêu to, khổng lồ: với giá 45.000 đồng/kg, cửa hàng của chị Hằng (Nam Định) mỗi ngày bán được cả tạ hàu.

"Lượng hàng bán ra gấp 3 ngày thường. Nếu cứ mua tốt như này thì hàu sẽ được bán hết nhanh hơn so với dự tính", chị Hằng nói.

Chị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Nghe theo lời quảng cáo hàu to, ngon, hàng giải cứu giá rẻ nên tôi đặt mua 5kg hàu trên chợ mạng, ai ngờ họ giao cho mình cả tảng nguyên đất cát chưa làm sạch, 4-5 con cứ dính chặt vào nhau không tài nào tách ra được. Mua một lần này rồi cạch đến già".

Hàu đại dương bán trên mạng chỉ 45.000 đồng/kg.
Hàu đại dương bán trên mạng chỉ 45.000 đồng/kg.

Theo chị Phương, chủ một cửa hàng hải sản ở chợ Nghĩa Tân, không phải tự dưng mà họ bán rẻ như thế, ngao hai cùi có nhiều loại nên mỗi loại có mức giá khác nhau. Tương tự, hàu cũng như vậy, chả cần phải giải cứu, hàu sữa ngon, làm sạch rồi cũng chỉ tầm 50.000 đồng/kg. Còn loại hàu đại dương chị chưa nghe thấy và cũng không bán loại này.

Không chỉ các loại hải sản lạm dụng việc “giải cứu” ngay cả bưởi, trứng cút…cũng được nhiều người bán than thở kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Cụ thể, trường hợp của chị Trân, 2 tuần trước vừa nói trứng của trang trại gia đình nhà chị không xuất được đi Trung Quốc nên cần được giải cứu như dưa hấu. Giá bán là 30.000 đồng 100 trứng. Cũng nhờ cụm từ "giải cứu" mà hàng tạ trứng nhà chị Trân được đặt mua hết trong ngày.

Trứng cút cũng được kêu gọi giải cứu, rao bán khắp trên mạng. Ảnh: Hồng Châu.
Trứng cút cũng được kêu gọi giải cứu, rao bán khắp trên mạng. Ảnh: Hồng Châu.

Vì muốn giúp đỡ người bán nên chị Loan ở quận 12 cho biết, chị đã mua ủng hộ 200 trứng cút về ăn. Tuy nhiên, sau khi đem về chế biến trứng bị ung nhiều, nhiều trái luộc lên vỡ. "Trứng không róc và ngon như bình thường tôi hay mua nên từ giờ rút kinh nghiệm chỉ nên mua chỗ uy tín", chị Loan bộc bạch.

Trả lời phỏng vấn trên Vnexpress, GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp nói, lạm dụng việc giải cứu sẽ gây tiền lệ xấu cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng giải cứu để trục lợi lại càng khiến môi trường kinh doanh sa sút, chất lượng sản phẩm giảm. Nếu tiếp diễn tình trạng này, người nuôi trồng vẫn cứ làm hàng kém chất lượng trong khi đó người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm nhiều hóa chất, dư thuốc bảo vệ thực vật. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng hơn trước những thông tin bán hàng kêu gọi “giải cứu”. Bởi nhiều mặt hàng gắn mác giải cứu và quảng cáo là hàng xuất khẩu nhưng giá bán và chất lượng hàng bán ra không như quảng cáo. Thậm chí, giá còn cao hơn so với bình thường.

TRÚC BÌNH (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương