Gạo,cà phê, rau quả Việt Nam liên tục theo nhau sang châu Âu

Theo thống kê sơ bộ, chỉ sau 1 tháng thực hiện hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU có thể tăng 15-17% so với tháng 7/2020.

Cà phê, chanh dây cùng đi Châu Âu ngày 16/9

14 container với số lượng 296 tấn cà phê Việt Nam đã được doanh nghiệp Gia Lai xuất thẳng sang Bỉ và Đức trong ngày 16/9.

Đây là lô cà phê đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA . Doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tại Gia Lai. Đây cũng là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Hoa Kỳ.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: KTNT
EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: KTNT

Theo cam kết của EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực từ 1/8/2020, toàn bộ các sản phẩm cà, phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. cam kết này là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia của Việt Nam, với lợi thế cạnh tranh cao. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, trong tháng 8/2020 – thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào EU ước gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020. Thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam sẽ nâng cao các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho cà phê Robusta toàn cầu.

Lô hàng chanh leo 100 tấn đã qua chế biến của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại Gia Lai, được xuất sang châu Âu theo EVFTA. Ảnh: ĐD
Lô hàng chanh leo 100 tấn đã qua chế biến của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại Gia Lai, được xuất sang châu Âu theo EVFTA. Ảnh: ĐD

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cà phê đi Châu Âu phải đảm bảo rất nhiều quy định khắt khe của thị trường khó tính này. Theo đó, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

Công ty Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới mỗi năm, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Niên vụ 2019-2020, công ty này đã xuất sang Châu Âu khoảng 34.000 tấn cà phê, gồm các cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực ngày 1/8, rau quả chính là những mặt hàng nông sản đầu tiên hưởng lợi. EU cam kết xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả Việt Nam.

Cũng trong ngày 16/9, lô hàng chanh dây 100 tấn đã qua chế biến của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại Gia Lai, được xuất sang châu Âu theo EVFTA. Đây là doanh nghiệp có kinh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với hơn 60 thị trường, bao gồm các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu. Trong đó, Châu Âu là thị trường chiếm hơn 65% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty với các đối tác lớn, lâu năm tại Hà Lan, Đức, Pháp, Ba Lan...

Chanh leo là một trong những sản phẩm được thị trường EU quan tâm. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực, và đứng trong top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador,…

Từ 2015 - 2018, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%, tương ứng mức tăng từ 95.000 tấn quả tươi năm 2015 lên 300.000 tấn năm 2018. Kim ngạch từ 19,6 triệu USD tăng lên 66,2 triệu USD. 

Năm 2019, các sản phẩm chế biến từ chanh leo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây: tăng hơn 50% so với 2018. Sáu tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4  triệu, tăng 41% so với cùng kỳ 2019.  

Đầu tháng 8/2020, ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tôm đã được xuất sang EU. Ảnh: Báo Ninh Thuận
Đầu tháng 8/2020, ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tôm đã được xuất sang EU. Ảnh: Báo Ninh Thuận

Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu chanh leo và các sản phẩm chế biến từ loại quả này tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hong Kong, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ….. 

Châu Âu mở rộng cửa đón nông sản Việt Nam

Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tôm đã được xuất sang EU theo EVFTA.

Lô hàng đầu tiên xuất ngay khi EVFTA có hiệu lực, được hưởng thuế suất 0% là 150 tấn gạo của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tại Cần Thơ, xuất ngày 28/8. Gạo xuất là gạo thơm ST20 và Jasmine cho 2 khách hàng từ nước Đức và 1 khách hàng nước Pháp.

Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.

Chia sẻ của doanh nghiệp, trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo Jasmine chỉ có giá chừng 520 USD/tấn, gạo ST20 giá 800 USD/tấn.

Theo Hiệp định EVFTA, mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn gạo được miễn thuế nhập khẩu vào EU, trong đó gồm 30.000 tấn gạo thơm.

EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, là dấu quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại Việt Nam. 
EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, là dấu quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại Việt Nam. 

Ngày 11/9, lô tôm đông lạnh của Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh tại Ninh Thuận, cũng được xuất khẩu vào thị trường EU gồm Anh, Đức, Hà Lan. Đây chính là lô tôm đông lạnh đi Châu Âu đầu tiên theo Hiệp định EVFTA…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngay trong quá trình đàm phán ký kết EVFTA, ngành nông nghiệp được xác định có rất nhiều lợi thế, với 3 trụ cột chính. Trong đó quan trọng là đẩy mạnh thương mại xuất khẩu nông sản ở một số nhóm mặt hàng đang có lợi thế như tôm, cà phê, trái cây, gạo..

Và ngay khi hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp có chuẩn bị đã đón sóng cơ hội này, tập trung đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu để tận dụng được ưu đãi về hạn ngạch thuế quan. Thống kê sơ bộ, chỉ sau 1 tháng thực hiện hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU có thể tăng 15-17% so với tháng 7/2020.

Theo ông Cường, với mặt hàng cà phê, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU sau khi thuế suất giảm từ 15% xuống 0%. Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

EU cũng là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam. Trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua.

Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8/2020. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.

EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, là dấu quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại Việt Nam. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu với 27 nước thành viên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa 7 năm).

HÀ LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương