Tiền điện hỗ trợ sẽ được tính vào kỳ hóa đơn các tháng 5,6,7

Hiện nay, nhiều thông tin trên mạng xã hội, phản ánh từ người dân cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng và ngành điện đã có thông tin giảm giá điện, song hóa đơn tiền điện của các hộ sử dụng vẫn ở mức cao, không thể hiện mức giảm giá như đã nêu.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho hay, giảm giá điện không thể nói là thực hiện ngay mà sẽ được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại công tơ điện của khách hàng.

Như vậy, đối với khách hàng sử dụng điện, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020. Trước đó, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020 (Nghị quyết 41).

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất của Bộ Công Thương liên quan đến giảm giá, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19; đồng thời, giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đảm bảo đúng qui định.

Giảm tiền điện sẽ được tính vào kỳ hóa đơn các tháng 5,6,7.
Giảm tiền điện sẽ được tính vào kỳ hóa đơn các tháng 5,6,7.

Ngay sau đó, ngày 10/4/2020, Bộ Công Thương đã khẩn trương dự thảo Văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) thực hiện giảm giá điện , giảm tiền điện theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 41 của Chính phủ.

Để đảm bảo khách hàng sử dụng điện được hưởng các chính sách hỗ trợ về tiền điện, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị điện lực phải chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện trước, trong và sau khi thực hiện việc giảm giá điện.

Trong quá trình triển khai, Bộ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian. Qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động của dịch COVID-19.

Theo phương án giảm giá điện tại văn bản số 2698/BCT-ĐTĐL gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đã hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh, sẽ giảm giá bán lẻ điện vào tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá hiện hành được qui định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và qui định giá bán điện (Quyết định 648).

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, EVN và các Sở Công Thương thực hiện giảm 10% giá bán lẻ điện cho các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng) được quy định tại Quyết định số 648.

Với các khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, thực hiện giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất. Đối với giá bán buôn điện nông thôn, khu tập thể, cụm dân cư; giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, sẽ được giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định số 648.

Đối với giá bán buôn điện cho khu công nghiệp, chợ, giảm 10% so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định 648. Ngoài ra, văn bản cũng hướng dẫn giảm tiền điện (giá trị trước thuế) trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 mua điện từ các đơn vị trực thuộc EVN. Cụ thể, sẽ giảm 100% tiền điện cho các cơ sở (không phải khách sạn) được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Đồng thời, giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế và khách sạn được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Khảo sát thực tế tại thời điểm này, chị Lê Thị Lý, chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ở phố Bạch Mai, Hà Nội cho hay, mỗi tháng gia đình chị tốn trung bình 8 - 9 triệu đồng tiền điện.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương