Vụ chia lại khẩu trang 3.000 đồng, danh dự của một người thầy không thể xem là chuyện nhỏ!

Thầy giáo chia lại khẩu trang cho học sinh giá 3.000 đồng, Sở GD-ĐT tỉnh nói thầy "không có ý trục lợi", lãnh đạo huyện lại "sốt sắng" chỉ đạo kiểm điểm.

Theo báo cáo của Trường THCS Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) gửi Phòng GD-ĐT huyện này, ngày 7/2/2020, ban giám hiệu trường nhận được "đơn tố cáo" giáo viên nhà trường bán khẩu trang với giá 4.000 đồng/cái. 

Sau khi xác minh, lãnh đạo trường xác định người bán khẩu trang là thầy N.V.T., giáo viên nhà trường. Theo báo cáo, trước đó thầy T. đưa con đi học ở TP Cà Mau và đã mua 2 hộp khẩu trang của một người bán dạo với giá 130.000 đồng/hộp 50 cái (tương đương 2.600 đồng/cái).

Sau đó, thầy T. đem về "chia" lại cho học sinh giá 3.000/cái. Trong đó, con gái ông có lần bán 4.000 đồng/cái do không có tiền thối.

Bán 20 cái khẩu trang, thu về tiền lãi gần… 10.000 đồng, thầy giáo miền Tây bị vạ. Ảnh minh họa.
Bán 20 cái khẩu trang, thu về tiền lãi gần… 10.000 đồng, thầy giáo miền Tây bị vạ. Ảnh minh họa.

Ngày 8/2, hội đồng cuộc họp này bao gồm: Ban giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân, Giáo viên kiêm nhiệm Văn thư và thầy T. Theo báo cáo, kết quả cuộc họp xác định:

"Ông T. có vi phạm như trên, lý do nhận thức chưa đầy đủ về việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của cơ quan chức năng trong thời gian phòng, chống dịch cúm Corona.

Tuy nhiên, ông T. đã thành thật nhận vi phạm của mình và cam kết không tái phạm trong thời gian tới. Do đó, các thành viên dự cuộc họp thống nhất kiểm điểm ông T. và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được tái phạm".

Được biết, tới thời điểm bị "kiểm điểm", ông T. đã bán được 20 cái khẩu trang, thu về tiền lãi gần… 10.000 đồng.

Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Chí Thuần - chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi - cho biết lãnh đạo huyện này đã chỉ đạo phòng GD-ĐT huyện kiểm điểm, xử lý vụ việc trên. 

Khi được hỏi nhận định việc này "có phải chuyện nhỏ xé ra to", ông Thuần khẳng định: "Việc nhỏ thì nhỏ. Nhưng không ai cho phép làm chuyện đó (bán khẩu trang)".

Tuy nhiên, cũng sáng 2/3, ông Nguyễn Minh Luân, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết ông đã nắm vụ việc và xác định thầy T. chỉ "chia" lại khẩu trang trong thời gian mặt hàng này khan hiếm. "Tôi cho rằng thầy T. không có ý trục lợi gì trong chuyện này cả", ông nói.

Báo cáo về sự việc của nhà trường nơi thầy T. công tác lên Phòng GD-ĐT huyện Đầm Dơi. Ảnh: FB Cù Mai Công.
Báo cáo về sự việc của nhà trường nơi thầy T. công tác lên Phòng GD-ĐT huyện Đầm Dơi. Ảnh: FB Cù Mai Công.

Để bạn đọc rõ hơn về lý do thầy giáo T. "bán" khẩu trang cho học sinh với giá 3.000 đồng, xin được trích một đoạn trong bài viết đăng trên mạng xã hội của nhà báo miền Tây Trương Châu Hữu Danh:

"Ở nhà quê, những nơi xa chợ, bà con nông dân có phương thức trao đổi hàng hóa rất hay là "chia lại". Thí dụ trong xóm có ai đó đi chơi xa, khi về thường hay mua sản vật địa phương. Vài người hàng xóm khi sang nhà chơi, nếu thấy thích thì sẽ nói "Anh ơi, chia lại cho tôi một ít".Thường thì giá "chia lại" bằng y giá gốc.Nếu có mang vác thì thêm một chút xíu công, coi như tiền hút thuốc (điếu thuốc chứ chưa tới gói thuốc). Khi "chia lại" thì giá không cao hơn giá thị trường ở nơi đó. Nhưng thường thì "chia lại" ít khi thối tiền. Ví dụ món đó 96.000 đồng thì người ta hay đưa chẵn 100.000 đồng. Coi như tiền hút thuốc.

Người quê hay dùng từ "nài" khi muốn chia lại món gì đó. "Để tôi đi nài ổng chia lại một mớ về xài"...Nài, nghĩa của nó mang ý khiêm nhường, mình sẽ ở kèo dưới để nhờ cậy ai đó giúp cho mình mua lại món đó. Có thể họ không có ý bán nhưng khi "nài" (nài nỉ) thì thường tâm lý sẽ chia lại.

"Chia lại" ở đây là chia sẻ với nhau thứ mà người nào cũng cần, nhưng một người có còn người kia thì chưa có. Nó là mua - bán, nhưng thực chất không phải mua bán. Nó là một thứ văn hóa tình làng nghĩa xóm của người nông thôn."

Thầy giáo miền quê chân chất, chỉ vô tình ứng xử theo lối sống hào sảng, phóng khoáng đậm chất người miền Tây. Ấy vậy mà, cuối cùng thầy giáo phải nhận lỗi trong ngậm ngùi.

Trao đổi với báo chí, thầy T. chia sẻ: "Mình sai thì phải nhận sai thôi, làm kiểm điểm cũng đúng thôi. Mình mua khẩu trang về để chia lại cho học trò, nhưng tình ngay lý gian, lúc đó tôi cũng không biết giá thị trường thế nào. Cấp trên bảo mình sai rồi thì sai".

Biên bản làm việc của quản lý thị trường về việc thầy T. bán khẩu trang y tế cho học sinh giá 3.000 đồng/cái. Ảnh: C.T.V.
Biên bản làm việc của quản lý thị trường về việc thầy T. bán khẩu trang y tế cho học sinh giá 3.000 đồng/cái. Ảnh: C.T.V.

Nam giáo viên cho biết, do học sinh than thở không mua được khẩu trang nên khi thấy có người bán và bản thân đã mua được 2 hộp nên chia lại cho các em học sinh khoảng 20 cái khẩu trang chứ không nhằm mục đích mua bán kiếm lời. Khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thầy trình bày vẫn còn giữ 80 cái khẩu trang. Nam giáo viên cũng cho hay không ngờ sự việc lớn chuyện như vậy khiến bản thân thầy rất buồn lòng. 

Thật vậy, từ một sự việc vô tình của thầy giáo không nhằm trục lợi cho bản thân, chỉ muốn chia lại cho học trò cái khẩu trang - thứ tìm mua khó hơn lên trời giữa thời dịch corona, lại khuấy động cả một miền quê như vậy, liệu có đáng không?

Xin thay lời kết bằng chia sẻ của nhà báo Cù Mai Công trên mạng xã hội facebook:

Thương thầy quá. Có lẽ những ngày này vị thầy giáo quê nghèo khó mà ngủ yên.

Danh dự một con người, đặc biệt với phẩm giá một thầy giáo miền quê không thể coi là chuyện nhỏ!

AN LY (t/h)

Vụ Giám đốc BV Gò Vấp bị tố trục lợi khẩu trang: Công an vào cuộc điều tra

Vụ Giám đốc BV Gò Vấp bị tố trục lợi khẩu trang: Công an vào cuộc điều tra

Liên quan đến vụ Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp bị "tố" trục lợi từ việc gom khẩu trang, Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra và xác minh vụ việc.