3 kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước

Nếu không có đợt bùng phát dịch COVID-19 ngay trước Tết, tín dụng năm 2021 sẽ tăng trưởng khá. Với kỳ vọng kinh tế phục hồi, nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có khả năng đạt 14-15%.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 12%. Nhưng với triển vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tích cực khi đã có vaccine COVID-19, kéo theo cầu tiêu dùng và vay vốn đang tăng nhanh trở lại, nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 14-15%.

Dự kiến vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm, và tinh thần xoay quanh mức 12-13%.

Tăng trưởng cao ngay trong quý đầu năm

Theo Công ty chứng khoán Vndirect, quý I năm nay, tín dụng của nhiều ngân hàng tăng tích cực. Chẳng hạn như ACB, đến hết quý I tăng trưởng tín dụng có thể đạt 3,5%, cao hơn nhiều mức tăng 2,3% của cùng kỳ 2020.

tin-dung.jpg
Nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ lên mức 14-15%. Ảnh: TCTC

 VPBank mức tăng có thể đạt 3,9%, tăng 1,3 điểm % so với cùng kỳ.

Tại các ngân hàng nhóm Big4, tăng trưởng tín dụng quý I cũng được dự báo khả quan hơn nhiều so với năm trước. Như tăng trưởng tín dụng của BIDV trong quý đầu năm dự kiến 2,7%, VietinBank khoảng 2,6%. Cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của cả hai ngân hàng này đều âm, lần lượt BIDV  -1% và Vietinbank -1,2%.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, thường sau Tết tín dụng có xu hướng giảm, nhất là năm nay Tết lại rơi vào tháng 2, nên nhịp giảm chuyển sang tháng 3. Nhưng nhiều khả năng kết thúc tháng 3, tín dụng tăng khoảng 1-1,5% so với cuối năm.

Mức tăng này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hoạt động sản xuất – kinh doanh – xuất khẩu đang có xu hướng phục hồi mạnh.

Ngân hàng cạnh tranh vốn giá rẻ 

Một trong những biện pháp được đánh giá đang tích cực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đó là ngoài chủ động cơ cấu các khoản vay cho khách hàng, các ngân hàng đã tập trung kích thích nhu cầu tín dụng, bằng cách giảm lãi suất hay tung các gói tín dụng ưu đãi.

Điển hình Vietcombank đã mạnh tay cắt giảm đồng loạt lãi suất cho vay  với toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng. Theo tính toán của ngân hàng này, tổng dư nợ giảm lãi suất lên đến  350.000 tỷ đồng, tương ứng khoản lợi nhuận ngân hàng chấp nhận chia sẻ với khách hàng là khoảng 200 tỷ đồng.

BIDV cũng vừa triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô đến 10.000 tỷ đồng, để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn do COVID-19. Đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, xe, tiêu dùng cá nhân, BIDV cũng triển khai gói vay vốn trung dài hạn với quy mô lên tới 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm.

HDBank, OCB, SeABank... cũng thi nhau đều tung ra các gói tín dụng lãi suất thấp, với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng.

12chot_4141f.jpg
Dự báo thời gian tới, cuộc đua vốn rẻ của ngân hàng sẽ nhộn nhịp hơn. Ảnh minh họa

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định sẵn sàng giảm thêm lãi suất cho vay nếu doanh nghiệp có phương án khôi phục sản xuất kinh doanh tốt. Bởi bên cạnh nguồn thu từ lãi vay, doanh nghiệp phát triển tốt sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB, mặt bằng lãi suất năm 2021 sẽ ổn định ở mức thấp, và đây là điều kiện kích cầu tín dụng. Với OCB, năm nay nhà băng phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 25%. Tuy nhiên con số tăng trưởng tín dụng thực tế còn phụ thuộc room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp, và khả năng tăng trưởng của ngân hàng.

Các chuyên gia tài chính nhận định thời gian tới có thể các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay. Bởi đây vẫn là giải pháp kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất – kinh doanh, tận dụng cơ hội khi nền kinh tế phục hồi. Và ngân hàng nào có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ tốt hơn sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh về giá cả cho vay.

3 kịch bản tín dụng năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước

Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất không phải là mấu chốt của tăng trưởng tín dụng. Vấn đề hiện nay là làm sao để đẩy mạnh kích cầu, bởi  nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn, hoặc do dịch bệnh họ trì hoãn thêm. Trên thực tế mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng, bởi vì sức cầu vẫn yếu do dịch bệnh còn phức tạp.

_112755215_mediaitem112755214.jpg
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu dịch COVID -19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý I/2021 và tiêm chủng vaccine đại trà thì tăng trưởng tín dụng tối đa có thể lên 14%. 

Tuy nhiên, với kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng tín dụng có thể tăng nhẹ so với năm 2020, ở mức 12-14%.

Cùng quan điểm, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc VIB, cho rằng ngoài một số ngành được hưởng lợi do đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Vì thế, kích tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào lãi suất, mà là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Anh Tuấn, do diễn biến COVID-19 còn phức tạp, Ngân hàng Nhà nước xây dựng 3 kịch bản tín dụng.

Kịch bản 1, nếu dịch COVID -19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý I/2021 và tiêm chủng vaccine đại trà thì tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14%.

Kịch bản 2 là trường hợp COVID kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, chờ tiêm vaccine thì tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%.

Kịch bản 3 là COVID - 19 kéo dài đến hết năm, tăng trương tín dụng chỉ tăng 7-8%.

Hiện trong thời gian chờ tính toán mục tiêu cả năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng có thể thực hiện hoạt động cho vay ngay, chứ không thay đổi chính sách cấp tín dụng cho các ngân hàng.

H.LINH