7 tháng, Việt Nam xuất siêu 15,23 tỷ USD

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7, dù có xu hướng cải thiện so với tháng trước, nhưng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn rất lớn.

Theo đó, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nền kinh tế tiếp tục có thặng dư thương mại.

Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,34% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%.

7 tháng, Việt Nam xuất siêu 15,23 tỷ USD - Ảnh 1.

Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%.

Trong 7 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1%.

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 9,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 7 tháng qua, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8%; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,9%. Còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước chỉ đạt 11,2 tỷ USD, chiếm 6,2%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.

7 tháng, Việt Nam xuất siêu 15,23 tỷ USD - Ảnh 2.

Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 44,3 tỷ USD giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 16,4 tỷ USD, giảm 11,9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,9 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,4 tỷ USD).

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang gặp khó vì nhu cầu thị trường toàn cầu giảm mạnh. Việc nền kinh tế tiếp tục xuất siêu lớn làm dấy lên nỗi lo sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong thời gian tới. Lý do là, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhưng nhập khẩu giảm chứng tỏ doanh nghiệp vẫn đang thiếu đơn hàng, nên chưa có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

Ngoài ra, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến phương thức tổ chức sản xuất để có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu ngay trên chính thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng luôn theo sát và thực hiện các hoạt động phòng vệ thương mại trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế.

Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng đã và đang phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, nhập khẩu để kịp thời có biện pháp phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nền các ngành sản xuất trong nước./.

TTXVN