ACV được giao quản lý, khai thác 22 sân bay đến năm 2025

22 cảng hàng không, sân bay sẽ do ACV quản lý theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ 7/12/2020 đến hết ngày 31/12/2025.

Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư.

Theo đề án, tài sản gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý tại 22 cảng hàng không, sân bay không tính vào giá trị doanh nghiệp, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ( ACV ).

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam được giao quản lý, khai thác 22 sân bay đến hết năm 2025. Ảnh: VietnamNet
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam được giao quản lý, khai thác 22 sân bay đến hết năm 2025. Ảnh: VietnamNet

Cùng với đó là các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hình thành sau thời điểm cổ phần hóa ACV được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý mà Bộ Giao thông vận tải làm đại diện chủ sở hữu.

ACV được Thủ tướng giao quản lý, sử dụng, khai thác các tài sản này trong thời hạn từ ngày 7/12/2020 đến hết ngày 31/12/2025. Bộ Giao thông vận tải được giao quyết định Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, để bàn giao cho ACV quản lý, sử dụng, khai thác ngay sau ngày 7/12/2020. 

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trong thời gian giao ACV quản lý, sử dụng.

Quyết định cũng nêu rõ ACV chịu trách nhiệm về kinh phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao. Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do ACV được giao quản lý được sử dụng để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không…

Báo cáo tài chính của ACV xác định hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không gồm đường băng, đường lăn, sân đỗ, hệ thống hỗ trợ hạ cánh… tại 22 sân bay có giá trị khoảng 8.550 tỷ đồng. Cùng với đó là 2.787 tỷ đồng vật tư thiết bị dự phòng, hệ thống khí tượng hơn 380 tỷ đồng.

Việc ACV được giao quản lý và sử dụng tài sản hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư này được cho là sẽ mở đường cho doanh nghiệp chuyển sang giao dịch trên sàn HoSE. Hiện cổ phiếu của doanh nghiệp ày đang giao dịch trên UpCOM.

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc hợp nhất tài sản khu bay giúp tăng quy mô doanh thu của ACV so với các công ty cùng ngành trong khu vực, sẽ tăng thêm khả năng huy động vốn ngân hàng để tài trợ cho các dự án đầu tư, mở rộng mới. HSC tin rằng điều này cũng sẽ mở đường cho kế hoạch chuyển sàn sang HoSE, dự kiến năm 2021.

ACV cổ phần hóa từ năm 2015. Do khi cổ phần hóa, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không này vẫn thuộc tài sản nhà nước, không được tính vào giá trị ACV, nên khi đường băng, đường lăn hư hỏng (cụ thể là đường băng, đường lăn tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang sửa chữa), ACV không được phép bỏ tiền sửa chữa lại. 

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương