Trích đoạn tác phẩm của 3 nữ họa sĩ |
Ba nữ nghệ sĩ Hoàng Hương Giang, Trang Thanh Hiền và Đinh Thị Kim Liên thuộc 3 thế hệ, như 3 nguồn mạch cùng gặp gỡ, hợp lưu tại triển lãm “Dòng chảy” - giới thiệu 41 tác phẩm hội hoạ và 3 tác phẩm điêu khắc gỗ. Bao trùm của cuộc hội tụ nghệ thuật này là những cảm xúc nồng nàn, ẩn chứa những giá trị văn hoá sâu sắc.
3 nữ họa sĩ (từ trái sang): Đinh Thị Kim Liên, Trang Thanh Hiền và Hoàng Hương Giang. Ảnh: L.Q.V |
Họa sĩ Hoàng Hương Giang sinh năm 1988 tại Tuyên Quang, tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật (ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Dòng chảy nghệ thuật của Hương Giang tràn đầy xúc cảm qua những bức tranh sen tươi mới nồng nàn, thấm đượm sự bay bổng, nên thơ trong các ý niệm về cuộc đời. Các tác phẩm thể hiện trên chất liệu giấy dó và sơn mài của Hương Giang ẩn chứa một cảm giác mơ màng, siêu thực.
Hương Giang chia sẻ: “Sen không chỉ là một loài hoa, mà còn là một biểu tượng, một tâm hồn. Những đóa sen không chỉ đơn thuần là hoa, mà còn là những hình ảnh ẩn dụ, những giấc mơ...” Với cách sử dụng màu sắc một cách tài tình, Hương Giang đã tạo nên những bức tranh rực rỡ, đầy sức sống của một tâm hồn nữ tính, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Tác phẩm “Cúc xanh tịnh độ” của nữ họa sĩ Hoàng Hương Giang. Ảnh: L.Q.V |
Cũng yêu thích vẻ đẹp hoa sen, dòng chảy nghệ thuật của PGS - TS, họa sĩ Trang Thanh Hiền (sinh năm 1974 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) lại có phần giản đơn, điềm tĩnh hơn, với những suy ngẫm về cuộc đời, những nét văn hoá Phật giáo.
Là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống, Trang Thanh Hiền đến với hội hoạ như một bản năng sáng tạo. Thuần thục với các kỹ thuật đồ họa khắc gỗ và tranh in, các tác phẩm của Thanh Hiền không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân, mà còn là sự đúc rút ra từ những nghiên cứu của chị về nghệ thuật Phật giáo. Ở đó chứa đựng các triết lý nhân sinh và thể hiện ra sự am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống. Với chất liệu mực nho, giấy dó, các tác phẩm của chị được đánh giá cao bởi sự kết hợp độc đáo, hài hoà giữa dáng nét của mỹ thuật cổ và tính hiện đại.
Một số tác phẩm của nữ họa sĩ Trang Thanh Hiền. Ảnh: L.Q.V |
Còn với hoạ sĩ Đinh Thị Kim Liên (sinh năm 1967 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), những tác phẩm của cô như sự chiêm nghiệm về dòng chảy cuộc đời, hiện lên qua những khoảnh khắc thăng trầm từ những trạng thái thực tế của cuộc sống đa sắc, với đề tài chủ yếu về lễ hội và đời sống sinh hoạt làng quê, biểu đạt trên chất liệu sơn mài và giấy dó.
Nữ họa sĩ Kim Liên chia sẻ: “Tôi có duyên với hội hoạ từ nhỏ và cứ vẽ rất bản năng như bao trẻ em khác. Khi được sự chỉ dẫn của các thầy trong trường Đại học Mỹ thuật, tư duy mỹ học và cách nhìn tạo hình được trưởng thành. Cùng với năm tháng, cuộc sống mưu sinh tôi vẫn sống cùng ngọn bút và sắc màu. Những bức tranh biểu hiện những cái tôi yêu. Văn hoá dân tộc Việt Nam làm cho tâm trí say mê và trái tim tôi rung cảm. Tôi yêu đất nước nhỏ bé thơ mộng của mình và xin cảm ơn cuộc đời. Tôi sẽ mãi được cầm bút vẽ tranh”.
Tác phẩm “Lũ trẻ nhảy dây” của nữ họa sĩ Đinh Thị Kim Liên. Ảnh: L.Q.V |
“Dòng chảy” là cuộc gặp gỡ hữu tình đầy duyên phận của ba người đàn bà, ba nữ nghệ sĩ, ba thế hệ và ba khuôn hình - dẫu không giống nhau nhưng có chung một niềm đồng cảm: Nâng cao giá trị văn hóa truyền thống, thông qua các chất liệu và hình ảnh hoa sen, qua đó đưa đến cho công chúng yêu nghệ thuật những niềm hân hoan trong thưởng ngoạn cuộc sống.
Ngoài vẽ tranh, viết sách, tác giả Trang Thanh Hiền còn đam mê sáng tác điêu khắc gỗ. Ảnh: L.Q.V |
Trong khuôn khổ triển lãm “Dòng chảy” còn có một số hoạt động bên lề: Tiếp sau workshop trải nghiệm sáng tạo: “Sắp đặt những cánh sen nghệ thuật giữa các nghệ sĩ và các bạn nhỏ” của 2 CLB mỹ thuật: “G-art studio” và “Cùng bé sáng tạo” diễn ra trong ngày 3/11, tới ngày 9/11 là worshop tạo hình sen trên gốm và art talk về hình ảnh hoa sen trong văn hóa Việt. Tiếp đó, ngày 10/11: Workshop trải nghiệm vẽ giấy dó cùng các nghệ sĩ và art talk về sự “Tự chữa lành” thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật.
Triển lãm “Dòng chảy” của 3 nữ hoạ sĩ Hoàng Hương Giang, Trang Thanh Hiền và Đinh Thị Kim Liên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ kéo dài tới ngày 10/11/2024.
Triển lãm tranh “Về bến lạ” của họa sĩ Lê Thiết Cương lấy cảm hứng từ thi ca
Triển lãm "Về Bến lạ" của họa sĩ Lê Thiết Cương khai mạc tại Viện Pháp tại Hà Nội-L’Espace vào 12/.03/2021