Sáng 4/10, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (INWES APNN) 2024 với chủ đề: “Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững”. Chương trình diễn ra trong 2 ngày, 4 và 5/10 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC).
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam GS.TS Lê Thị Hợp; Bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES), cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và 60 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 300 hội viên nữ trí thức, kỹ sư nữ đến từ 8 Hội thành viên, 35 Chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Những thành tựu quan trọng đó có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học và kỹ sư nữ với những công trình nghiên cứu, những sáng chế có giá trị ứng dụng hữu ích để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước. Với lực lượng ngày càng đông đảo và có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đội ngũ nhà khoa học và kỹ sư nữ đang mạnh mẽ tiến bước và ngày càng khẳng định tài năng, trí tuệ và tiềm năng sáng tạo to lớn trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2024 |
Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thành lập năm 2011, hiện có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ là Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc), Myanmar, Indonesia, Singapore, Philipines và Việt Nam. Đây là lần thứ 2, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam (lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2018). Hội nghị lần này với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững". Hội nghị INWES APNN 2024 được tổ chức tại Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa lớn, nhằm tạo đà cho các hoạt động hợp tác phát triển của Hội Nữ trí thức Việt Nam không chỉ với các đối tác quốc tế, mà còn với các tổ chức, cơ quan, Viện nghiên cứu, Trường Đại học tại Việt Nam. Qua đó, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và trách nhiệm của Hội Nữ Trí thức Việt Nam trong phát huy vai trò đổi mới sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức, kỹ sư nữ nhằm phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Bên lề hội nghị diễn ra sự kiện Triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học nữ, kỹ sư nữ. Tại đây, Ban Tổ chức đã lựa chọn các sản phẩm KHCN và sáng tạo của 40 nhà khoa học và doanh nhân nữ. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có quyền Sở hữu trí tuệ và được ứng dụng rộng rãi; được giải cấp bộ/quốc gia/quốc tế; sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, giá rẻ và sản phẩm có tính sáng tạo mới.
Đây là cơ hội để các nhà khoa học nữ và kỹ sư nữ giới thiệu, quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học của, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các các nhà khoa học nữ, kỹ sư nữ trong hoạt động khoa học công nghệ, triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của các nhà khoa học nữ, kỹ sư nữ trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Lê cùng nhóm sinh viên nữ ngành Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Thủy lợi đã mang đến triển lãm các sản phẩm đã được cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ và thương mại hóa như Nước rửa chén Sapowash, Nước rửa tay Sapohand, Dầu gội đầu Sapohair, Nước mắm tinh chất Cà cuống Leinlep và Xịt côn trùng Organic Power. Lần này, nhóm sinh viên nữ cho ra mắt thêm sản phẩm mới là Thuốc trừ sâu thảo mộc Sapobug. Các sản phẩm này đều là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án khởi nghiệp của sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học từ năm 2019 đến nay.
Sinh viên Nguyễn Thị Lan Anh, lớp 62KTH cho biết “Chúng em thường xuyên cùng cô hướng dẫn tham dự các Hội nghị và triển lãm, đây là lần thứ năm em được tham dự hội nghị như thế này. Tham dự hội nghị là cơ hội để sinh viên chúng em rèn luyện những kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, đàm phán. Từ đó, giúp cho chúng em hiểu thêm về công việc cũng như định hướng tương lai của mình, giúp chúng em phát triển bản thân và đặt mục tiêu cao hơn cho cuộc đời mình”
Còn sinh viên Nguyễn Thị Nhung thì cho biết “Đây là lần thứ năm em được tham dự hội nghị như thế này, chúng em rất vui khi được gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi với nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp, nắm bắt và hiểu được các vấn đề thực tiễn, hiểu biết thêm về nhu cầu của xã hội và các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Từ đó, có định hướng để giải quyết các vấn đề thực tiễn, tích lũy kỹ năng nghề nghiệp và khả năng học tập suốt đời… ”
Ngoài việc tham gia Triển lãm, các nữ sinh viên còn được tham gia 2 hội thảo chuyên đề "Giới và STEM" và "Sức khỏe và Môi trường”. Đây là cơ hội để các em giao lưu học hỏi các nhà khoa học và kỹ sư nữ, các doanh nghiệp để vận dụng vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển bản thân mình.
Các sản phẩm của sinh viên nữ ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Thủy lợi tham gia Triển lãm tại Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2024 |
Hai nữ sinh có nhiều thành tích
Nguyễn Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Nhung (đều sinh năm 2002) là hai nữ sinh đã có nhiều thành tích trong quá trình học tập tại Ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Thủy lợi.
Nguyễn Thị Lan Anh đã đạt giải Ba NCKH cấp Khoa năm 2021 với đề tài “Nghiên cứu nuôi cấy vi tảo và thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư của dịch chiết vi tảo Chlorella Sorokiniana CS4”; đạt giải Nhất NCKH cấp Khoa năm 2023 với đề tài “Nghiên cứu chế tạo dầu gội thảo dược từ cỏ mần trầu và quả bồ kết”; đạt giải Ba cấp Trường cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023, tham dự cấp Bộ với Dự án “Serum thảo dược Beauty Power”; đạt giải Ba NCKH cấp Khoa năm 2024 với đề tài “Nghiên cứu chế tạo nước mắm cà cuống”.
Nguyễn Thị Nhung đã đạt giải Nhì cấp Trường cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022, tham dự cấp Bộ với Dự án “Nước rửa tay Sapohand”; đạt giải Nhất NCKH cấp Khoa năm 2023 với đề tài “Nghiên cứu chế tạo dầu gội thảo dược từ cỏ mần trầu và quả bồ kết”; đạt giải Ba cấp Trường cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023, tham dự cấp Bộ với Dự án “Serum thảo dược Beauty Power”; đạt giải Ba NCKH cấp Khoa năm 2024 với đề tài “Nghiên cứu chế tạo sản phẩm xua đuổi côn trùng dạng xịt từ tinh dầu thiên nhiên”
Nữ sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Thủy lợi tham gia Triển lãm |
Học tập và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ của mỗi sinh viên trong các trường đại học. Ngành Kỹ thuật Hóa học có một số lợi thế khi sinh viên có thể khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu khoa học của mình, đưa sản phẩm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Khi tham gia nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, sinh viên sẽ biết cách để quản lý thời gian một cách hiệu quả, có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề…; giúp sinh viên phát triển bản thân và đặt mục tiêu cao hơn cho cuộc đời mình.
Kết quả nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của hai nữ sinh viên Ngành Kỹ thuật Hóa học đạt được ngày hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các bạn sinh viên và thầy cô hướng dẫn. Đây cũng là điểm khởi đầu đáng khích lệ, tự hào để các em nâng cao khả năng học tập và nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Chúc hai bạn sinh viên nữ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê với nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp!
Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học, kỹ sư nữ
Cần có chính sách ưu tiên cho nữ khoa học khởi nghiệp, tạo điều kiện cho nữ trí thức tham gia nhiều hơn vào các chương trình mục tiêu quốc gia.