Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học, kỹ sư nữ

"Cần có chính sách ưu tiên cho nữ khoa học khởi nghiệp tạo điều kiện cho nữ trí thức tham gia nhiều hơn vào các chương trình mục tiêu quốc gia." -GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính

Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt các đại biểu tham dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (INWES - APNN) năm 2024 và lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Buổi gặp mặt có sự hiện diện của nhiều vị lãnh đạo cấp cao và các nhà khoa học nữ tiêu biểu, trong đó có GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; Bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES), Bà Juana Torrano Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (INWES - APNN).

Mở đầu buổi gặp mặt, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, đã báo cáo với Thủ tướng về những thành tựu nổi bật mà Hội đạt được trong 13 năm qua. Bà khẳng định được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển của đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng, Hội Nữ trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tập hợp, thu hút được gần 6.000 hội viên phát triển hội viên ở 12 tỉnh/thành phố, 31 viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Hội đã có nhiều hoạt động phong phú, phát huy thế mạnh, tích cực thực hiện công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, đóng góp ý kiến về các chính sách kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ trí thức nói riêng; phát huy thế mạnh, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo; đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quốc tế…

GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học, nhưng để các nhà khoa học nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng và cống hiến nhiều hơn cho khoa học, cần có thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực. Bà cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập quỹ hỗ trợ nhà khoa học nữ khởi nghiệp, biến những ý tưởng nghiên cứu thành hiện thực. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu tâm huyết của các nhà khoa học nữ vẫn còn nằm trên giấy, chưa được ứng dụng vào thực tiễn. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực trí tuệ quý giá mà còn ảnh hưởng đến sự nhiệt huyết, động lực nghiên cứu sáng tạo của họ.

Vì vậy, GS.TS Lê Thị Hợp đề xuất Chính phủ cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ nữ khoa học khởi nghiệp, giúp họ biến những nghiên cứu của mình thành sản phẩm, dịch vụ hữu ích cho xã hội. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho đội ngũ nữ trí thức tham gia sâu hơn vào các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng quan điểm với những chia sẻ của GS.TS Lê Thị Hợp, TS. Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) và GS.TS. Juana Torrano Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp vào sự phát triển khoa học. Bà đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là sự vươn lên của các nhà khoa học nữ Việt Nam. 

"Khi phụ nữ được tạo điều kiện thuận lợi, họ sẽ có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của khoa học và xã hội" - TS. Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) bày tỏ niềm vui mừng khi được tham dự hội nghị, nơi bà nhận thấy sự hiện diện rõ nét của bình đẳng giới trong khoa học và có cơ hội trao đổi với các đồng nghiệp về những nghiên cứu đang được tiến hành.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Hội nghị INWES – APNN 2024, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các nhà khoa học, kỹ sư nữ trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của nhân loại, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng trí thức, coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia", đồng thời kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Việt Nam luôn đề cao vai trò của phụ nữ, nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng bày tỏ sự vui mừng trước những hoạt động phong phú, thiết thực của Hội Nữ trí thức Việt Nam trong thời gian qua, góp phần tạo ra các diễn đàn khoa học, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu cho phát triển. Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức, phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo, tài năng, tâm huyết của mình.

Thủ tướng cũng mong muốn Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam; đồng thời kết nối, tạo điều kiện để nữ trí thức Việt Nam tiếp cận, học hỏi và có cơ hội làm việc, trao đổi, hợp tác quốc tế.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn có được ngày càng nhiều thành quả thiết thực, ý nghĩa hơn nữa từ Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế nói chung, và Hội Nữ trí thức Việt Nam nói riêng.

Trước đề nghị của Hội Nữ trí thức về việc thành lập Quỹ hỗ trợ các nhà khoa học trẻ nữ, Thủ tướng đã giao Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ đại biểu tham dự cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ đại biểu tham dự cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Diệu Thuần

Ngày mai: Khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình dương-APNN 2024

Ngày mai: Khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình dương-APNN 2024

Sáng mai (4/10), Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình dương-APNN 2024 chính thức khai mạc.