Ngày mai: Khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình dương-APNN 2024

Sáng mai (4/10), Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình dương-APNN 2024 chính thức khai mạc.

Được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), khu công nghệ cao Láng, Hòa Lạc, Hội nghị quy tụ của 60 đại biểu quốc tế đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 300 hội viên nữ trí thức, những nhà khoa học, báo cáo viên đến từ 8 Hội thành viên, 35 Chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam. Bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) và bà Juana Torrano Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INWES APNN) tham dự Hội nghị và phát biểu tại buổi khai mạc.

Ngày mai: Khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình dương-APNN 2024

Đây là lần thứ 2, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam. Lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2018. Hội nghị lần này với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong khoa học và công nghệ vì một tương lai bền vững" . Hội nghị là sự kiện đánh dấu sự tiên phong của Hội Nữ trí thức Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những thành tựu đó, có sự đóng góp to lớn của đội ngũ nữ trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học và kỹ sư nữ. Các chị đã khẳng định tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo của mình qua những công trình nghiên cứu có giá trị, những phát minh đột phá, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước.

Đoàn Việt Nam tặng tranh cho đoàn Mông Cổ tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nư khu vực Châu Á-Thánh Bình Dương -APNN 2023 tổ chức tại Mông Cổ
Đoàn Việt Nam tặng tranh cho đoàn Mông Cổ tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nư khu vực Châu Á-Thánh Bình Dương -APNN 2023 tổ chức tại Mông Cổ

Trong số gần 6000 hội viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam, nhiều chị được tôn vinh trong nước và quốc tế, được nhận các giải thưởng khoa học như: Giải thưởng Nhà nước về KH-CN, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Vifotex, các giải quốc tế, các giải thưởng của Quỹ nước ngoài (Quỹ Sophia Kovalevskaia, Quỹ L’Oreal-UNESCO) dành cho các nhà khoa học Nữ và được nhận nhiều danh hiệu tôn vinh cao quý khác. Hai hội viên của Hội được phong danh hiệu Anh hùng Lao động là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, người đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất cao, chất lượng. Là Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên, người đã làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà như sản xuất vắc xin trong chiến trường khu V -chống Mỹ; Nghiên cứu sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt - Vắc-xin thế hệ 1 thành công…

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đi cùng với đó là những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, nữ trí thức Việt Nam đã từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò quan trọng của mình.  

Tuy nhiên,  cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại và hạn chế: Tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực khoa học, công nghệ vẫn còn thấp so với tiềm năng; cơ chế chính sách, môi trường làm việc chưa thực sự thuận lợi để phụ nữ phát huy hết khả năng của mình; việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các lĩnh vực mà phụ nữ quan tâm vẫn còn hạn chế.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học và công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Toàn cầu hóa đã mở ra cho Việt Nam cũng như  các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực những cơ hội to lớn để tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, toàn cầu hóa cũng đặt ra không ít thách thức. Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, và yêu cầu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ là những vấn đề mà các quốc gia đặc biệt quan tâm.

Để tận dụng tối đa những cơ hội và vượt qua những thách thức, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cần có một nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo và đổi mới để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ cần tiếp tục quan tâm, đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, đặc biệt là nữ trí thức phát huy hết khả năng của mình. Việc xây dựng một hệ thống chính sách khoa học công nghệ phù hợp, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu, và tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo là vô cùng quan trọng. Song song với đó,  tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Việc tham gia các chương trình hợp tác, trao đổi học thuật sẽ giúp đội ngũ trí thức, nữ trí thức tiếp cận những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất trên thế giới và nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng.

Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực chấu Á-Thái Bình dương-APNN 2024 là dịp để các nhà khoa học và kỹ sư nữ trong khu vực cùng nhau nhìn lại những thành tựu đã đạt được mà còn là cơ hội để cùng nhau hoạch định những hướng đi mới, những mục tiêu cao cả hơn trong tương lai. Đồng thời, là một minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của phụ nữ trong khoa học. Thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn và thành công, mọi người sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả để nâng cao năng lực và vai trò của các nhà khoa học nữ trong những vấn đề được quan tâm như chủ đề mà Hội nghị đã đề ra: “ Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững”.

Sau khai mạc, chiều ngày 4/10 diễn ra hai hội thảo chuyên đề.

Chuyên đề 1: Giớivà STEM với bài phát biểu đề dẫn của GS.TS. Jung Sun Kim, Nguyên Chủ tịch INWES, Phó Chủ tịch, Đại học Dongseo “ Văn hóa STEM và khoảng cách trong nhận thức về rapf cảm giới tính”

 Các báo cáo viên gồm:

  • GS.Battsengel Baatar, Ủy viên Hội đồng INWES và Mạng lưới phụ nữ làm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học Mông Cổ (WSTEM)

Những nhân tố ảnh hưởng đến khoảng cách gới trong khoa học công nghệ ở Mông Cổ: Phân tích  đánh giá

  • GS. Yoko Nameki, Giáo sư đại học Chuo University

Thiên vị vô ý thức trong STEM:  Tác động đến lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ và sự toàn vẹn của công nghệ AI

  • ThS. Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp (COSTAS), Hội Nữ trí thức Việt Nam (VAFIW)

Giáo dục STEM và phụ nữ  STEM ở Việt Nam

  • TS. May Rose Imperial, Quản lý Dự án, Hội đồng công nghệ Philippine (PTC)

Rèn rũa tương lai bền vững: Đạm giá tác động của dự án W.I.S.E.R về  kỹ sư nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

  • GS. Rie Yamaguchi, Đại học Aoyama Gakuin University

“Tổng quan tài liệu về hệ thống thông tin và kỹ sư nữ: tập trung và định dạng giới

  • Ms. Megh Ranjani Rai, Chuyên gia kỹ thuật về giới và khắc phục thiên tai

“Sự lãnh đạo của phụ nữ trong các trường hợp khẩn cấp: Thách thức, cơ hội và vai trò của kỹ sư nữ trong ứng phó nhân đạo

  • TS. Lâm Thị Loan, Đại học Khánh Hòa

“Nữ lãnh đạo lĩnh vực STEM tỉnh Khánh Hòa- Thực trạng và Giải pháp”

  • GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Hội Nữ trí thức Hà Nội

“Phát triển tư duy kỹ thuật cho nữ sinh qua dạy học STEM ở trường phổ thông”

  • Ir.Rusnida Binti Talib, Ban kỹ sư nữ, Viện Kỹ sư Malaysia

“Chiến lược quan trọng khuyến khích phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở Malaysia”

  • Ming-Hsiu Mia Chen, Trường Công nghệ và Kỹ thuật, Đại học quốc gia chính quy Đài Loan

“Trong   HER EYES,  nhận thức về các nhà khoa học của các nữ sinh bản địa”.

Hội thảo 2, chủ đề “Sức khỏe và Môi trường” với bài phát biểu đề dẫn của GS. Chao-Ping Hsu, Viện Hóa học,  Viện  Academia Sinica,  Phó Chủ tịch Hội nữ khoa học công nghệ Đài Loan (TWiST)

“Phụ nữ trong Khoa học Công nghệ ở Đài Loan: Hành trình 4 năm (2021-2024).

Các báo cáo viên, gồm:  

1.GS. Kong-Joo Lee,  Đại học Ewha Women University, Hàn Quốc

Mạng lưới JIPHYUN  là nền tảng cung cấp các thông tin khoa học và kỹ thuật đáng tin cậy về sức khỏe, biến đổi khí hậu, thực phẩm và nông nghiệp”

  • GS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao (HATRI)

“Giải pháp giảm thiểu rủi ro thiệt hại lên ngành sản xuất lúa gạo dưới tác động của biến đổi khí hậu”

  • PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam

“Chế độ ăn lành mạnh, giảm tác động môi trường và đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững tại Việt Nam”

4.Nguyễn Thị Ánh Dương, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam

“Tác động của việc chuyển đổi các kiểu sử dụng đất tới cấu trúc quần xã tuyến trùng sống trong đất rừng nhiệt đới ở Việt Nam”

  • GS.TS. Ts. Urantsetseg, Đại học Khoa học Công nghệ Mông Cổ

“Khả năng sử dụng vật liệu cách nhiệt sinh thái len long cừu Mông Cổ trong tòa nhà xanh”

  • GS.TS.Vũ Thị Thu Hà, Phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ lọc hóa dầu, Bộ Công Thương (MOIT)

“Một vài kết quả định hướng nghiên cứu phát triển quy trình hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon”

  • Bà. Azusa Akiyama, Giám đốc điều hành, Hệ thống Hitachi Nhật Bản

“ Vai trò then chốt của phụ nữ trung niên với tư cách là người cố vấn và hình mẫu”

  • PGS.TSKH. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam

“Biến đổi khí hậu và rủi ro dịch bệnh: xây dựng mô hình hệ thống cảnh báo sớm ứng phó với sốt xuất huyết ở Việt Nam”

  • Trương |Thị Giang, Khoa Khoa học Sức khỏe, Đai học Công nghệ Đồng Nai

“Khảo sát mức độ đề kháng do vi khuẩn escherichia coli gây nhiễm khuẩn huyết tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai 2023-2024”

  • Ryo Kimura, Kiến trúc sư & Kỹ sư môi trường nông thôn, Mang lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Nhật Bản (JNWES)

“Học công nghệ phát triển bền vững từ kiến trúc truyền thống Nhật Bản”

  • GS.TS. Lê Mai Hương, Hội Nữ trí thức Việt Nam

“Sản phẩm kết hợp giữa nấm dược liệu và cây thuốc để hỗ trợ điều trị chứng suy giảm trí nhớ và bảo vệ não”. 

Đoàn Việt Nam tại Mông Cổ
Đoàn Việt Nam tại Mông Cổ

Nguyệt Nhi

Hội nghị INWES-APNN 2024: Đề cao vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ và hội nhập

Hội nghị INWES-APNN 2024: Đề cao vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ và hội nhập

Hội nghị INWES-APNN là hoạt động có ý nghĩa lớn, được tổ chức hàng năm và theo hình thức luân phiên giữa các nước trong khu vực.