Bệnh Marburg nguy hiểm như thế nào?

Virus Marburg được WHO đánh giá là cực kỳ nguy hiểm và xếp vào nhóm nguy cơ cao nhất.

Virus Marburg (Marburg Virus Disease – MVD) là một virus RNA thuộc họ Filovirus, cùng họ với virus Ebola, đây là loại virus lây truyền từ động vật sang người, gây sốt xuất huyết và xuất huyết nghiêm trọng ở nhiều bộ phận trong cơ thể. Vật chủ ban đầu chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, có tên gọi Rousettus aegyptiacus. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong các ca bệnh trong đợt bùng phát đầu tiên năm 1967 là 24%, song tăng lên 83% trong đợt dịch ở Congo năm 1998-2000, tiếp tục tăng lên 100% vào năm 2017 khi lây lan ở Uganda. Theo đó, tỷ lệ tử vong dao động từ 23% đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus và cách giám sát và điều trị ca bệnh.

Giống với Ebola, virus Marburg gây sốt xuất huyết – được gọi sốt xuất huyết Marburg, người bệnh sẽ sốt cao đột ngột và chảy máu ở nhiều bộ phận của cơ thể, gây sốc, suy tạng và tử vong nhanh. 

Bệnh Marburg nguy hiểm như thế nào?

Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 88% và lây lan giữa người với người qua tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc bị tổn thương với máu, dịch tiết, cơ quan hoặc chất dịch cơ thể khác của người bệnh, và với các bề mặt và vật liệu như giường ngủ, quần áo bị nhiễm các chất dịch này.

Ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, trong giai đoạn từ ngày 7/1 – 7/2 ghi nhận tại Guinea Xích đạo (quốc gia ở Tây Phi) có 9 người tử vong và 16 người có triệu chứng sốt cao, nôn do sốt xuất huyết Marburg

Virus Marburg là loại virus rất nguy hiểm, xét về độ kịch độc thì Marburg gần như không có đối thủ. Nếu như Dengue, Zika thuộc họ Flaviviridae chỉ thuộc nhóm nguy cơ số 2 – tức không quá nghiêm trọng và có thể điều trị, phòng ngừa thì Marburg lại được xếp vào nhóm nguy cơ số 4.

Các triệu chứng phát triển theo từng giai đoạn như sau:

Thời gian ủ bệnh: Thời gian này thay đổi từ 2 - 21 ngày.

Bắt đầu: Bệnh bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu nghiêm trọng.

Ngày thứ 3: Có thể tiêu chảy nặng, đau bụng, buồn nôn và nôn.

Ngày thứ 5 - 7: Các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng có thể xuất hiện và các trường hợp tử vong thường bị chảy máu từ nhiều nơi trên cơ thể.

Tử vong thường xảy ra khoảng ngày thứ 8 - 9: Những trường hợp tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng ngày thứ 8 - 9 sau khi khởi phát triệu chứng, thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc, theo WHO.

Bệnh có triệu chứng giống với các bệnh sốt xuất huyết do virus khác, bao gồm bệnh do virus Ebola, sốt rét, thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và cả dịch hạch.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng ngừa. Do đó người bệnh sẽ được điều trị theo nguyên tắc phát hiện, điều trị sớm, giảm thiểu các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế, nhân viên nhà tang lễ,... cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định an toàn trong phòng chống dịch. Đặc biệt, các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cơ thể cần được bao phủ hoàn toàn trong bộ quần áo bảo vệ với hệ thống khí thở nội bộ. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng đồ bảo hộ như: đeo găng tay, đeo tháo mặt nạ, kính bảo vệ, áo choàng,...

Các thiết bị y tế đảm bảo được khử trùng đúng quy định. Hạn chế tối đa việc đi tới những nơi đang có dịch. Mọi trường hợp nghi ngờ cần cách ly y tế ngay và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sớm. Đồng thời giữ gìn môi trường sống luôn sạch sẽ, tuyên truyền giáo dục cộng đồng về các kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch.

Chăm sóc hỗ trợ chủ yếu là bù nước bằng cách uống nhiều nước hoặc truyền nước, và điều trị các triệu chứng cụ thể giúp cải thiện khả năng sống sót.

Thanh Mai

TPHCM: Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng 24,34%

TPHCM: Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng 24,34%

Ngày 31/3, Cục Thống kê TPHCM có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM quý I/2023.