Ca tử vong thứ 26 là bệnh nhân 418, còn 20 bệnh nhân khác tiên lượng xấu

Bệnh nhân 418 tử vong ngày 12/8 được xác định nhiễm Covid-19 trước đó, hiện còn 20 bệnh nhân nhiễm COVID-19 năng, tiên lượng nặng và nguy kịch.

Tối 18/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân số 418 tử vong do bệnh lý nền nặng.

Bệnh nhân số 418, nam, 61 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng, đã tử vong hôm 12-8 vừa qua sau khi có 4 kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tuy nhiên, trường hợp tử vong đặc biệt do bệnh nhân đã có 4 kết quả xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, nhưng ngay sau khi có kết quả âm tính thứ 4, bệnh nhân tử vong. Cụ thể như sau:

Bệnh nhân 418 là nam, 61 tuổi, địa chỉ Thanh Bình, Hải Châu, Đà Nẵng. Tiền sử COVID-19, tăng huyết áp, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh nhân đã được xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2 vào ngày 4-8, 10-8, 11-8, 12-8. Chiều ngày 12-8, bệnh nhân tử vong do các biến chứng của suy thận mạn tính tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Chẩn đoán khi tử vong: choáng nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa tạng không phục hồi, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Cũng trong chiều 18/8, tại Bộ Y tế đã diễn ra buổi hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân COIVD-19 giữa các chuyên gia đầu ngành và đầu cầu một số bệnh viện trên cả nước. Thông tin tại buổi hội chẩn cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có 20 bệnh nhân tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó 13 ca rất nặng, 7 ca tiên lượng nguy kịch và nguy cơ tử vong...

Thông tin tại cuộc hội chẩn trực tuyến các ca bệnh COVID-19 nặng diễn ra chiều ngày 18/8, do Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và Hội đồng chuyên môn tổ chức cho biết, hiện các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị có khoảng 20 bệnh nhân COVID-19 tiên triển rất nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO, trong đó có 13 tiến triển rất nặng, 7 ca tiên lượng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang...

Thông tin từ đầu cầu Trung tâm y tế Hòa Vang hiện đang điều trị nhiều ca bệnh, trong đó có một vài bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hơn với các triệu chứng khó thở trên nền suy thận mạn.

TS Đỗ Ngọc Sơn- Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ tại đây và cho biết, Trung tâm y tế Hòa Vang hiện có 10 bệnh nhân điều trị hồi sức, trong đó có 5 bệnh nhân thở máy, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, sức khỏe kém. Trung tâm đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng cho những bệnh nhân suy kiệt do phải nằm viện lâu ngày. Các bác sỹ cũng xin ý kiến các chuyên gia về tình hình điều trị đối với bệnh nhân 761, 83 tuổi.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, có 2 bệnh nhân phải sử dụng ECMO. Đó là BN 416 và BN 742. Hai bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn đề nghị xem xét vấn nhiễm trùng bệnh viện, tìm nguyên nhân xem xét vấn đề kháng kháng sinh đối với một số vi khuẩn bệnh viện. Qua phân tích các chuyên gia nhận thấy tình trạng của bệnh nhân này khá giống với ca bệnh 91. 

Tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) hiện có 2 bệnh nhân nặng đang phải thở máy, trong đó bệnh nhân có tiền sử COPD hơn 10 năm và trên nền ung thư miệng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là BN 812 hiện đang được theo dõi sát.

Các chuyên gia đã tập trung vào hội chẩn các ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy, ECMO... Tại buổi hội chẩn các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về vấn đề sử dụng thuốc phù hợp, điều chỉnh dinh dưỡng... Các chuyên gia đề nghị bệnh viện phải làm sao thông thoảng bệnh phòng và phòng làm việc của nhân viên y tế. Tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viên; sử dụng hệ thống để đảm bảo không khí được lưu thông

Đặc biệt các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho bệnh nhân COVID-19 nặng giúp cho người bệnh nâng cao thể trạng, nhanh chóng được hồi phục sức khỏe tiến tới khỏi bệnh.

Liên quan đến việc phòng chống Covid-19, chiều nay tỉnh Lạng Sơn cho biết đã lập mới 5 chốt kiểm dịch tại các cửa khẩu trên địa bàn.

Theo đó, cửa khẩu được thành lập chốt kiểm dịch là Chi Ma (huyện Lộc Bình) với 1 chốt; cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) với 1 chốt; cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng) với 2 chốt; cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) với 1 chốt. Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực cửa khẩu. Theo báo cáo của lực lượng Biên phòng tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 250 lượt phương tiện qua lại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Tất cả thủ tục kiểm dịch y tế đều được thực hiện chặt chẽ và đúng quy trình.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lạng Sơn, qua rà soát, toàn tỉnh có 1.669 người liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng (trong đó 1.646 người đã qua 14 ngày). Riêng tại huyện Đình Lập, nơi có 4 trường hợp mắc COVID-19 và đã được đưa đi điều trị tại Hà Nội vào ngày 5/8, hiện còn 4 trường hợp F2 có triệu chứng bệnh, 4 trường hợp này đang được cách ly và theo dõi tại Trung tâm Ytế huyện Đình Lập.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các lực lượng chức năng, nhất là trên khu vực biên giới, tiếp tục bám nắm địa bàn; thườngtrực tại các lán chốt kiểm dịch tại đường mòn, lối mở. Với công tác kiểm dịch y tế chặt chẽ tại cửa khẩu, 100% khách nhập cảnh từ nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu phải được kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế. Các đơn vị, sở, ngành có liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, khu dân sư số 7 (thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập) sẽ được dỡ bỏ cách ly y tế và 2 chốt kiểm tra y tế trên Quốc lộ 4B sẽ được dỡ bỏ khi đủ thời gian an toàn theo quy định.

(Theo SKĐS)

N.MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương