Bệnh viện dã chiến ở Kiên Giang tăng quy mô lên 300-500 giường đối phó với dịch Covid-19

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Kiên Giang phải chuẩn bị các kịch bản cho những tình huống xấu, phức tạp hơn.

Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và các cơ quan chuyên môn đã đề nghị tỉnh nâng quy mô bệnh viện dã chiến, hiện địa phương đã bắt đầu triển khai.

“Trung tâm Y tế TP Hà Tiên đang điều trị cho 18 bệnh nhân Covid-19 và điều trị khỏi bệnh 19 người. Họ đều trở về từ Campuchia qua cửa khẩu Hà Tiên, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hỏi thăm lực lượng vũ trang làm việc trên tuyến biên giới giáp Campuchia. Ảnh: Phạm Ngôn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hỏi thăm lực lượng vũ trang làm việc trên tuyến biên giới giáp Campuchia. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trước đó, địa phương này đã lập đề án bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường. Bệnh viện được trưng dụng cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Mỹ Đức, TP Hà Tiên.

13 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Kiên Giang để hỗ trợ điều chỉnh đề án bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Các bác sĩ khảo sát điều kiện cơ sở vật chất của Kiên Giang để lên kế hoạch cần chuẩn bị gì. Sáng 20/4, đoàn sẽ đi Hà Tiên 2 ngày, sau đó quay về TP Rạch Giá làm việc với UBND tỉnh để thống nhất các việc phải làm”.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thông tin kinh phí bệnh viện dã chiến theo quy mô cũ vào khoảng 185 tỷ động, đây được xem là tổng dự toán cho bệnh viện 200 giường. Trong đó, máy móc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm… được huy động từ các cơ sở y tế công lập.

Hiện những người từ Campuchia muốn về Việt Nam đều được khuyến cáo, vận động đi theo đường chính ngạch để được cách ly, theo dõi sức khỏe. Người nhiễm bệnh sẽ được điều trị, khỏi bệnh mới được về nhà. 

Ông Lê Quốc Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, cho biết địa phương này có 5 khu cách ly tập trung, khả năng tiếp nhận cách ly 720 người. Các đơn vị đang phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát tình trạng buôn lậu và người trở về từ Campuchia qua đường mòn, lối mở.

Những đơn vị ở tuyến đầu bố trí 48 chốt trực, 4 đội cơ động, 3 phương tiện tuần tra trên biển với gần 330 chiến sĩ tham gia. TP Hà Tiên cũng có 8 chốt dân quân kết hợp liên ngành ở tuyến sau vành đai biên giới thuộc phường Mỹ Đức, Đông Hồ, Pháo Đài, Tiên Hải và xã Thuận Yên.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Kiên Giang phải chuẩn bị các kịch bản cho những tình huống xấu, phức tạp hơn, cần tiếp tục tăng cường công tác chốt chặn trên tuyến biên giới đường biển và đường bộ. Đặc biệt việc tăng cường xét nghiệm Covid-19 tại chỗ là biện pháp chống dịch quan trọng.

Bộ Y tế yêu cầu Viện Pasteur TP.HCM thiết lập phòng xét nghiệm Covid 19 để có thể khẳng định kết quả và nâng công suất xét nghiệm tại Hà Tiên. Bộ Y tế lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu lớn nhất là không để ca lây nhiễm ra cộng đồng.

Tại Campuchia tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp, số ca mắc tăng nhanh.  Chiều 19/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 624 ca bệnh mới dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, hàng chục chợ cung cấp thực phẩm lớn, gồm chợ đầu mối tại Phnom Penh bị buộc phải đóng cửa.  

Thanh Mai

Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 20/4: Mở thêm vị thế ngắn hạn nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh

Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 20/4: Mở thêm vị thế ngắn hạn nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh

Nhà đầu tư cũng đừng quên những diễn biến đảo chiều liên tục của VN-Index trong tuần trước. Sự tích cực có thể chuyển biến bất cứ lúc nào khi VN-Index chưa thể hoàn toàn thoát khỏi mức kháng cự 1.255-1.260 điểm.