Người lao động tham gia BHXH khi bị tai nạn giao thông thì căn cứ vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện và từng trường hợp tai nạn cụ thể mà có thể được hưởng chế độ do Qũy BHXH chi trả:
Tham gia BHXH bắt buộc mà bị tai nạn giao thông
Người lao động đóng BHXH bắt buộc bị tai nạn giao thông có thể được hưởng chế độ ốm đau hoặc tai nạn lao động tùy trường hợp. Thậm chí, nếu bị tai nạn giao thông dẫn mà dẫn tới tử vong, thân nhân của người đó sẽ được hưởng quyền lợi liên quan đến chế tử tuất. Cụ thể:
Chế độ ốm đau khi bị tai nạn giao thông
Căn cứ Điều 25 Luật BHXH 2014, người lao động trong trường hợp này được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc
- Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Lưu ý: Không giải quyết chế độ ốm đau cho người ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.
Như vậy, nếu không thuộc trường hợp tai nạn lao động, khi bị tai nạn và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì người lao động sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Theo đó, người lao động sẽ được những quyền lợi sau:
- Về thời gian nghỉ hưởng chế độ:
Tại Điều 26 Luật BHXH 2014, người lao động được nghỉ hưởng chế độ với số ngày:
+ Làm việc trong điều kiện bình thường:
- 30 ngày: Đã đóng BHXH dưới 15 năm;
- 40 ngày: Đã đóng BHXH đủ 15 - dưới 30 năm;
- 60 ngày: Đã đóng BHXH đủ 30 năm trở lên.
+ Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:
- 40 ngày: Đã đóng BHXH dưới 15 năm;
- 50 ngày: Đã đóng BHXH đủ 15 - dưới 30 năm;
- 70 ngày: Đã đóng BHXH đủ 30 năm trở lên.
(Thời gian nghỉ này tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần)
- Về mức hưởng chế độ ốm đau:
Theo Điều 28 Luật BHXH 2014, người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo mức:
Mức hưởng hàng tháng | = | 75% | x | Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ |
Bị tai nạn giao thông có được hưởng BHXH? (Ảnh minh họa)
Chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông
Theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn kể trên.
Theo đó, nếu bị tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc trên đường đi làm về trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, người lao động có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Tuy nhiên quy định này không áp dụng đối với trường hợp tai nạn giao thông do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe hoặc do sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Như vậy, nếu đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, người lao động sẽ được hưởng một số quyền lợi sau:
- Được người sử dụng lao động thanh toán các khoản tiền như: Chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; tiền lương trong những ngày nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường hoặc trợ cấp cho người bị tai nạn lao động theo mức suy giảm,…
- Được Qũy BHXH chi trả các khoản sau: trợ cấp tai nạn lao động; trợ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; trợ cấp phục vụ; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị.
Chế độ tử tuất khi tai nạn giao thông mà bị chết
Theo quy định tại Mục 5 Chương II Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc mà bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong thì thân nhân của họ sẽ được hưởng các quyền lợi về chế độ tử tuất gồm:
- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết;
- Trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng tùy trường hợp (Xem thêm).
- Trường hợp chết do tai nạn giao thông thuộc trường hợp tai nạn lao động: Thân nhân được nhận thêm trợ cấp 01 lần bằng 36 lần lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết.
Tham gia BHXH tự nguyện mà bị tai nạn giao thông
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật BHXH năm 2014, BHXH tự nguyện chỉ gồm chế độ hưu trí và tử tuất. Do đó, người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện mà bị tai nạn giao thông chỉ được hưởng chế độ của BHXH nếu tử vong.
Theo đó, người lao động chết do tai nạn giao thông thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất với các quyền lợi tại mục 2 Chương IV Luật BHXH như sau:
- Trợ cấp mai tháng bằng 10 tháng lương cơ sở nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên;
- Trợ cấp tuất 01 lần:
Mức hưởng = 1,5 x Mbqtn x Số năm đóng BHXH trước 2014 + 2 x Mbqtn x Số năm đóng BHXH từ 2014 trở đi
Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 01 năm: Mức hưởng = Số tiền đã đóng (tối đa = 2 x Mbqtn)
(Mbqtn là mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH)
(Tham khảo từ luatvietnam.vn)