Biến động nhân sự cấp cao ở Coteccons

Coteccons vừa công bố bổ nhiệm các nhân sự cấp cao với những cái tên nổi bật trong ngành xây dựng.

Đầu tiên là ông Chris Senekki, nguyên Tổng giám đốc Công ty xây dựng Tuner Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Coteccons.

Ông Chris Senekki có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, nổi bật với nhiều dự án quốc tế và trong nước như: khu dầu khí Qatar, Cảng, bến du thuyền và sân bay quốc tế Cyprus (Síp), Porsche Autohaus (HCM), khách sạn Hilton Saigon… Dự kiến ông Chris Senekki sẽ chính thức gia nhập Coteccons vào giữa tháng 4/2021.

ctd.jpg
Coteccons (CTD) bổ sung nhân sự mới.

Một tên tuổi lớn cũng vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc Coteccons là TS. Phan Hữu Duy Quốc, nguyên Phó đại diện của Shimizu Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng với 19 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản, là một trong những nhân sự chủ chốt tham gia xây dựng Metro số 1, cầu Bình Khánh (cao tốc Bến Lức - Long Thành). 

Ngoài ra, công ty cũng bổ nhiệm ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Công ty Unicons và ông Nguyễn Ngọc Lân, Giám đốc Khối Xây lắp Coteccons làm Phó tổng giám đốc Coteccons. Cùng với ông Phạm Quân Lực và ông Micheal Trần đã được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc trước đó, Coteccons đã bổ sung thêm nhiều chuyên gia và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo có chuyên môn xây dựng.

Đồng thời, ông Võ Thanh Liêm, quyền Tổng giám đốc đã hoàn thành nhiệm kỳ kết nối chuyển đổi tại Công ty trong 6 tháng vừa qua. Ông Liêm và Ban Giám đốc Coteccons đã cùng thống nhất không kéo dài thêm nhiệm kỳ của mình.

Ông Liêm có 16 năm công tác tại Coteccons và từng trải qua các vị trí khác nhau từ Chỉ huy trưởng, Giám đốc Dự án, Giám đốc Khối, rồi đến Phó Tổng Giám đốc và cuối cùng là Quyền Tổng Giám đốc.

Trong một báo cáo hồi cuối 2020, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, tình hình cạnh tranh hiện tại sẽ là thách thức cho Coteccons (CTD) trong việc gia tăng backlog (các đơn đặt hàng mà khách hàng đã gửi nhưng chưa đến thời gian thực hiện, một chỉ báo về mức độ mong muốn mua hàng của khách hàng). VCSC giả định giá trị hợp đồng ký mới giai đoạn 2021-2025 đạt 15.000 tỷ đồng/năm.

Theo VCSC, thách thức của đại dịch COVID-19 và và quá trình tái cơ cấu nội bộ sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, thậm chí dịch bệnh có thể dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng hợp đồng xây dựng chưa triển khai hiện tại của Coteccons.

Nếu giá trị hợp đồng ký mới trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xuống chỉ còn 15.000 tỷ đồng/năm và so với giá trị giai đoạn 2015-2018 trước đó là 27.000 tỷ đồng/năm thì mỗi năm trong giai đoạn mới sẽ giảm khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một sự sụt giảm đáng lo ngại cho ông lớn số 1 Việt Nam trong lĩnh vực tổng thầu thi công.

Trước đó, cuộc chiến trong nội bộ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam đã khiến vốn hóa của doanh nghiệp này bốc hơi 10.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu giảm từ mức khoảng 230.000 đồng hồi cuối 2017 về gần 40.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020 trước khi hồi phục về quanh mốc 70.000 đồng/cp như hiện nay.

Giá cổ phiếu Coteccons hồi phục từ cuối tháng 3 cho tới tháng 8 theo đà hồi phục chung trên thị trường chứng khoán.

Trong giai đoạn đó, các mâu thuẫn nội bộ được giải quyết với cái kết là sự gia đi của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương và một loạt các lãnh đạo khác.

Ông Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Coteccons từ 2/10/2020, đồng thời bổ nhiệm ông Bolat Duisenov vào vị trí này từ 5/10.

Cuộc chiến giữa nhóm cổ đông ngoại-nội tại Coteccons kéo dài nhiều năm qua đã chấm dứt. Tuy nhiên, Coteccons nhiều khả năng sẽ khó lặp lại được những kết quả ấn tượng như trong hơn 17 năm vừa qua dưới sự quản lý của ông Dương.

Ngành xây dựng năm 2021 được dự báo với nhiều cơ hội và thách thức. Tuy nhiên Coteccons vẫn kỳ vọng nắm giữ vững vị thế dẫn đầu của Coteccons trong ngành xây dựng.

Cụ thể  lãnh đạo Coteccons và Unicons đặt mục tiêu kinh doanh của công ty với 1 tỷ USD doanh thu và 5% lợi nhuận gộp.

Năm 2020, Coteccons đã ghi nhận 14.597 tỷ đồng doanh thu thuần, 463 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 38% và 35% so với năm 2019. Lợi nhuận năm 2020 cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2015. Với kết quả này thì doanh nghiệp mới thực hiện được 91% kế hoạch doanh thu và 77% mục tiêu lợi nhuận năm.

Như vậy, so với kết quả thực hiện được năm 2020 vừa qua thì Coteccons đang đặt ra kế hoạch năm 2021 cao hơn gần 60% về doanh thu.

Tuy nhiên Coteccons có những khởi đầu 2021 tốt đẹp cả về tiềm lực tài chính lẫn doanh thu. Trở thành đối tác chiến lược cùng ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), công bố những dự án mới: khu nghỉ dưỡng cao cấp Hyatt Regency Ho Tram, khu căn hộ chung cư Opal Skyline Bình Dương, dự án điện gió tại tỉnh Tiền Giang.

Định hướng đầu tư xây dựng ngành năng lượng tái tạo và điện gió của Coteccons được mong đợi sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh và nguồn thu tốt.

VIÊN VIÊN