Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp ban chỉ đạo điều hành giá.
Bộ Công Thương được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vừa có góp ý về dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 của Thủ tướng, quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. EVN cho biết tập đoàn thống nhất với thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định rõ ràng. Nếu trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá thì EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát, theo Dân trí.
Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.
Cơ quan này cũng đang sửa Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, dự kiến giảm biểu giá bán lẻ điện từ 6 xuống còn 5 bậc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9.
Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay cho 50 kWh hiện nay; còn bậc cao nhất từ 700 kWh trở lên. Bậc 1 được tính bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân (1.920,37 đồng/kWh từ ngày 4/5); bậc 2 bằng 108%, bậc 3 bằng 136%, bậc 4 bằng 162% và bậc 5 bằng 180%.
Như vậy, giá điện bậc 1 thấp nhất từ 1.728 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) khoảng 3.457 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT.
Phó Thủ tướng lưu ý phương án và thời điểm đề xuất điều chỉnh giá điện cần phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo EVN tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đối với một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định.
Bộ Công Thương cũng thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát biến động thị trường; giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và đóng góp tích cực cho xuất khẩu, theo VTV.
Đồng thời, cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có chỉ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm. Tham gia, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.
(Tổng hợp)