'Bóc mẽ' những tuyên bố hòa bình và hòa giải của Trung Quốc

Tại Diễn đàn Nghiên cứu Chính sách và Truyền thông Trực tuyến Trung-Mỹ ngày 9/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có phát biểu quan trọng về lập trường của Bắc Kinh trước giới hoạch định chính sách Mỹ, những người phần lớn đều đang “vỡ mộng” với Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Theo Asia Times, có vẻ như Bắc Kinh đang tìm cách kéo quan hệ Mỹ-Trung ra khỏi tình trạng suy thoái hiện tại, được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, song thực tế những hàm ý ẩn sau phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị lại khiến người ta phải suy ngẫm.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đổ lỗi mối quan hệ song phương tồi tệ là do “một số người ở Mỹ với những thành kiến về ý thức hệ”, “những người không ngừng tìm cách làm nản lòng và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc” và luôn “miêu tả Trung Quốc như một kẻ thù”.

Trên thực tế, phải thừa nhận người Mỹ nói chung có thành kiến rất lớn với cái gọi là chủ nghĩa độc tại. Điều đáng chú ý là người Mỹ, dù có khuynh hướng này rất mạnh mẽ, lại rất hời hợt với việc “ngăn chặn” Trung Quốc hoặc coi Trung Quốc như một kẻ thù trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Trong suốt 3 thập kỷ, động lực thúc đẩy các chính sách của Mỹ là tư tưởng cho rằng nếu Mỹ tham gia và hòa nhập với Trung Quốc, một Trung Quốc giàu có và hội nhập quốc tế sẽ ủng hộ các chuẩn mực tự do toàn cầu hơn.

Tuy nhiên, những chính sách đàn áp xã hội dân sự ở trong nước và hung hăng ở bên ngoài của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã xua tan hy vọng đó của người Mỹ. Vì vậy, kết quả là Mỹ phải thực hiện một chính sách cứng rắn hơn.

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Mỹ “không nên tìm cách sửa đổi lại” Trung Quốc, và rằng hệ thống chính quyền Trung Quốc “phù hợp với điều kiện quốc gia của chính mình”, là hệ thống đã giúp Trung Quốc thoát nghèo và là “sự lựa chọn của người dân Trung Quốc”, những người ca ngợi chính phủ của họ trong “các cuộc khảo sát ý kiến công chúng quốc tế”.

Trên thực tế, những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ cộng sản tại Trung Quốc mà Mỹ thực hiện không nhiều và mạnh mẽ như những gì Bắc Kinh tuyên bố. Người Mỹ tất nhiên cũng đã thể hiện sự đạo đức giả khi nói về các vấn đề quản trị, song thực tế đó là bản sắc của Mỹ và sẽ là hão huyền nếu hy vọng có thể ngăn Mỹ tiếp tục chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc thiếu dân chủ ở Trung Quốc.

Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: “Trung Quốc không sao chép bất kỳ mô hình nào của các quốc gia khác, và cũng không xuất khẩu mô hình riêng của mình sang các quốc gia khác”, và Trung Quốc “không bao giờ có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ”.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Asia Times, trên thực tế hệ thống chính trị Trung Quốc dựa trên mô hình mà Lenin đã xây dựng, một mô hình tới từ quốc gia khác. Hơn thế nữa, chính Trung Quốc đã không ít lần tìm cách “xuất khẩu” mô hình này sang các nước khác trong phần lớn giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Kinh tế Trung Quốc đứng trước những thách thức không nhỏ từ Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc đứng trước những thách thức không nhỏ từ Mỹ.

Người Mỹ ngày nay đa phần đều nhận thức được rằng Trung Quốc rõ ràng đã có những hành động nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và các khía cạnh quan trọng của trật tự thế giới tự do do Mỹ bảo trợ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt phản đối việc thúc đẩy nền dân chủ tự do trên toàn thế giới, và thay vào đó là muốn đảm bảo một thế giới với những quốc gia độc tài để họ dễ dàng hợp tác hơn. Bất chấp những gập ghềnh trong quan hệ song phương gần đây, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng Trung Quốc vẫn muốn quay trở lại mối quan hệ hợp tác và ổn định với Mỹ, và rằng “sự phát triển của Trung Quốc đã cung cấp cho Mỹ động lực tăng trưởng bền vững cùng một thị trường khổng lồ”.

Theo Asia Times, Trung Quốc tất nhiên muốn khôi phục quan hệ để tiếp tục được hưởng số thặng dư thương mại lên tới 300 tỷ USD mỗi năm từ Mỹ trong khi vẫn được rộng đường tiếp cận với công nghệ Mỹ.

Những thực tế khiến người ta cho rằng nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Mỹ là điều hoàn toàn đúng đắn. Mỹ rõ ràng cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, song để trở lại "làm ăn" như bình thường, hai bên cần hóa giải hai khúc mắc chính. 

Trước hết, Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh từ mối quan hệ kinh tế so với Mỹ. Mỹ tăng về mặt tuyệt đối, nhưng Trung Quốc tăng về mặt tương đối. Các nhà kinh tế có xu hướng tập trung vào lợi ích tuyệt đối, nhưng việc tụt lại phía sau về lợi ích tương đối là vấn đề an ninh quốc gia mà Mỹ không còn có thể bỏ qua khi Trung Quốc đang dùng sức mạnh tổng thể để tiếp cận Mỹ. 

Thứ hai, người Mỹ rất không hài lòng vì sự thiếu công bằng trong mối quan hệ thương mại song phương, trong đó có việc Trung Quốc vi phạm có hệ thống các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chèn ép các đầu tư trực tiếp nước ngoài và cả các hoạt động gián điệp công nghiệp quy mô lớn.

Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc chưa bao giờ có ý định thay thế Mỹ.
Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc chưa bao giờ có ý định thay thế Mỹ.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng người Trung Quốc “hy vọng mạnh mẽ vào khả năng duy trì hòa bình”, và Trung Quốc “có quyền bảo vệ chủ quyền, an ninh cũng như những lợi ích phát triển của mình”.

Trong thực tế, “những lợi ích chủ quyền” của Trung Quốc bao gồm một tập hợp lớn các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp trên một khu vực rộng lớn, từ biên giới với Ấn Độ, Đài Loan, biển Hoa Đông và cả Biển Hoa Nam (Biển Đông). 

Khẳng định cả Trung Quốc và Mỹ đều phải “tôn trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc quốc tế”, song nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc lại “lờ đi” phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), bỏ ngoài tai những chỉ trích cho rằng luật an ninh quốc gia mới thực thi tại Hong Kong là vi phạm các nguyên tắc quốc tế và cũng hoàn toàn không đề cập tới các cáo buộc diệt chủng tại Tân Cương. 

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị kết thúc bằng việc lên án Mỹ cho đến nay vẫn “cố chấp, hoang tưởng và theo chủ nghĩa chống cộng điên cuồng củaMcCarthy”, rằng “Mỹ đang bao vây và bôi nhọ Trung Quốc trên khắp thế giới, đồng thời can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Trên thực tế, cũng giống như các quan chức chính phủ khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dùng cùng một chiến thuật là đổ lỗi cho bên ngoài về mọi vấn đề bên trong Trung Quốc. Tất nhiên, người Mỹ khó có thể tin rằng chủ nghĩa McCarthy là nguyên nhân dẫn đến sự tụt dốc trong quan hệ song phương như Trung Quốc cáo buộc.

Những mong muốn mà Ngoại trưởng Vương Nghị đề cập tới khó có thể trở thành hiện thực nếu bản thân Trung Quốc không giải quyết được những gốc rễ trong căng thẳng song phương, và điều này cần phải được bắt đầu bằng nhận thức đúng đắn về sự hung hăng trong các chính sách đối ngoại mà họ thúc đẩy.

(Nguồn: TTXVN/Asa Times)

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương