Bức tranh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm

Mười tháng đầu năm, 93.700 doanh nghiệp được thành lập mới và 97.100 rút lui khỏi thị trường; cán cân thương mại ước nhập siêu 1,45 tỷ USD.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết tháng 10, cả nước có 8.233 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 108.600 tỷ đồng, tăng 111,2% về số doanh nghiệp và tăng 73,9% về vốn đăng ký so với tháng trước. Ngoài ra, còn có 4.304 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,8%.

Cơ quan thống kê nhìn nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Doanh nghiệp thành lập mới tiến sát số rút lui khỏi thị trường

Tính chung 10 tháng đầu năm, cả nước có 93.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 15,7% về số doanh nghiệp và giảm 18,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9%.

Bên cạnh đó, có 35.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,3% so với 10 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp được thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 129.000, giảm 13,3%. Bình quân một tháng có 12.900 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm

Cũng trong tháng 10, có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 55,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; có 3.048 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,5% và giảm 14,8%; có 806 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33% và giảm 43%.

Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48.500 đơn vị, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%.

Tính trung bình, một tháng có 9.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhập siêu 1,45 tỷ USD

Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10 tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 9 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2%.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Mười tháng đầu năm, con số ước tính lên đến 267,93 tỷ USD, tăng 16,6%.

Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%) gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.

Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%; EU đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%; ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%; Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%; Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2%.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm

Đối với nhập khẩu, kim ngạch tháng 10 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ.

Có tới 39 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 252,21 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 17,17 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%; ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%; EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%; Mỹ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5%.

Như vậy, tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD).

CPI tăng thấp nhất 5 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước nhưng tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng đầu năm, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tổng cục Thống kê lý giải việc nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm.

Đồng thời, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch.

Trong mức giảm 0,2% của CPI tháng 10 so với tháng trước, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm cao nhất với 1,28%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,26%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Nhóm giáo dục cũng tăng 0,25%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%.

Lạm phát cơ bản tháng 10 giảm 0,17% so với tháng trước nhưng tăng 0,5% so với cùng kỳ trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với mặt hàng vàng, giá vàng trong nước giảm theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 10 giảm 0,21% so với tháng trước, giảm 1,85% so với tháng 12/2020 và giảm 1,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, chỉ số giá USD tháng 10 giảm 0,06% so với tháng trước; giảm 1,2% so với tháng 12/2020 và giảm 1,48% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài.

Văn Hưng

theo Zing News

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (27-28/10): Tây Nguyên và Nam Bộ cục bộ mưa to

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (27-28/10): Tây Nguyên và Nam Bộ cục bộ mưa to

Dự báo trong đêm nay và ngày mai (28/10) Trung Bộ trời nhiều mây, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; Tây Nguyên và Nam Bộ mưa dông rải rác, cục bộ mưa vừa mưa to. Trong mưa dông đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.